Điều trị viêm ruột thừa và những điều cần biết 

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ

Lê Xuân Thắng

Trưởng Đơn vị Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Điều trị viêm ruột thừa bằng cách nào mang lại hiệu quả cao là thắc mắc của không ít người bệnh. Viêm ruột thừa là bệnh lý khá phổ biến trong xã hội hiện đại và có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Bệnh cần được điều trị kịp thời và đúng cách để tránh gây nguy hiểm tới sức khỏe.

1. Các triệu chứng của viêm ruột thừa đặc trưng

Trước khi tìm hiểu về cách điều trị viêm ruột thừa bạn cần biết về các triệu chứng khi mắc bệnh. Viêm ruột thừa gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Khi người bệnh đau bụng dữ dội là giai đoạn ruột thừa đã sưng viêm vô cùng nguy hiểm. Mọi người cần biết về các triệu chứng nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

1.1 Đau bụng

Đau bụng là triệu chứng đặc trưng nhất khi bị viêm ruột thừa. Cơn đau thường khởi phát ở vùng quanh rốn hoặc thượng vị kèm theo buồn nôn, nôn. Sau nhiều tiếng đồng hồ cơ đau tăng dần và di chuyển xuống vùng hố chậu phải. Người bệnh bị đau âm ỉ liên tục tăng dần sau khi ho hoặc thay đổi tư thế. Khi gặp phải triệu chứng này bạn cần nghi ngờ ngay tới việc bị viêm ruột thừa cấp.

Tùy thuộc vào phần bị viêm mà vị trí đau của người bệnh sẽ khác nhau. Viêm ruột thừa sau manh tràng sẽ đau vùng hông lưng, viêm ruột thừa thể tiểu khu đau hạ vị, viêm ruột thừa dưới gan sẽ đau dưới sườn phải.

Trong các trường hợp bệnh mới khởi phát hoặc dấu hiệu bệnh không rõ ràng mọi người sẽ rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Điều này khiến bệnh chủ quan và không đi cấp cứu kịp thời khiến sự việc đáng tiếc xảy ra.

1.2 Sốt

Viêm ruột thừa có thể gây sốt nhẹ khoảng 38 độ C do cơ thể đang bị viêm nhiễm. Nếu bị viêm phúc mạc sẽ gây ra sốt cao do lúc này cơ thể đang bị nhiễm trùng nặng. Người bệnh nên sử dụng các biện pháp hạ sốt tạm thời khi sốt cao để tránh xảy ra co giật rồi tới ngay bệnh viện.

1.3 Chán ăn

Chán ăn tuy không phải là dấu hiệu khẳng định mắc bệnh tuy nhiên biểu hiện này thường xuyên xuất hiện. Vì vậy nếu tự dưng bạn chán ăn đột ngột và kèm theo một số triệu chứng khác thì cần nghĩ ngay tới việc bị viêm ruột thừa.

1.4 Buồn nôn, nôn mửa

Viêm ruột thừa gây kích thích ruột và hệ tiêu hóa khiến người bệnh buồn nôn, nôn mửa. Triệu chứng này thường xuất hiện sau khi đau bụng. Tuy nhiên viêm dạ dày hoặc ngộ độc thức ăn cũng gây ra buồn nôn vì vậy bạn cần được thăm khám cụ thể.

1.5 Tiêu chảy

Một số người khi bị viêm ruột thừa thường có biểu hiện tiêu chảy. Dấu hiệu này xảy ra trong trường hợp viêm ruột thừa thể tiểu khung và khi xuất hiện biến chứng vỡ ổ viêm gây kích thích đi cầu. Các bệnh lý ở vùng bụng và vùng chậu cũng gây ra hiện tượng này vì vậy bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa để giúp chẩn đoán.

Đau bụng là dấu hiệu đặc trưng khi bị viêm ruột thừa

Đau bụng là dấu hiệu đặc trưng khi bị viêm ruột thừa

2. Đâu là nguyên nhân gây viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa xảy ra bởi sự tắc nghẽn lòng ruột. Bệnh có thể do sỏi phân là nguyên nhân thường gặp nhất. Sự tắc nghẽn làm gia tăng áp lực trong lòng ruột do sự phát triển của vi khuẩn và tăng tiết dịch của lớp lót trong lòng ruột thừa. Kết quả dẫn đến ruột thừa bị viêm, sưng to, chứa đầy dịch mủ. Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới hoại tử ruột, ổ viêm vỡ gây nhiễm khuẩn ổ bụng.

3. Chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa

Nếu nghi ngờ bị viêm ruột thừa bạn cần tới các bệnh viện uy tín để được kiểm tra, thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán bằng hình ảnh. Cụ thể:

– Thăm khám lâm sàng: Khai thác bệnh sử kỹ lưỡng, thăm khám vùng bụng để dựa vào đó chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp

Xét nghiệm máu: Dựa vào tỷ lệ bạch cầu có thể đánh giá tình trạng viêm và nhiễm trùng

Chẩn đoán hình ảnh: Người bệnh chụp X – quang, siêu âm, chụp CT ổ bụng để hỗ trợ xác định viêm ruột thừa và phân biệt với các nguyên nhân do bệnh lý khác.

