Vừa qua, Hệ thống y tế Thu Cúc TCI đã tiếp nhận ca bệnh của bé B.A.Q (5 tháng tuổi). Bé bị viêm đường tiết niệu tái phát do phụ huynh tự ý dừng kháng sinh trong quá trình điều trị. Vậy cụ thể tình trạng của bé như thế nào? Quá trình điều trị viêm đường tiết niệu ra sao?
Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn thông qua bài viết dưới đây ngay nhé!
Menu xem nhanh:
1. Triệu chứng & Chẩn đoán
Viêm đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào của đường hệ tiết niệu. VD: Thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Thông thường, các nhiễm trùng này xảy ra nhiều hơn ở cơ quan tiết niệu dưới (bàng quan, niệu đạo). Khu trú tại đây và gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu.
Bé B.A.Q (5 tháng tuổi) được mẹ đưa tới khám tại Thu Cúc TCI sau khi nhận thấy có triệu chứng đi tiểu đục màu. Qua khai thác bệnh sử, mẹ A.Q cho biết con từng bị viêm đường tiết niệu gần đây. Trước đó, con điều trị tại một bệnh viện khác và được bác sĩ kê thuốc dùng trong vòng 7 ngày.
Tuy nhiên, sau khoảng 5 ngày dùng thuốc, thấy con đỡ hơn nên mẹ A.Q đã tự ý ngưng thuốc. Sau đó ít ngày thì con bắt đầu có dấu hiệu đi tiểu đục màu trở lại. Thấy vậy, mẹ A.Q liền đưa con đi khám ngay.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, bác sĩ nghĩ ngay tới trường hợp bệnh viêm đường tiết niệu tái phát. Tuy nhiên, vẫn cần thực hiện thêm các xét nghiệm máu, tổng phân tích nước tiểu và siêu âm ổ bụng để đưa ra kết quả chính xác nhất.
Kết quả không nằm ngoài dự đoán, bé A.Q bị viêm đường tiết niệu tái phát.
Thông thường, các triệu chứng viêm đường tiết niệu mà trẻ thường gặp có thể kể đến như:
– Nước tiểu đổi màu, trẻ bị tiểu rắt, buốt cơ quan sinh dục
– Sốt cao li bì, ngủ triền miên, cơ thể suy yếu, da mặt tái xanh, lạnh toát tứ tri
– Nôn, trớ, đi ngoài sau ăn
– Quấy khóc thường xuyên
– Vàng da
– Trẻ bú ít, ăn ít
– …..
Ở trường hợp của A.Q, nguyên nhân viêm đường tiết niệu trở lại là do mẹ con đã tự ý dừng kháng sinh trong những ngày điều trị cuối cùng. Lượng kháng sinh không đủ để tiêu diệt hết vi khuẩn gây viêm. Do đó chúng có thể sinh sản và tái tạo lại quần thể. Đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển, dẫn tới bệnh viêm quay trở lại.
Tình trạng của con nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như:
– Tổn thương thận vĩnh viễn
– Hẹp niệu đạo
– Nhiễm trùng huyết
– Thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng
– …..
2. Quá trình điều trị viêm đường tiết niệu
2.1 Phương án điều trị
Để chữa viêm đường tiết niệu, phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là sử dụng kháng sinh. Đồng thời áp dụng các biện pháp phù hợp để hạn chế và cải thiện tình trạng nhiễm trùng.
Bé A.Q được chỉ định nhập viện, điều trị nội trú để thuận tiện cho việc điều trị. Trong thời gian này, con được tiêm kháng sinh, kết hợp truyền dịch và bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Tại Thu Cúc TCI, A.Q được chăm sóc và theo dõi tận tình bởi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên Nhi khoa giàu kinh nghiệm. Cơ sở vật chất và thiết bị y tế hiện đại giúp quá trình khám, chữa bệnh diễn ra nhanh chóng và hiệu quả nhất. Phòng lưu viện tiện nghi cho con luôn cảm thấy thoải mái như ở nhà.
2.2 Kết quả điều trị
Rất may, với phác đồ điều trị phù hợp, tình trạng của A.Q đã được cải thiện sau khoảng 5 ngày. Mọi chỉ số đều cho thấy sự ổn định. Con ít quấy khóc, ăn ngoan hơn và cũng không còn triệu chứng tiểu đục nữa.
Sau đó, con đã có thể xuất viện về nhà. Trước khi ra về, bác sĩ dặn dò mẹ cẩn thận cách phòng tránh để con không bị viêm trở lại.
2.3 Lời khuyên của bác sĩ
Thực tế, hiện nay có rất nhiều trường hợp phụ huynh cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách. Có những trường hợp sử dụng không cần thiết hoặc không theo đơn của bác sĩ. Dẫn tới các tác dụng phụ hoặc tình huống không mong muốn xảy ra.
Đặc biệt là trường hợp của bé A.Q, mẹ cho con sử dụng kháng sinh không đủ liều lượng. Dẫn đến bệnh không khỏi mà còn tái phát trở lại.
Do đó, khi cho con sử dụng kháng sinh, cha mẹ cần lưu ý:
– Kháng sinh là thuốc chỉ có tác dụng với bệnh do vi trùng, không có tác dụng với bệnh do virus. Vì vậy, cần xác định rõ nguyên nhân gây bệnh trước khi sử dụng. Thường là nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa.
– Việc tự ý dừng kháng sinh trong những ngày điều trị cuối cùng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển.
– Tự ý giảm liều thuốc hoặc cắt thuốc sẽ khiến kháng sinh không đủ để tiêu diệt vi khuẩn. Do đó, chúng có thể sinh sản và tái tạo lại quần thể, kéo theo bệnh trở lại sau một thời gian.
– Sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. VD: Tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ, thậm chí tử vong,…
– Việc sử dụng thuốc kháng sinh phải tuân theo chỉ định mà bác sĩ đưa ra. Bởi trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Mọi thành phần thuốc đưa vào cơ thể trẻ đều cần được tính toán sao cho phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ.
Tóm lại, thông qua trường hợp điều trị viêm đường tiết niệu của bé B.A.Q, chắc hẳn cha mẹ đã có thêm những kiến thức quan trọng cho mình. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào khác liên quan, hãy liên hệ với chúng tôi sớm để được giải đáp nhé!