Mất ngủ không chỉ khiến đầu óc căng thẳng, khả năng tập trung và ghi nhớ giảm sút, cơ thể mệt mỏi mà còn kéo theo rất nhiều bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ (tai biến mạch máu não), bệnh tim mạch, suy nhược cơ thể, rối loạn tâm thần,… Biết được nguyên nhân tại sao mất ngủ để biết cách xử lý, giúp bạn tìm lại giấc ngủ ngon.
Menu xem nhanh:
1. Mất ngủ có 2 loại: ngắn hạn và dài hạn
Trước khi tìm hiểu nguyên nhân tại sao mất ngủ, chúng ta nên biết một số thông tin về chứng mất ngủ.
Mất ngủ gồm 2 loại là ngắn hạn (cấp tính) và dài hạn (mạn tính).
– Ngắn hạn tức là tình trạng mất ngủ kéo dài trong khoảng thời gian dưới 1 tháng và không ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh.
– Dài hạn là khi tình trạng mất ngủ kéo dài từ 1 tháng trở lên và ảnh hưởng rõ rệt đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh.
Mất ngủ không chỉ khiến đầu óc căng thẳng, khả năng tập trung và ghi nhớ giảm sút, cơ thể mệt mỏi mà còn kéo theo rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như đột quỵ (tai biến mạch máu não), bệnh tim mạch, suy nhược cơ thể, rối loạn tâm thần,…
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, người bị thiếu ngủ (mất ngủ) có liên quan đến nhiều loại bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, trầm cảm,…
Chẳng hạn như với bệnh tiểu đường: thiếu ngủ làm giảm khả năng của cơ thể khi sử dụng insulin, dễ gây bệnh tiểu đường. Đồng thời, thiếu ngủ cũng làm giảm tiết hormone tăng trưởng dễ gây bệnh béo phì.
Những khó khăn khi không thể ngủ được, thường xuyên thức dậy vào ban đêm hay thức giấc quá sớm và cảm thấy mệt mỏi khi thức,… cũng là những biểu hiện của chứng mất ngủ.
2. “Vạch mặt” nguyên nhân tại sao mất ngủ?
2.1 Tại sao mất ngủ ngắn hạn (cấp tính)?
Mất ngủ ngắn hạn hay còn có tên gọi khác là mất ngủ nhất thời. Đây là tình trạng thiếu ngủ trong một khoảng thời gian ngắn có thể do bệnh tật (thường là các bệnh cấp tính như viêm amidan, viêm họng cấp, viêm tai giữa, cúm, cảm lạnh, dị ứng, cơn suyễn, cơn huyết áp cao,…) hoặc do căng thẳng của cuộc sống (bị mất việc làm, thay đổi môi trường sống, người thân qua đời, ly hôn, thi trượt,…) hoặc do môi trường sống ồn ào, ánh sáng không phù hợp.
Nguyên nhân gây mất ngủ ngắn hạn chủ yếu do căng thẳng, lo lắng, áp lực gây ra. Ngoài ra có thể do thói quen và cách ăn uống hàng ngày mà chúng ta không ngờ tới như:
Đồ uống có hàm lượng cafein cao
Điển hình là cafe, đây là loại đồ uống có chứa hàm lượng cafein cao nhất giúp bạn tỉnh táo khi làm việc nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ. Đặc biệt, với những người hay bị mất ngủ không nên uống cafe vào buổi chiều, tối. Bạn nên sử dụng các loại thức uống khác có lợi cho sức khỏe có chứa hàm lượng cafein thấp như chè hoa cúc mật ong, nhân trần, atiso,…
Đồ uống có chứa cồn
Bia, rượu, chỉ khiến cho cơ thể cảm thấy mơ màng, đây không phải là một giấc ngủ đúng nghĩa. Việc uống rượu bia sẽ làm bạn có cảm giác buồn ngủ nhưng khi ngủ lại trằn trọc, ngủ gà ngủ gật, dễ giật mình tỉnh giấc và khó ngủ tiếp, cơ thể mệt mỏi sau khi ngủ dậy,…
Suy nhược cơ thể và lo lắng
Sự lo lắng căng thẳng sẽ khiến não bộ khó thư giãn để đi vào giấc ngủ. Khi cơ thể uể oải và cảm thấy mệt mỏi hơn trước, gầy sút và đuối sức hơn, dễ gây mất ngủ mạn tính.