Siêu âm ổ bụng là cách chẩn đoán bệnh

Siêu âm ổ bụng là cách chẩn đoán bệnh

4. Điều trị viêm ruột thừa

Thực tế, cách điều trị viêm ruột thừa phổ biến nhất vẫn là cắt bỏ phần ruột bị viêm. Đây là phương pháp được sự đồng thuận của tất cả các bác sĩ trên thế giới. Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp có thể điều trị bằng thuốc.

4.1 Điều trị viêm ruột thừa bằng thuốc

Từ năm 2004 đến nay có một số nghiên cứu về việc điều trị bằng thuốc kháng sinh đối với các trường hợp viêm ruột thừa không để lại biến chứng. Kết quả điều trị cho thấy khi điều trị bằng thuốc có khoảng 90% trường hợp đạt hiệu quả và 10% còn lại cần can thiệp phẫu thuật. Theo dõi các bệnh nhân đã điều trị thành công bằng thuốc trong vòng 1 năm có khoảng 30% ca viêm ruột thừa tái phát. Điều này cho thấy điều trị bằng thuốc không thể dứt điểm hoàn toàn. Chính vì vậy phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị được ưu tiên hơn cả.

4.2 Điều trị viêm ruột thừa bằng cách phẫu thuật

Một số trường hợp được điều trị không mổ cấp cứu khi ruột thừa vỡ tạo áp xe. Bác sĩ chọc dẫn lưu dưới hướng dẫn của siêu âm phối hợp điều trị kháng sinh theo phác đồ. Người bệnh được hẹn cắt ruột thừa sau 6 tháng.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cần nhịn ăn uống hoàn toàn và được bù đủ dịch qua đường tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân sử dụng kháng sinh dự phòng trước khi mổ nhằm hạn chế nhiễm trùng.

Phẫu thuật cắt ruột thừa được thực hiện bằng cách mổ nội soi hoặc mổ mở. Hiện nay mổ nội soi được ưu tiên sử dựng hơn do các ưu điểm vượt trội: Vết mổ nhỏ ít để lại sẹo, ít gây đau đớn, bệnh nhân mau hồi phục. Một số trường hợp không được mổ nội soi: Bệnh nhân bị bệnh tim mạch, bệnh hô hấp nặng, bệnh nhân đã từng mổ mở.

Trường hợp ruột thừa đã vỡ và nhiễm trùng ổ bụng cần mổ mở để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Mổ nội soi là phương pháp điều trị viêm ruột thừa hiệu quả

Mổ nội soi là phương pháp điều trị viêm ruột thừa hiệu quả

5. Chế độ sinh hoạt, ăn uống sau phẫu thuật viêm ruột thừa

Thời gian phục hồi sau mổ còn tùy thuộc vào mức độ viêm ruột thừa. Trường hợp viêm ruột thừa mổ nội soi có thể xuất viện sau 1,2 ngày và hoạt động bình thường sau khoảng 2,3 ngày. Đối với mổ hở bệnh nhân cần thời gian hồi phục lâu hơn. Sau khi điều trị bệnh nhân cũng cần chú ý tới việc ăn uống, sinh hoạt để hỗ trợ vết thương mau lành.

5.1 Lưu ý sử dụng thuốc và sinh hoạt

– Bệnh nhân phải uống thuốc theo yêu cầu của bác sĩ. Trường hợp vẫn còn đau nhiều sau phẫu thuật có thể nằm đệm sưởi ấm hoặc chườm mát lên vết mổ

– Tuần đầu sau phẫu thuật chỉ nên vận động nhẹ nhàng, không bưng vác nặng

– Rửa vết mổ nhẹ nhàng. Nên để vết mổ tiếp xúc với không khí để mau se bề mặt

– Mặc quần áo thoải mái để hạn chế kích ứng lên vùng da quanh vết mổ

– Khi ho hoặc cười, vận động cần đặt một chiếc gối trước bụng nhằm giảm đau

– Không tự lái xe cho tới lần khám đầu tiên sau khi phẫu thuật

– Sau khoảng 1 tháng tới 1,5 tháng vết sẹo sẽ mềm và nhạt dần

5.2 Chế độ ăn uống

– Sau khi mổ cần chia nhỏ bữa ăn. Bệnh nhân có thể ăn 6 – 8 bữa/ngày

– Quay về chế độ ăn uống như cũ theo tư vấn của bác sĩ

– Nên uống nhiều nước và hạn chế ăn đồ dầu mỡ, cafe,…

5.3 Khi nào nên liên lạc với bác sĩ?

Sau khi mổ nếu gặp các dấu hiệu dưới đây bạn cần tới bệnh viện ngay:

– Sốt cao trên 38 độ là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng

– Nhịp tim nhanh, tăng trên 100 nhịp/phút

– Đau ngực, khó thở

– Đau bụng nhiều hơn

– Vết mổ hở miệng, sưng tấy, chảy dịch

– Sưng chân và bắp chân do có cục máu đong

– Người ớn lạnh, buồn nôn

– Tiêu chảy liên tục kèm sốt

– Táo bón

– Không thể đi vệ sinh hoặc bàng quang luôn trống

Nên chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa

Nên chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa

Mong rằng với những kiến thức về điều trị viêm ruột thừa sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn. Điều quan trọng khi mắc bệnh viêm ruột thừa là cần được phát hiện càng sớm càng tốt. Nếu phát hiện bệnh muộn sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital