Trào ngược dạ dày là bệnh lý tiêu hóa xảy ra phổ biến ở người trẻ những năm gần đây do “lối sống vội”: ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, làm việc căng thẳng. Dù không gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng bệnh có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Vậy đâu là giải pháp điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin đến bạn.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản cần chú ý
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit, thức ăn, dịch mật từ dạ dày đi ngược lên vùng thực quản – hầu họng, gây kích thích niêm mạc thực quản.
Người bệnh mắc trào ngược có thể xuất hiện các triệu chứng bao gồm:
– Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua: thường xuất hiện sau khi người bệnh ăn no, hoặc vào ban đêm. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục gây khó chịu, rất có khả năng bạn bị trào ngược dạ dày.
– Buồn nôn và nôn: Triệu chứng này thường xảy ra khi người bệnh ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn. Bệnh nhân có thể nôn ra thức ăn hoặc dịch vị.
– Đau rát vùng thượng vị: Đau vùng trên rốn đến sau xương ức cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo trào ngược dạ dày thực quản. Người bệnh cần chú ý để tránh nhầm lẫn với triệu chứng bệnh tim mạch.
– Khó nuốt, nuốt vướng, nghẹn ở cổ: xảy ra khi tình trạng trào ngược trở nên nghiêm trọng gây sưng tấy, phù nề vùng niêm mạc thực quản.
– Đau họng, ho kéo dài và khan tiếng: Khi axit dạ dày trào ngược quá mức lên vùng hầu họng, dây thanh quản có thể bị sưng tấy gây viêm họng và ho.
Một số người bệnh còn có thể cảm thấy đắng trong miệng và tiết nhiều nước bọt hơn bình thường.
2. Trào ngược dạ dày có phải tình trạng nghiêm trọng?
Thông tin từ Hội Nội khoa Việt Nam, có khoảng 7 triệu người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trong đó, khoảng 60% xảy ra biến chứng do không điều trị kịp thời.
Trào ngược thực quản khi đã trở thành bệnh lý có thể dẫn đến các biến chứng hô hấp – tiêu hóa, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Một số tình trạng báo động bao gồm:
2.1 Viêm loét thực quản
Axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản theo thời gian sẽ hình thành các tổn thương viêm loét. Người bệnh loét thực quản có thể cảm thấy đau xương ức, đau rát khi nuốt, mức độ nặng hơn có thể gây rò thực quản hay xuất huyết thực quản.
2.2 Chít hẹp thực quản
Là biến chứng phổ biến của bệnh, gây cản trở đường lưu thông của thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Người bệnh có thể cảm thấy nuốt khó, ăn uống kém, suy nhược cơ thể, đôi khi bị khó thở do lòng thực quản bị thu hẹp ảnh hưởng đến hô hấp…
2.3 Barrett thực quản
Barrett thực quản hay tiền ung thư thực quản là biến chứng xảy ra ở số ít bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày trong thời gian dài không được điều trị. Đây là tình trạng nguy hiểm vì có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản trong tương lai. Người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như thường xuyên ợ nóng, khó nuốt, đau ngực… Tuy nhiên nhiều trường hợp bệnh nhân không có biểu hiện rõ ràng, chỉ có thể phát hiện thông qua nội soi và sinh thiết. Điều này khiến bệnh dễ bị nhầm lẫn, bỏ qua.
2.4 Ung thư thực quản
Nếu người bệnh đang phải chịu đựng các cơn đau nghiêm trọng vùng thượng vị, đau sau xương ức, nuốt nghẹn, nôn, sụt cân không rõ nguyên nhân…, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám vì có thể bạn đang mắc ung thư thực quản. Trung bình tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh ung thư thực quản là 5-30% do hầu hết đều được phát hiện muộn. Do đó, điều trị trào ngược dạ dày trước khi bệnh biến chứng nguy hiểm có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
3. Điều trị trào ngược dạ dày cần làm gì?
