Đau ruột thừa ở trẻ em: Những điều bố mẹ cần biết

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Đau ruột thừa ở trẻ em (viêm ruột thừa) có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do trẻ nhỏ chưa nhận thức được bệnh nên bố mẹ cần lưu ý nhận biết các triệu chứng để có thể xử lý kịp thời tránh biến chứng.

1. Tìm hiểu về bệnh đau ruột thừa ở trẻ em

Đau ruột thừa (viêm ruột thừa) là tình trạng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi trong đó có trẻ nhỏ. Đây là 1 bộ phận nằm trong ống tiêu hóa của cơ thể người và có kích thước tương đương với ngón tay cái. Ruột thừa có cấu tạo 1 đầu bịt kín, đầu còn lại được thông với phần đầu tiên của ruột già (manh tràng) và thường nằm ở bên phải của ổ bụng.

Đau ruột thừa ở trẻ nhỏ là tình trạng ruột thừa bị tắc nghẽn do các nguyên nhân như có dị vật, sỏi phân, thì ruột thừa sẽ bị nhiễm trùng, viêm và sưng lên gây nên tình trạng đau ruột thừa. Ở trẻ em viêm ruột thừa thường gặp ở lứa tuổi từ 4 – 15 tuổi. Đây là 1 trong những tình trạng khẩn cấp cần được cấp cứu kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe thậm chí là tính mạng. Tuy nhiên do trẻ nhỏ chưa có ý thức rõ về bệnh, khó nhận biết nên bố mẹ cần hết sức lưu ý để có thể kịp thời phát hiện bệnh.

Đau ruột thừa ở trẻ em là tình trạng nguy hiểm cần lưu ý

Đau ruột thừa ở trẻ em là tình trạng nguy hiểm cần lưu ý

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ nhỏ bị đau ruột thừa

Mặc dù thường xảy ra ở lứa tuổi 5 – 15 nhưng nhiều trường hợp viêm ruột thừa vẫn có thể gặp ở các bé nhỏ dưới 5 tuổi. Ở độ tuổi này trẻ thường chưa nhận thức được tình trạng của các cơn đau, dấu hiệu vì vậy bố mẹ cần phải theo dõi và kịp thời nhận biết.

Dưới đây là 1 số dấu hiệu viêm ruột thừa điển hình ở trẻ nhỏ:

Nếu viêm ruột thừa xảy ra ở lứa tuổi nhỏ hơn 5 thì các bé khó có thể mô tả các triệu chứng. Tuy nhiên khi trẻ bị đau ruột thừa sẽ có 1 số biểu hiện như đau bụng, nôn, sốt, chán ăn, quấy khóc, tiêu chảy… cha mẹ có thể dựa vào đây để nhận biết và đưa trẻ đi khám kịp thời.

Nếu đau ruột thừa xảy ra ở những lớn hơn thì trẻ có thể mô tả các triệu chứng, đặc điểm cơn đau để bố mẹ nhận biết. Các triệu chứng điển hình đau ruột thừa mà bố mẹ có thể căn cứ để đưa trẻ đi bệnh viện khám đó là:

2.1. Đau bụng cảnh báo đau ruột thừa ở trẻ em

Với những người bị đau ruột thừa thì đau bụng là triệu chứng điển hình đầu tiên cần lưu ý và trẻ em cũng không ngoại lệ. Khi ruột thừa bị sưng viêm, trẻ sẽ nhận thấy cơn đau bụng. Cơn đau lúc đầu thường âm ỉ, có thể bắt đầu từ vùng quanh rốn sau đó về khu trú tại hố chậu phải và có dấu hiệu tăng dần cường độ. Tuy nhiên, một số trẻ chưa thể miêu tả chính xác vị trí cơn đau vì vậy bố mẹ hãy quan sát những hành động như tay ôm bụng, sờ tay vào bụng… để nhận biết.  Bên cạnh đó khi đau ruột thừa, trẻ cũng có thể gặp phải tình trạng sưng đỏ vùng hố chậu phải, thành bụng co cứng…

Đau bụng âm ỉ và tăng dần là 1 trong những dấu hiệu nhận biết đau ruột thừa ở trẻ em

Đau bụng âm ỉ và tăng dần là 1 trong những dấu hiệu nhận biết đau ruột thừa ở trẻ em

2.2. Sốt

Cùng với đau bụng, một trong những dấu hiệu quan trọng nhận biết trẻ đang gặp phải tình trạng đau ruột thừa  đó là sốt. Thông thường trẻ chỉ bị sốt nhẹ tuy nhiên cũng có 1 số trường hợp trẻ bị sốt cao đến 39 – 40 độ C. Đây là dấu hiệu cảnh báo trong cơ thể đang xảy ra tình trạng viêm nhiễm. Vì vậy nếu thấy trẻ sốt kết hợp với đau bụng thì cha mẹ cần chú ý vì nhiều khả năng bé bị đau ruột thừa.

2.3. Chán ăn – 1 trong những dấu hiệu đau ruột thừa ở trẻ em

Do đây là 1 vấn đề ở đường tiêu hóa nên đau ruột thừa sẽ tác động đến cảm giác ngon miệng khiến trẻ chán ăn, ăn không ngon miệng. Đây cũng là dấu hiệu quan trọng cảnh báo viêm ruột thừa ở trẻ nhỏ nên bố mẹ cần theo dõi cùng với các biểu hiện khác để nhận biết. Hãy đưa trẻ đi khám ngay nếu thấy biểu hiện chán ăn, biếng ăn kết hợp với các biểu hiện khác như  đau bụng, sốt, nôn mửa…

2.4. Trẻ bị tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn

Khi bị đau ruột thừa trẻ sẽ cảm thấy buồn nôn và nôn. Bên cạnh đó trẻ cũng có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón do tình trạng rối loạn tiêu hóa. Vì vậy cha mẹ cần chú ý để nhận biết sớm.

2.5. Các dấu hiệu khác

Ngoài các dấu hiệu điển hình như trên thì trẻ em bị đau ruột thừa cũng có 1 số biểu hiện khác như mệt mỏi, da xanh xao hoặc rối loạn đi tiểu…

3. Đau ruột thừa ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Đau ruột thừa có diễn biến rất nhanh vì vậy nếu không được điều trị, cấp cứu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Biến chứng thường gặp nhất đó là  ruột thừa bị vỡ gây tình trạng viêm phúc mạc, hoại tử hoặc nhiễm trùng máu… Khi bị biến chứng, trẻ sẽ có những dấu hiệu như sốt cao, tụt huyết áp, rét run, chướng bụng… Đây là tình trạng rất nguy hiểm  vì trẻ có thể bị sốc nhiễm trùng và dẫn đến tử vong.

Đau ruột thừa ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Đau ruột thừa ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

4. Cách xử lý khi trẻ bị đau ruột thừa

Đau ruột thừa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu hoặc nghi ngờ bé bị đau ruột thừa cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Để chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ nhỏ, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám ổ bụng, xét nghiệm máu kết hợp với các giải pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm ổ bụng, chụp X quang bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính… Thông thường sau khi phát hiện viêm ruột thừa, để xử lý, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa để loại bỏ tình trạng viêm, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Trên đây là những thông tin về tình trạng đau ruột thừa ở trẻ em và những điều lưu ý cho bố mẹ. Hi vọng những thông này sẽ giúp bố mẹ có thêm kiến thức về bệnh như dấu hiệu, triệu chứng và nhận biết được mức độ nguy hiểm của biến chứng viêm ruột thừa để kịp thời nhận biết và xử lý.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital