Điều trị gan nhiễm mỡ như thế nào để đạt hiệu quả cao?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Gan nhiễm mỡ là bệnh lý về gan không hề hiếm gặp và ngày càng có xu hướng phổ biến trong xã hội hiện đại. Bệnh lý này có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vậy điều trị gan nhiễm mỡ như thế nào để đạt hiệu quả cao? Hãy tham khảo bài viết sau của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để tìm lời đáp cho câu hỏi này.

1. Bệnh gan nhiễm mỡ và các yếu tố nguy cơ

Tình trạng mỡ tích lũy trong gan chiếm trên 5% trọng lượng lá gan được gọi là gan nhiễm mỡ. Giai đoạn đầu của gan nhiễm mỡ thường lành tính. Tuy nhiên tình trạng tích mỡ ở gan kéo dài có thể dẫn tới suy giảm chức năng gan và xơ gan.

Bệnh lý này có thể là hệ lụy của sự dung nạp mỡ quá nhiều từ thức ăn hoặc rối loạn chuyển hóa mỡ trong cơ thể. Một số yếu tố thuận lợi thường gặp của gan nhiễm mỡ gồm:

– Uống quá nhiều đồ uống có cồn là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh.

– Ăn quá nhiều mỡ động vật, đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ,…

– Người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao hơn người có trọng lượng bình thường

– Người mắc bệnh viêm gan virus B, C; bướu cổ; tiểu đường; mỡ máu cao, hội chứng rối loạn chuyển hóa.

– Người lười vận động.

– Sút cân quá nhanh cũng làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Nguyên nhân là do tình trạng này khiến cơ thể không tổng hợp được apolipoprotein. Điều này khiến hàm lượng triglycerid máu tăng cao, làm tăng lượng mỡ thừa trong gan.

– Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị (như Acetaminophen, thuốc trị lao phổi, thuốc điều trị mỡ máu cao) có thể gây tổn thương gan, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.

Điều trị gan nhiễm mỡ như thế nào?

Gan nhiễm mỡ là bệnh lý gan mật rất thường gặp, ai cũng có thể gặp phải

2. Triệu chứng thường gặp của bệnh gan nhiễm mỡ

Gan đảm nhận nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể như: giải độc, miễn dịch, chuyển hóa, tiết dịch mật tiêu hóa lipid thức ăn,… Tình trạng nhiễm mỡ tại gan có thể làm ảnh hưởng chức năng của gan, gây ra một số triệu chứng điển hình như sau:

– Khó tiêu, tiêu hóa kém, đầy bụng, chướng hơi.

– Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, ăn không ngon, không muốn vận động.

– Sụt cân, da dẻ xanh xao, có tình trạng thiếu máu.

– Dễ bị sốt hoặc nhiễm trùng.

– Vàng da là triệu chứng gặp phải khi gan nhiễm mỡ tiến triển sang giai đoạn nặng.

Cách điều trị gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ được điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao

3. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ

– Chẩn đoán lâm sàng: Thăm khám lâm sàng có thể phát hiện gan nhiễm mỡ qua các triệu chứng và các yếu tố nguy cơ của người bệnh.

– Xét nghiệm mỡ máu: Có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán gan nhiễm mỡ, giúp xác định nồng độ lipid trong máu. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm ure máu, đường máu, đo huyết áp,… nhằm sàng lọc các rối loạn liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ.

– Xét nghiệm men gan: Đánh giá được sự thay đổi của men gan, trường hợp men gan tăng cho biết gan đang gặp tổn thương. Tuy đây không phải là phương pháp chẩn đoán xác định gan nhiễm mỡ nhưng rất cần thiết trong việc tìm ra nguyên nhân gây tổn thương gan.

– Siêu âm: Người bệnh gan nhiễm mỡ có hình ảnh siêu âm “gan sáng” do độ hồi âm của nhu mô gan gia tăng. Bên cạnh siêu âm thông thường, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm đàn hồi mô gan giúp đánh giá mức độ gan nhiễm mỡ.

– Các chẩn đoán hình ảnh khác có khả năng phát hiện gan nhiễm mỡ như chụp cắt lớp vi tính CT, chụp cộng hưởng từ MRI.

