Điều trị bệnh sỏi mật có bắt buộc phải cắt túi mật hay không luôn là băn khoăn lớn nhất mà người bệnh có sỏi mật còn thắc mắc. Và trường hợp nào phải cắt túi mật, cắt túi mật theo phương pháp nào cũng là những câu hỏi được quan tâm và cần lời giải đáp.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh sỏi mật có ảnh hưởng như thế nào tới người bệnh?
Thông thường, sỏi túi mật có xu hướng âm thầm phát triển mà không ảnh hưởng nhiều tới người bệnh. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp, sỏi gây ra các triệu chứng như đau quặn mật, rối loạn tiêu hóa, vàng da, vàng mắt, nghiêm trọng hơn là nguy cơ biến chứng có thể gặp phải.
1.1. Triệu chứng bệnh sỏi túi mật
– Cơn đau quặn mật: Cơn đau quặn mật được khởi phát từ vùng thượng vị hoặc hạ sườn bên phải. Sau đó sẽ xuyên qua lưng rồi lan nhanh ra vùng xương bả vai phải. Những cơn đau này thường xuất hiện đột ngột, mức độ đau sẽ tăng dần và có thể kéo dài từ 30 phút hoặc đến vài giờ.
– Cơn đau quặn dữ dội ở vùng dưới sườn phải. Đây có thể là dấu hiệu của viêm túi mật cấp – một loại biến chứng do sỏi túi mật gây ra.
– Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như ợ chua, đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu, ăn không tiêu, buồn nôn và nôn,..
– Vàng da, vàng mắt: Khi sỏi di chuyển và lọt xuống ống mật chủ làm tắc nghẽn đường mật, dẫn tới tình trạng vàng da, vàng mắt.
– Sốt: Người bệnh có thể bị sốt khi sỏi mật gây nhiễm trùng đường mật hoặc viêm túi mật.
1.2. Nguy cơ biến chứng
– Viêm túi mật cấp và mạn tính: Đây là biến chứng phổ biến và thường gặp phải nhất. Sỏi kẹt trong cổ túi mật hoặc ống dẫn mật làm cho dịch mật bị ứ đọng. Lâu ngày sẽ dẫn tới viêm túi mật cấp tính. Viêm túi mật cấp tái diễn lại nhiều lần làm thành túi mật bị dày lên và xơ hóa, mất dần hoặc mất hoàn toàn khả năng cô đặc và dự trữ dịch mật dẫn tới viêm túi mật mạn tính.
– Nhiễm trùng đường mật, viêm đường mật: Biến chứng này xảy ra khi có sỏi làm tắc nghẽn tại ống dẫn mật.
– Viêm tụy cấp: Sỏi túi mật di chuyển và đi vào vào ngã ba mật tụy rồi bị tắc lại tại đây. Lúc này, dịch tụy bị ứ đọng và dẫn đến viêm tụy cấp.
– Tắc ruột: Sỏi tạo lỗ rò túi mật – tá tràng, sau đó sẽ theo đường rò này xuống tới ruột non và bị mắc kẹt lại, dẫn tới tắc ruột.
– Ung thư túi mật: Đây là biến chứng hiếm gặp nhưng có mức độ nguy hiểm cao nhất. Khi đó, người bệnh sẽ phải tiến hành cắt túi mật càng sớm càng tốt cùng các chỉ định liên quan tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể.
2. Điều trị bệnh sỏi mật có bắt buộc cắt bỏ túi mật không?
Người bệnh có sỏi túi mật cần thực hiện thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chi tiết tình trạng bệnh, mức độ ảnh hưởng của sỏi rồi đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.
– Trường hợp sỏi túi mật không có triệu chứng, không ảnh hưởng tới người bệnh thì việc thực hiện điều trị bệnh sỏi mật là điều không bắt buộc. Hay nói cách khác, người bệnh hoàn toàn có thể “chung sống” hòa bình với sỏi. Một số trường hợp có thể được chỉ định điều trị bằng các loại thuốc tan sỏi đặc hiệu, kết hợp thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và thăm khám định kỳ đều đặn theo hướng dẫn từ bác sĩ.