Người bệnh mắc trào ngược dạ dày không nên chủ quan mà cần chủ động thăm khám ngay khi nghi ngờ triệu chứng để có phác đồ điều trị phù hợp.
Mục tiêu trong điều trị trào ngược được các bác sĩ đưa ra là tiến tới kiểm soát triệu chứng, làm lành tổn thương và ngăn ngừa biến chứng. Để làm được điều này, dưới đây là một số phương pháp người bệnh nên lưu ý:
3.1 Điều trị trào ngược bắt đầu với thay đổi lối sống
Thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học có thể là nguyên nhân dẫn tới trào ngược, đồng thời là yếu tố làm tăng nặng tình trạng bệnh. Do đó, để điều trị bệnh trào ngược dạ dày, điều đầu tiên người bệnh cần thực hiện là điều chỉnh lối sống:
– Người bệnh nên hạn chế ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhiều gia vị chua, cay… Đồng thời cần tăng cường ăn các thực phẩm tốt cho dạ dày như bánh mì, ngũ cốc, sữa chua, các loại đậu, đạm dễ tiêu…
– Dừng ngay việc hút thuốc, sử dụng các loại đồ uống có cồn, cafein, nước có gas như: rượu, bia, cà phê, coca…
– Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn chậm nhai kỹ, không nằm ngay sau ăn…có thể có lợi cho người bệnh trào ngược.
– Giữ tinh thần thoải mái, tích cực tập luyện thể dục thể thao có thể giúp cải thiện đáng kể tránh tình trạng bệnh.
– Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì gây áp lực đến tiêu hóa.
3.2 Điều trị nội khoa trào ngược dạ dày
Thay đổi lối sống có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị trào ngược, tuy nhiên để kiểm soát nhanh tình trạng bệnh và ngăn ngừa biến chứng, điều trị nội khoa là phương pháp cần thiết. Người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp.
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng bệnh trào ngược như:
– Thuốc ức chế proton (PPI): loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị trào ngược, có tác dụng ức chế, ngăn tiết axit dịch vị.
– Thuốc trung hòa axit: tạo mảng trung tính, ngăn dịch dạ dày trào ngược, thường sử dụng sau ăn từ 1-3h.
– Thuốc kháng thụ thể Histamin H2: có khả năng ngăn tiết axit dạ dày hiệu quả nhanh hơn PPI, tuy nhiên có thể gây các tác dụng phụ nên được sử dụng ít hơn.
– Thuốc tác dụng trên chức năng vận động thực quản (Prokinetics): thường được sử dụng kết hợp với PPI trong điều trị trào ngược dạ dày, giúp đào thải axit và tăng nhu động thực quản.
– Thuốc chống trầm cảm: có thể sử dụng để hỗ trợ quá trình điều trị, giảm căng thẳng thần kinh – một trong các nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên cần cẩn trọng về liều lượng, thời gian sử dụng để tránh các tác dụng phụ gây hại cho tiêu hóa.
3.3 Phẫu thuật
Trường hợp điều trị nội khoa thất bại hoặc có biến chứng trào ngược, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh thực hiện phẫu thuật tạo hình phình vị qua nội soi ổ bụng. Can thiệp này nhằm củng cố lại hàng rào chống trào ngược mà không gây tác dụng phụ quá mức.
Phẫu thuật điều trị trào ngược thực quản là biện pháp cuối cùng, do đó tất cả các bệnh nhân được chỉ định đều cần được đánh giá kỹ lưỡng và theo dõi chặt chẽ ít nhất 6 tháng khi điều trị nội khoa.
Trào ngược dạ dày dù không gây nguy hiểm trực diện như có thể ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đời sống người bệnh. Điều trị trào ngược bằng cách kết hợp giữa phác đồ y tế và điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt có thể đem lại hiệu quả tích cực trong kiểm soát bệnh lý. Người bệnh không nên chủ quan mà cần thăm khám ngay khi nghi ngờ các triệu chứng, tránh bệnh diễn tiến nguy hiểm.