Ung thư là một trong những bệnh lý nguy hiểm và gây tử vong nhiều nhất hiện nay. Bệnh lý này xuất hiện khi các tế bào tăng sinh mất kiểm soát, có khả năng xâm lấn và di căn đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Nhận biết những dấu hiệu của bệnh ung thư giai đoạn sớm có thể giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh. Để phát hiện kịp thời bệnh lý nguy hiểm này, hãy tìm các triệu chứng cảnh báo qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu cảnh báo một số bệnh ung thư thường gặp
Các dấu hiệu dưới đây không chỉ liên quan đến ung thư mà còn có thể bắt nguồn từ nhiều bệnh lý khác. Khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bạn cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác vấn đề mà bản thân đang gặp phải.
1.1. Những dấu hiệu của bệnh ung thư gan
Ung thư gan là bệnh lý ung thư có số ca mắc mới và tử vong nhiều nhất tại Việt Nam năm 2020 (theo số liệu Globocan – WHO). Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng bao gồm: vàng da, sụt cân bất thường, sưng và đau bụng nhẹ, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, nước tiểu sẫm màu, da bị ngứa và mọc nhiều mụn,…
1.2. Ung thư phổi
Một số biểu hiện có thể gặp ở người bệnh ung thư phổi là: ho dai dẳng, cảm giác nặng nề ở ngực hoặc đau ngực, đờm có máu,… Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi.
1.3. Ung thư vú
Người mắc ung thư vú thường thấy khối u xuất hiện ở vùng vú. Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý rằng không phải tất cả các khối u vú đều là ung thư. Ngoài ra người bệnh còn có cảm giác ngứa, đau nhức hoặc tấy đỏ vùng núm vú,… Các triệu chứng khó chịu này không bắt nguồn từ nguyên nhân thai nghén, cho con bú hoặc chu kỳ kinh nguyệt.
1.4. Ung thư dạ dày
Thường xuyên khó tiêu, đau bụng sau khi ăn, nôn ra máu, giảm cân bất thường có thể là triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày. Song đây cũng có thể là triệu chứng của bệnh loét dạ dày.
1.5. Ung thư đại tràng
Bệnh lý ung thư này thường gây ra các triệu chứng như: có máu trong phân, thay đổi thói quen đại tiện (tiêu chảy dai dẳng, táo bón), đi ngoài phân dẹt, sụt cân nhanh không rõ lý do,… Ngoài ung thư đại tràng, một số bệnh lý đường ruột như viêm ruột (IBD), polyp cũng có thể là nguyên nhân của các triệu chứng kể trên.
1.6. Bệnh bạch cầu
Đây là một bệnh ung thư máu, bao gồm cả tủy xương và hệ bạch huyết. Một số triệu chứng cảnh báo bệnh có thể kể đến như: mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau xương hoặc khớp, sụt cân, chảy máu cam, dễ bầm tím trên da, nhiễm trùng lặp đi lặp lại,…
1.7. Ung thư thận và bàng quang
Người bệnh đi tiểu ra máu, tiểu tiện quá nhiều hoặc bị đau rát. Triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm bàng quang kẽ.
1.8. Những dấu hiệu của bệnh ung thư miệng và họng
Sự xuất hiện của các vết loét mạn tính, các mảng màu trắng trong miệng, lưỡi, cổ họng bị xước có thể liên quan đến ung thư miệng và họng. Tuy nhiên, hệ miễn dịch yếu, stress, chấn thương miệng hoặc IBD cũng có thể là nguyên nhân gây vết loét hoặc các đốm trắng vùng miệng.
1.9. Ung thư thanh quản
Người bệnh có thể bị ho, khàn tiếng kéo dài, khó nuốt, khó thở, mệt mỏi, sụt cân,… Đây cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý vùng họng như polyp hoặc hypothyroidism.
1.10. Ung thư cổ tử cung, tử cung và nội mạc tử cung
Các bệnh lý ung thư này có thể gây ra tình trạng dịch tiết bất thường, chảy máu ngoài thời điểm kinh nguyệt, kinh nguyệt nhiều và chu kỳ không đều,… Cần lưu ý rằng bệnh u xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung cũng có thể gây ra các triệu chứng này.
1.11. Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng thường không có các triệu chứng ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã phát triển ở giai đoạn sau. Lúc này, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, đầy bụng, đau bụng, sụt cân nhanh bất thường,…
1.12. Lymphoma
Nhóm các dạng ung thư máu phát triển từ bạch huyết bào được gọi là Lymphoma. Bệnh có các biểu hiện như: hạch bạch huyết bị sưng (thường không đau), sốt, đổ mồ hôi (thường vào ban đêm), ngứa da, liên tục cảm thấy mệt mỏi, giảm cân,…
1.13. Ung thư tuyến tụy
Bệnh lý ung thư này thường chỉ biểu hiện thành các triệu chứng cụ thể khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn sau. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: vàng da, đau bụng vùng dạ dày, giảm cân, phân nhiều mỡ,,…
1.14. Những dấu hiệu thường gặp của bệnh ung thư da
Các dấu vết trên da như nốt ruồi bị thay đổi màu sắc, hình dạng hoặc kích thước; các vết loét, khối u dưới da bị loét không lành lại hoặc giống như mụn cóc có thể là dấu hiệu của ung thư da.
2. Cần làm gì để phòng chống bệnh ung thư?
Thói quen ăn uống – sinh hoạt không khoa học và các bệnh lý không được điều trị kịp thời là những yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư. Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh mà bạn có thể áp dụng:
– Chế độ ăn uống cân bằng: Tăng cường rau củ quả; hạn chế thịt đỏ, chất béo động vật; đảm bảo nguồn thực phẩm lành mạnh, vệ sinh;….
– Thường xuyên vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe và tuổi tác.
– Không hút thuốc lá – tác nhân gây hại cho sức khỏe và tăng nguy cơ ung thư. Đặc biệt, không nên kết hợp hút thuốc với uống rượu. Thói quen này làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư miệng và ung thư thực quản.
– Hạn chế sử dụng rượu cũng như các loại đồ uống có cồn nói chung.
– Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa ngay khi có các triệu chứng bất thường. Điều này giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý nếu có, điều trị kịp thời và hiệu quả, chặn đứng nguy cơ ung thư.
– Chủ động khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ ngay cả khi không có dấu hiệu bất thường. Đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao (như có tiền sử gia đình và bản thân mắc bệnh, tuổi cao,…) càng cần chú ý việc thăm khám định kỳ. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng giúp sàng lọc phát hiện sớm ung thư, tăng khả năng điều trị thành công.
Trên đây là những dấu hiệu của bệnh ung thư thường gặp. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.