Điều trị sỏi tiết niệu như thế nào còn phụ thuộc vào tình trạng sỏi, kích thước và vị trí. Nắm được những phương pháp điều trị sẽ giúp người mắc sỏi chủ động hơn trong việc lựa chọn phương pháp hiệu quả nhất với mình.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh sỏi tiết niệu là gì? Có nguy hiểm không?
Sỏi tiết niệu được hình thành do những lắng cặn kết tinh, lâu dần tạo thành những viên sỏi nhỏ trong hệ tiết niệu. Sỏi thường được hình thành tại thận, rồi rơi xuống các bộ phận khác của hệ tiết niệu như niệu quản, bàng quang. Chỉ một số ít trong số đó được hình thành tại niệu quản, bàng quang.
Sỏi được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phần lớn là do chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Sỏi nhỏ và nằm im 1 chỗ thì không gây nguy hiểm cho người bệnh. Thông thường, sỏi kích thước làm gia tăng nguy cơ gây các biến chứng nguy hiểm cho người mắc sỏi. Sỏi nhỏ có thể lớn lên rất nhanh về kích thước và di chuyển, cọ xát gây đau đớn. Vì vậy, sỏi vẫn được khuyến khích điều trị ngay từ sớm.
Sỏi nhỏ thường có chỉ định điều trị đơn giản hơn. Bệnh nhân chỉ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa đồng thời chú ý ăn uống, sinh hoạt phù hợp là có thể điều trị hiệu quả. Cần chú ý đến những viên sỏi có hình thái đặc biệt, có cạnh sắc nhọn thì cần phải tiến hành điều trị bằng ngoại khoa. Sỏi nếu để lớn và gây các triệu chứng bất thường thì rất dễ dẫn đến biến chứng như: Tắc nghẽn đường niệu, giãn đài bể thận, suy thận thậm chí là hỏng thận. Nhiều người đã phải cắt bỏ thận chỉ vì không chịu để ý dẫn đến sỏi to bất thường.
2. Cách điều trị sỏi tiết niệu
2.1. Điều trị nội khoa
– Sỏi còn nhỏ chưa gây triệu chứng hay biến chứng
– Sỏi kích thước dưới 5mm
– Sỏi xác định có tính chất dễ vỡ…
Những trường hợp trên sẽ có chỉ định dùng thuốc để đào thải sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên. Việc dùng thuốc cần kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp với người mắc sỏi, uống nhiều nước để nhanh chóng đẩy sỏi ra ngoài. Các loại thuốc thường là thuốc giãn cơ, thuốc chống viêm… giúp đường tiết niệu thông thoáng, thuận lợi đẩy sỏi.
Cần theo dõi định kỳ để biết sỏi đã ra ngoài chưa? Nếu chưa thì cần nghe theo ý kiến của bác sĩ về phương án điều trị tiếp theo. Nếu rồi thì tiếp tục về nhà, thực hiện chế độ ăn uống hợp lý theo tư vấn để phòng ngừa sỏi tái phát.
2.2. Điều trị ngoại khoa
– Tán sỏi ngoài cơ thể: Phương pháp này được cho là nhẹ nhàng, êm ái nhất trong số các phương pháp ngoại khoa. Bệnh nhân không cần nằm viện, tán xong về nhà ngay. Tán sỏi ngoài cơ thể áp dụng cho bệnh nhân mắc sỏi thận bé hơn 1.5cm, sỏi niệu quản ⅓ trên bé hơn 1cm. Nguồn sóng xung kích từ máy tán sỏi sẽ tác động vào viên sỏi, phá vỡ cấu trúc sỏi thành mảnh vụn. Người bệnh về nhà, uống nhiều nước để tích cực đẩy vụn sỏi ra ngoài.
– Tán sỏi qua da: Tên gọi đầy đủ của phương pháp này là tán sỏi qua da đường hầm nhỏ. Bác sĩ sẽ tạo 1 đường hầm từ lưng để đưa máy nội soi vào thận tiếp cận sỏi. Đường hầm có kích thước rất nhỏ, tầm 0,5 – 1cm nên gần như không để lại sẹo. Năng lượng laser sẽ dùng để tán vỡ sỏi thành mảnh nhỏ và được bơm hút ra ngoài. Phương pháp này được cho là giải pháp hiệu quả thay thế mổ mở truyền thống.
– Tán sỏi nội soi ngược dòng: Phương pháp này áp dụng cho sỏi bàng quang đa kích thước, sỏi niệu quản ⅓ giữa và dưới. Ưu điểm của tán sỏi ngược dòng là đi vào từ đường tự nhiên, qua niệu đạo tiến lên tiếp cận sỏi. Do đó, người bệnh không có vết mổ, giảm bớt đau đớn và các biến chứng sau mổ.
Mổ mở hoặc mổ nội soi lấy sỏi là phương pháp truyền thống để lấy sỏi ra ngoài. Tuy nhiên hiện nay, các phương pháp này ít được ứng dụng hơn do gây đau đớn và kéo dài thời gian nằm viện. Tùy thuộc tình trạng sỏi mà có phương pháp hợp lý nên người bệnh cần tuân thủ phương án điều trị của bác sĩ.
3. Điều trị sỏi tiết niệu tận gốc bằng giải pháp phòng ngừa
Sỏi sẽ không được điều trị tận gốc nếu người bệnh không kết hợp với chế độ ăn uống, phòng ngừa hợp lý. Chỉ cần lơ là, sỏi sau khi khỏi có thể tái phát nhanh chóng. Vì vậy, để điều trị tận gốc cần chủ động làm những việc sau:
– Ăn uống, sinh hoạt phù hợp
Để điều trị tận gốc, việc đầu tiên là phải loại bỏ được các nguyên nhân gây bệnh chủ quan. Thói quen ăn uống và rèn luyện là rất quan trọng đối với bệnh sỏi thận. Những người từng mắc sỏi thận nên hạn chế dùng thực phẩm chức năng để bổ sung canxi. Đồng thời, cần ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi. Có thể bổ sung nước ép cam chanh cũng rất tốt cho người bị sỏi thận.
Điều quan trọng không thể quên là cần rèn thói quen uống nhiều nước mỗi ngày. Uống nhiều nước sẽ giúp hệ tiết niệu thông thoáng hơn. Thể dục thể thao, ăn uống nghỉ ngơi đúng giấc cũng góp phần phòng ngừa sỏi tái phát.
– Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe hệ tiết niệu sau tán sỏi là rất quan trọng để kịp thời phát hiện điều bất thường nếu có. Việc phát hiện sớm cũng giúp người bệnh điều trị đơn giản và nhẹ nhàng hơn.
Điều trị sỏi tiết niệu hiện nay đã có nhiều phương pháp phù hợp với từng tình trạng bệnh. Bạn cần chú ý thăm khám và chủ động tìm đến các cơ sở có chuyên khoa Thận – tiết niệu để được tư vấn những phương pháp hiệu quả nhất.