Tuổi tác
Khi tuổi tác càng cao thì thời lượng ngủ cũng sẽ ít hơn do sự lão hóa tự nhiên, tuổi già đi kèm với nhiều bệnh tật, …
Chứng đầy bụng khó tiêu
Hay đầy bụng khó tiêu hóa sẽ khiến bạn cảm thấy “í ách” và điều này có thể làm gián đoạn hoặc cản trở giấc ngủ của bạn.
2.2 Tại sao mất ngủ dài hạn (mạn tính)?
Nhiều người bị mất ngủ lâu năm (hay còn gọi là mất ngủ kinh niên) và luôn muốn tìm hiểu lý do tại sao mất ngủ.
Trên thực tế thì mất ngủ kéo dài thường đến từ các nguyên nhân như trầm cảm, lo âu, căng thẳng kinh niên, bệnh mạn tính lâu năm như bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, bệnh về hô hấp, bệnh thận,… Trong đó, mất ngủ mạn tính thường do yếu tố bệnh lý là chủ yếu.
Vì vậy, khi thăm khám mất ngủ dài hạn bác sĩ cần phải tìm hiểu xem bệnh nhân có những vấn đề về sức khỏe hay bệnh mạn tính hay không, để có cách xử trí hiệu quả.
3. Đi tìm nguyên nhân tại sao mất ngủ?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thần kinh học cho biết, cách nhanh và hiệu quả để xác định tại sao mất ngủ là đi thăm khám với chuyên gia trong lĩnh vực thần kinh. Bởi khi thăm khám bác sĩ sẽ vận dụng các kiến thức của mình cùng những triệu chứng khai thác được trong quá trình khám lâm sàng cho người bệnh, kết hợp với kết quả chẩn đoán cận lâm sàng như đo lưu huyết não, điện não đồ, chụp cộng hưởng từ MRI, …. sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác.
Bên cạnh việc đi khám để biết nguyên nhân tại sao mất ngủ, bạn cần duy trì lối sống xanh để ngăn ngừa nguy cơ mất ngủ như sau:
– Cố gắng ngủ đủ giấc, đúng giờ, thức dậy vào đúng giờ cố định mỗi sáng.
– Tránh ngủ trưa quá nhiều.
– Hạn chế tối đa các chất cafein, nicotin và rượu trước khi ngủ.
– Tập thể dục thường xuyên nhưng tránh tập quá sức vào buổi tối.
– Không nên ăn quá no vào buổi tối.
– Phòng ngủ cần sạch sẽ, yên tĩnh, nhiệt độ và ánh sáng phù hợp.
– Tránh sử dụng điện thoại gần giờ đi ngủ.
– Bạn nên đọc sách, nghe nhạc và tắm nước ấm vào buổi tối trước khi đi ngủ.
– Hãy thư giãn và thoải mái nhất, tránh suy nghĩ lo lắng điều gì đó quá mức trước khi đi ngủ.
4. Thực phẩm giúp hỗ trợ cho người bị mất ngủ
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tập luyện thường xuyên với lối sống lành mạnh thì đừng quên lựa chọn cho mình những thực phẩm giúp ngủ ngon như: sữa ấm, yến mạch, mật ong, việt quất, hạt óc chó, chuối, …
Khi đau đầu, mất ngủ bạn tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc an thần, thuốc ngủ để sử dụng khi chưa qua thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, để tránh các biến chứng có thể xảy ra do việc sử dụng thuốc tùy tiện gây ra.