Vôi hóa cột sống là một dạng lão hóa xảy ra với cột sống. Đa phần ở giai đoạn đầu, bệnh không gây triệu chứng quá rõ rệt. Lâu dần mới bắt đầu xuất hiện các cơn đau và làm ảnh hưởng tới vận động. Người trung niên, người trẻ sinh hoạt làm việc không khoa học là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Điều trị vôi hóa cột sống, người bệnh cần kiên trì và lưu ý một số vấn đề để đạt được hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về vôi hóa cột sống
Vôi hóa cột sống là tình trạng bị lắng đọng canxi tại các dây chằng bám vào đốt sống, mỏm gai và mỏm ngang của cột sống. Đây được xem như sự lão hóa tự nhiên của cơ theo thời gian. Gai có thể xuất hiện sớm với những người bị tiền sử bệnh cột sống. Khả năng mắc vôi hóa sẽ tăng dần theo độ tuổi. Thường xảy ra nhiều nhất ở vùng: đốt sống cổ, đốt sống lưng và thắt lưng.
Tùy vào vị trí và tình trạng mà bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng như:
1.1. Đau nhức vùng cột sống
Vôi hóa cột sống khi nặng có thể gây chèn ép đến tủy sống, thần kinh và các vùng cơ thể liên quan. Đau nhức, khó khăn trong vận động là tình trạng phổ biến nhất ở bệnh lý này. Các cơn đau có thể lan từ cổ sang vai gáy và xuống hai cánh tay hoặc từ thắt lưng xuống hai bàn chân.
1.2. Rối loạn cảm giác
Vì vôi hóa chèn ép và ảnh hưởng đến dây thần kinh, tủy sống nên có thể gây ra tình trạng rối loạn cảm giác ở tay, chân. Khi đó người bệnh thường thấy: tê bì tay chân như kiến bò, nóng rát tay, chân. Nghiêm trọng hơn có thể bị teo cơ.
Các cơn đau, rối loạn cảm giác do vôi hóa sẽ tăng lên khi vận động quá sức hay thay đổi thời tiết.
2. Điều trị vôi hóa cột sống và những lưu ý quan trọng
Trường hợp vôi hóa nhẹ, chưa xuất hiện triệu chứng thì bệnh nhân có thể cải thiện thông qua thói quen và lối sống hàng ngày. Tuy nhiên, tới giai đoạn vôi hóa gây ảnh hưởng đến dây thần kinh và kéo theo các cơn đau liên tục thì việc điều trị là rất cần thiết.
Dưới là một số phương pháp chính trong điều trị vôi hóa hiện nay:
2.1. Điều trị vôi hóa cột sống bằng thuốc Tây
Thuốc dùng trong chữa vôi hóa đa phần là thuốc giúp giảm đau, chống viêm. Thường bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc chống viêm không có steroid. Ngoài ra có thể kết hợp với chườm nóng, chườm lạnh để giảm đau và giảm sưng đỏ.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, người bệnh có thể được hướng dẫn dùng thuốc giãn cơ. Những loại thuốc này chủ yếu làm ức chế thần kinh trung ương giúp người bệnh hạn chế các cơn đau co thắt và dễ dàng hơn trong các hoạt động. Riêng với những bệnh nhân có xuất hiện gai xương đâm vào một số dây thần kinh. Khi này, bác sĩ sẽ thực hiện tiêm thuốc steroid tại điểm có gai để giảm viêm, giảm đau nhanh. Tuy nhiên, cách này chỉ có tác dụng tạm thời và người bệnh cần phải tiêm lặp lại.
2.2. Điều trị vôi hóa cột sống bằng vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu cũng là một phương pháp điều trị vôi hóa được nhiều người quan tâm. Các thủ thuật xoa bóp, châm cứu, tập thể dục, các bài yoga,… giúp giảm đau nhức ở các vùng vôi hóa.