– Sinh thiết gan: Bác sĩ đưa kim sinh thiết vào gan để lấy mảnh tổ chức gan làm kiểm tra tế bào học. Đây là phương pháp hữu hiệu chẩn đoán gan nhiễm mỡ cũng như xác định nguyên nhân gây bệnh.

Bác sĩ có thể chỉ định phối hợp 2 hoặc nhiều phương pháp kể trên trong chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Từ đó kết quả chẩn đoán đảm bảo chính xác nhất, làm cơ sở để có hướng điều trị thích hợp.

4. Điều trị bệnh gan nhiễm mỡ

4.1. Điều trị gan nhiễm mỡ có khỏi được không?

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho người bệnh gan nhiễm mỡ. Việc điều trị bệnh thường là các biện pháp hỗ trợ nhằm khắc phục tình trạng dư thừa mỡ tại gan. Gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu có mức độ nhẹ, không ảnh hưởng lớn đến chức năng gan. Do đó nếu tiến hành điều trị gan nhiễm mỡ càng sớm thì việc điều trị sẽ càng đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả càng cao. Ngược lại, bệnh chuyển sang giai đoạn nặng thì việc điều trị sẽ khó khăn, kéo dài.

Tóm lại, gan nhiễm mỡ có thể điều trị khỏi dứt điểm. Để làm được điều này, bệnh cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt, tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Điều trị gan nhiễm mỡ hiệu quả

Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về điều trị gan nhiễm mỡ

4.2. Cách điều trị gan nhiễm mỡ

– Giảm cân: Đây là điều bắt buộc với người béo phì mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Việc giảm cân cần đảm bảo an toàn, khoa học, ngăn ngừa tổn thương gan, đồng thời cải thiện đề kháng Insulin. Người bệnh cần tránh giảm cân cấp tốc bởi điều này có thể làm trầm trọng thêm bệnh gan nhiễm mỡ.

– Kiểm soát rối loạn lipid máu: Nhóm thuốc statin (Atorvastatin, Rosuvastatin, Simvastatin) có thể kiểm soát rối loạn lipid máu, giảm tình trạng nhiễm mỡ tại gan.

– Có chế độ ăn uống khoa học, điều độ; ăn nhiều rau xanh, trái cây. Người bệnh nên sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, kiêng ăn các thực phẩm nhiều cholesterol,  nhiều dầu mỡ,… Hạn chế thịt đỏ (như thịt bò), thay vào đó nên sử dụng những loại thịt có protein ít béo như thịt gà hay cá.

– Kiêng đồ uống có cồn và các chất kích thích: rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…

– Sử dụng vitamin E theo tư vấn của bác sĩ: Người bệnh gan nhiễm mỡ không mắc tiểu đường có thể dùng vitamin E giúp cải thiện tình trạng viêm. Lưu ý vitamin E không được sử dụng trong điều trị cho nam giới có tiền sử ung thư tiền liệt tuyến hoặc có thành viên trong gia đình mắc bệnh.

– Tiêm phòng virus viêm gan B, A giúp phòng tránh virus gây tổn thương gan khiến bệnh gan nhiễm mỡ nặng nề hơn.

– Dành thời gian vận động, tập thể dục, thể thao mỗi ngày nhằm tăng cường miễn dịch, thúc đẩy quá trình điều trị.

Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý sử dụng các loại thuốc không được bác sĩ chỉ định.

5. Tổng kết

Gan nhiễm mỡ thường không gây ra các tổn thương gan vĩnh viễn nhưng người bệnh không thể chủ quan. Nếu không được điều trị, bệnh tiến triển nặng có thể làm tăng nguy cơ viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Điều quan trọng nhất trong điều trị gan nhiễm mỡ là các biện pháp giúp giảm bớt yếu tố nguy cơ. Người bệnh cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín ngay khi có các triệu chứng bất thường và tiến hành điều trị tích cực càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, mỗi người nên kiểm tra gan định kỳ 3 – 6 tháng/ lần để kiểm soát tốt nhất sức khỏe gan mật.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital