Polyp đại tràng khá phổ biến tại Việt Nam, ở cả nam giới và nữ giới. Dưới đây là dấu hiệu polyp đại tràng mà nhiều người thường bỏ qua. Hiểu được các dấu hiệu này sẽ giúp chúng ta cảnh giác và sớm phát hiện bệnh.
Menu xem nhanh:
Nguyên nhân polyp đại tràng
Polyp đại tràng là một khối nhỏ các tế bào hình thành trên lớp lót của đại tràng. Hầu hết các polyp đại tràng là vô hại. Nhưng theo thời gian, một số polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư ruột già, thường gây tử vong khi phát hiện ở giai đoạn sau.
Nguyên nhân của polyp đại tràng tuy chưa được xác định rõ, tuy nhiên, một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Đột biến gen làm phát triển tế bào không bình thường tạo thành polyp
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý: ăn nhiều chất béo, thịt có màu đỏ (thịt bò, trâu, thịt chó…) hoặc ăn ít rau, quả, chất xơ, hoặc lười, ít vận động có thể là những yếu tố nguy cơ gây nên polyp đại tràng.
- Những người nghiện thuốc lá, béo phì hoặc do bị viêm đại trực tràng mạn tính… có thể được xem như một trong những yếu tố nguy cơ gây polyp đại tràng.
- Di truyền: trong gia đình có ông bà, bố mẹ, anh, chị em ruột thịt bị polyp đại tràng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các thành viên còn lại.
Dấu hiệu polyp đại tràng
Người mắc polyp đại tràng thường không có dấu hiệu rõ ràng, nhất là những polyp nhỏ. Một số trường hợp có các triệu chứng như:
- Đi ngoài ra máu: đây là triệu chứng hay gặp nhất. Có thể thấy máu tươi thành vệt hay loang ra trên khuôn phân hoặc thấy máu ở giấy vệ sinh khi đi ngoài hoặc có trường hợp phân lẫn nhày với máu màu nâu, đen hoặc nhờ nhờ như máu cá (giống phân của người bị lỵ trực khuẩn).
- Phân mềm hoặc nát nhưng có máu kèm theo; hầu hết người bệnh bị chảy máu ở mức độ nhẹ và vừa, trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng xảy ra ít hơn.
- Đau quặn bụng: do polyp có kích thước lớn, kích thích làm tăng nhu động ruột và gây đau, những trường hợp này rất dễ nhầm với bệnh kiết lỵ. Một số trường hợp đau bụng kèm theo buồn nôn, nôn, bí trung tiện hoặc bí đại tiện rất dễ nhầm với tắc ruột hoặc bán tắc.
Polyp tăng sản và polyp u tuyến là hai loại polyp phổ biến nhất. Các polyp tăng sản không có nguy cơ bị ung thư. Các polyp u tuyến được cho là tiền thân cho hầu hết bệnh ung thư đại tràng, mặc dù cơ bản các u tuyến không phải bao giờ cũng trở thành ung thư, nhưng các khối polyp có kích thước lớn có nhiều khả năng trở thành ung thư và một số những polyp với kích thước rất lớn (hơn 2cm) có thể có những vùng nhỏ bị ung thư hóa.