– Châm cứu: là cách sử dụng những cây kim nhỏ đi qua da và tác động lên các vị trí huyệt đạo. Điều này giúp thúc đẩy lưu thông máu, giúp người bệnh giảm đau và thư thái hơn.
– Tập vận động: là các bài tập vật lý trị liệu theo sự hướng dẫn của các chuyên gia. Đây là biện pháp giúp giảm đau nhanh, làm tăng sự linh hoạt và giảm bớt khả năng tiến triển bệnh.
– Yoga: mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe đặc biệt là xương khớp. Một số bài tập yoga có khả năng cải thiện sự biến đổi cấu trúc và hạn chế các cơn đau, khó chịu của người bệnh.
Ngoài ra cũng có một số biện pháp vật lý trị liệu khác có thể được áp dụng:
– Sóng ngắn: sử dụng các bước sóng có tần số phù hợp tác động lên vùng bị vôi hóa. Các bước sóng này kích thích quá trình tuần hoàn máu và thư giãn cơ. Ngoài ra còn giúp cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.
– Sóng hồng ngoại: tác dụng hồng ngoại chủ yếu là các tác dụng về nhiệt. Phương pháp này được sử dụng làm giãn cơ và giảm đau chống viêm mãn tính.
– Điện xung: dùng tác dụng của dòng điện để điều trị bệnh. Khi đó làm ngăn cản sự dẫn truyền tín hiệu đau lên trên não, bên cạnh đó kích thích cơ thể sản xuất ra các chất giảm đau tự nhiên như: endorphin.
– Thủy liệu pháp: hay còn được gọi là trị liệu thủy sinh, là dạng trị liệu điều trị trong nước. Sử dụng nước để giúp giảm bớt áp lực lên cột sống từ đó khiến bệnh nhân dễ dàng hơn trong việc hoạt động.
2.3. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định áp dụng khi tình trạng bệnh trở nặng. Hay khi áp dụng các phương pháp nội khoa khác không mang lại hiệu quả.
Phẫu thuật là quá trình cắt bỏ các gai cột sống hình thành do vôi hóa. Cách này giúp giải phóng sự chèn ép lên dây thần kinh. Tuy nhiên, các kỹ thuật sử dụng cần được cân nhắc kỹ vì có thể tác động vào dây thần kinh và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp khá mới được áp dụng trong điều trị vôi hóa. Đội ngũ bác sĩ thực hiện phẫu thuật đòi hỏi phải có kinh nghiệm chuyên môn cao. Bác sĩ sẽ tiến hành để có thể vừa cắt bỏ gai xương vừa tháo gỡ được sự chèn ép nhằm mang lại sự phục hồi tốt cho bệnh nhân.
2.4. Những lưu ý cần biết trong điều trị cột sống bị vôi hóa
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần chú ý một số vấn đề như:
– Khi sử dụng thuốc, người bệnh không nên lạm dụng thuốc kéo dài, cần dùng theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt không tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa khám và xác định rõ mức độ bệnh.
– Bên cạnh áp dụng các phương pháp trên, người bệnh cần kết hợp với một chế độ sinh hoạt và ăn uống, tập luyện hợp lý.
– Hạn chế ngồi một tư thế quá lâu hay mang vác vật nặng, hoạt động mạnh và đột ngột.
– Thường xuyên luyện tập thể dục, chơi các môn thể thao lành mạnh như: đạp xe, bơi lội, cầu lông,…
– Cần chú ý theo dõi tình trạng bệnh và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
– Giữ tinh thần và tâm lý thoải mái trong quá trình điều trị. Điều này có tác dụng rất tốt và hiệu quả trong thời gian chữa bệnh.
Vôi hóa cột sống mặc dù không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khó điều trị dứt điểm. Để ngăn ngừa bệnh, mọi người cần chú ý hơn đến chế độ ăn uống và luyện tập. Cần thường xuyên luyện tập thể thao và tránh bị chấn thương trong các hoạt động thường ngày.