– Trường hợp sỏi túi mật gây đau quặn mật, các cơn đau xảy ra thường xuyên cùng mức độ tăng dần, sỏi gây triệu chứng cùng nguy cơ biến chứng cao thì bắt buộc cần thực hiện điều trị không kể kích thước to hay nhỏ, số lượng nhiều hay ít. Khi đó, phương pháp điều trị được chỉ định thường là cắt túi mật.
3. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật
3.1. Nội soi cắt túi mật là gì?
Phẫu thuật nội soi là phương pháp được ưu tiên sử dụng khi thực hiện cắt túi mật nhờ ưu thế ít xâm lấn, ít gây đau và nhiều ưu điểm khác. Bác sĩ sẽ tạo 1-2 vết rạch trên da ở vùng bụng để đưa vào bộ dụng cụ nội soi bao gồm 1 camera cùng thiết bị phẫu thuật siêu nhỏ.
Camera có chức năng truyền tải hình ảnh bên trong ổ bụng, dẫn đường đi tới vùng gan mật. Bác sĩ sẽ sử dụng biết bị chuyên dụng để tách túi mật và thực hiện cắt bỏ. Ca phẫu thuật được diễn ra nhanh chóng chỉ khoảng 20-30 phút và mang lại hiệu quả điều trị tốt, người bệnh sẽ sớm hồi phục.
3.2. Trường hợpchỉ định và chống chỉ định trị bệnh sỏi mật bằng phẫu thuật nội soi
Trường hợp sỏi túi mật có chỉ định cắt túi mật nội soi:
– Sỏi có kích thước lớn hoặc thể tích sỏi chiếm hơn ⅔ tổng thể tích toàn túi mật
– Sỏi gây triệu chứng cùng các cơn đau quặn bụng.
– Sỏi gan ứ đọng gây tắc nghẽn đường dẫn mật nghiêm trọng.
– Sỏi với nguy cơ biến chứng cao như viêm túi mật cấp, viêm tụy, tắc ruột,..
– Sỏi túi mật theo kèm polyp túi mật lớn hơn 10mm.
Trường hợp chống chỉ định cắt túi mật nội soi:
– Người bệnh béo phì.
– Các trường hợp sỏi túi mật đã có biến chứng nghiêm trọng.
– Người bệnh có tiền sử phẫu thuật trước đó, để lại sẹo dính nhiều.
– Người bệnh có các rối loạn về chảy máu, đông máu,..
– Thể trạng kém không chịu được áp lực từ ca phẫu thuật.
Khi người bệnh không thể đáp ứng các yêu cầu của phẫu thuật nội soi sẽ được chuyển qua thực hiện cắt túi mật mổ mở hoặc lựa chọn phương án điều trị bệnh sỏi mật phù hợp khác.
3.3. Ưu điểm khi thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị bệnh sỏi mật
– Ít xâm lấn và tính thẩm mỹ cao
Thay vì một vết rạch lớn của mổ mở, vết rạch từ phẫu thuật nội soi chỉ khoảng 0,3 – 1cm trên ổ bụng. Do đó phương pháp này có tính an toàn hơn, hạn chế tối đa mức độ xâm lấn và vết sẹo siêu nhỏ, đảm bảo tính thẩm mỹ.
– Ít đau, tỷ lệ biến chứng tai biến rất thấp
Phẫu thuật nội soi không cần cắt cơ, thời gian thực hiện nhanh chóng nên sẽ giảm thiểu tối đa đau đớn gây ra cho người bệnh. Không chỉ vậy, các biến chứng thường gặp như chảy máu trong, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn,… đều được kiểm soát tốt và hầu như sẽ không gây ảnh hưởng tới người bệnh.
– Thời gian hồi phục nhanh chóng
Người bệnh sẽ được về nhà sau 2 – 3 ngày phẫu thuật.Thời gian hồi phục hoàn toàn sau khoảng 3 – 4 tuần (sẽ cần tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe mỗi người) và bắt đầu trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường.
Điều trị bệnh sỏi mật không nhất thiết phải thực hiện cắt túi mật mà còn phải tùy thuộc vào từng tình trạng cụ thể. Trong trường hợp phải cắt túi mật, người bệnh cũng không cần quá lo lắng vì đã được thực hiện bởi các phương pháp phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, ít đau, đảm bảo tính an toàn.