Đại tràng sigma là phần cuối của đại tràng, nằm gần nhất với trực tràng và hậu môn, có nhiệm vụ lưu trữ chất thải và khí cho đến khi được đào thải ra khỏi cơ thể. Theo độ tuổi, chức năng của bộ phận này bị giảm dần và kéo theo nhiều bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về vai trò, chức năng của đại tràng sigma
Đại tràng hay còn được gọi là ruột già, có hình chữ U với độ dài khoảng 1,2m. Đại tràng được chia thành 4 đoạn: đoạn đại tràng ngang, đoạn đại tràng lên, đoạn đại tràng xuống và đoạn đại tràng sigma. Đại tràng sigma hình vòng, có độ dài khoảng 40cm, nằm gần với trực tràng và hậu môn, có chức năng là nơi lưu trữ khí thải và chất cặn bã. Các đường cong của phần đại tràng này có tác dụng giúp đại tràng đẩy khí ra ngoài mà không đẩy phân cùng một lúc.
2. Những bệnh lý thường gặp tại đại tràng sigma
2.1. Polyp đại tràng sigma – Bệnh lý nguy hiểm
Polyp đại tràng sigma là tình trạng tăng sinh gây ra một tổn thương nhỏ trên bề mặt niêm mạc đại tràng, polyp có hình dạng như 1 khối u có cuống hoặc không cuống. Đa số polyp khi khởi phát đều lành tính nhưng để lâu có thể chuyển thành ung thư đại tràng.
Polyp đoạn đại tràng sigma được chia làm hai dạng cụ thể:
– Polyp tăng sản, có đặc điểm kích thước nhỏ, thường xuất hiện ở đoạn cuối cùng của đại tràng, nguy cơ biến chứng thành ung thư thấp.
– Polyp tuyến, có đặc điểm xuất hiện diện rộng, kích thước lớn, nguy cơ hóa ung thư đại tràng rất cao.
Các nguyên nhân dẫn đến polyp ở đoạn đại tràng sigma có thể là:
– Chế độ ăn không hợp lý khi bổ sung quá nhiều thực phẩm và đồ uống nhiều đường, chất béo, sử dụng đồ uống có cồn và nước ngọt có gas nhiều…
– Căng thẳng về tâm lý và thần kinh trong thời gian dài.
– Người thường xuyên ít vận động, hay ngồi 1 chỗ trong thời gian dài.
Polyp đại tràng thường có biểu hiện: rối loạn tiêu hóa bao gồm cả tiêu chảy và táo bón, đại tiện phân có máu tươi hoặc ngả màu đen, người bệnh thường cảm thấy buồn nôn và nôn.
2.2. Viêm đại tràng sigma – Bệnh lý rất phổ biến
Đây là tình trạng thường gặp của viêm đại tràng, xảy ra phổ biến ở người cao tuổi. Bệnh có nhiều triệu chứng phối hợp và quá trình chữa trị khá phức tạp, bệnh khó trị dứt điểm, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Các nguyên nhân dẫn tới viêm đại tràng sigma có thể kể đến:
– Do hậu quả của các bệnh đường ruột như nhiễm vi khuẩn lỵ, thương hàn, nhiễm ký sinh trùng…
– Do di chứng của ngộ độc thức ăn hoặc dị ứng thức ăn.
– Do hàm lượng thành phần ure trong máu quá cao.
– Bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật cũng dễ bị bệnh hơn.
– Những người có chế độ ăn uống bất hợp lý, không tốt cho đường tiêu hóa.
Biểu hiện của bệnh viêm đại tràng đoạn sigma: Người bệnh cảm thấy buồn nôn và nôn, đau bụng dưới với cường độ dữ dội, bị táo bón và tiêu chảy, đại tiện phân có nhiều chất nhầy và lẫn máu, cơ thể thiếu máu, suy nhược và sốt.
2.3. Bệnh xoắn đại tràng sigma
Là tình trạng đại tràng bị xoắn 180 độ – 540 độ, người bệnh có biểu hiện đau bụng dữ dội, nôn, chướng bụng… Bệnh không được phát hiện sẽ gây ra hoại tử đại tràng rất nguy hiểm.
Bệnh lý này ít phổ biến, thường xảy ra ở bệnh nhân trung niên trên 50 tuổi.
2.4. Bệnh lý u đại tràng sigma
Đây là bệnh lý nguy hiểm nhất ở đại tràng đoạn sigma. Có hai loại là u đại tràng lành tính và u đại tràng ác tính.
– U lành tính ở đại tràng đoạn sigma, có đặc điểm khó tiến triển thành ung thư. Nhưng không được điều trị, để lâu có thể phát triển thành u ác tính. Có thể loại bỏ khối u lành tính bằng nội soi cắt bỏ khối u.
– U ác tính ở đại tràng đoạn sigma, thực chất là ung thư, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, thuốc đích, miễn dịch và điều trị giảm nhẹ.
3. Chẩn đoán các bệnh lý đại tràng đoạn sigma bằng cách nào?
Để biết chính xác tình trạng bệnh ở mỗi bệnh nhân thì ngoài việc thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm và thăm dò chức năng như sau:
– Thực hiện xét nghiệm máu để tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng.
– Thực hiện xét nghiệm mẫu phân để tìm vi sinh vật, vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại
– Thực hiện chẩn đoán hình ảnh bằng phương pháp chụp X-quang hoặc CT.
– Thực hiện nội soi đại tràng, có giá trị chẩn đoán các bệnh lý đại trực tràng hữu hiệu nhất khi bác sĩ quan sát được toàn bộ lớp niêm mạc lòng đại tràng, sinh thiết tổn thương và tiến hành cắt bỏ polyp, cầm máu tổn thương.
4. Phòng ngừa hiệu quả các bệnh lý đại tràng sigma
Nếu bạn muốn bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa nói chung, có thể áp dụng những cách phòng ngừa bệnh hiệu quả sau đây:
4.1. Có chế độ ăn uống lợi cho tiêu hóa
Một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh giúp bạn bảo vệ hệ tiêu hóa và ngăn ngừa các bệnh lý đại tràng đoạn sigma. Bạn nên áp dụng các lời khuyên sau để có thể xây dựng chế độ ăn uống khoa học :
– Bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như hoa quả, rau xanh, cá, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt…
– Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, thay vì ăn 3 bữa chính có thể ăn thành 5, 6 bữa/ngày.
– Chế biến món ăn mềm, dễ tiêu để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa.
– Không được ăn khuya, không được nhịn ăn hay bỏ bữa.
– Không vừa ăn vừa uống nước, nên uống 1 cốc nước 150ml trước ăn 30 phút, uống đủ nước mỗi ngày để hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
4.2. Thực hành lối sống vui vẻ, thoải mái tránh xa căng thẳng
Theo các nghiên cứu, bệnh lý đường tiêu hóa về dạ dày, đại tràng có liên quan đến tình trạng căng thẳng. Do đó việc kiểm soát stress là một cách hữu hiệu phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh lý viêm đại tràng.
Ngoài ra bạn nên tăng cường vận động phù hợp với thể trạng, tránh ngồi 1 chỗ quá lâu. Không được tự ý sử dụng thuốc giảm đau khi chưa thăm khám với bác sĩ vì các loại thuốc nhóm này cũng là một nguyên nhân dẫn đến các vấn đề viêm loét đường tiêu hóa.
Hy vọng bài viết trên cung cấp đến độc giả những thông tin cần thiết về bệnh lý đại tràng sigma. Người dân từ 40 tuổi trở lên cần thực hiện tầm soát thăm khám ngay cả khi chưa có dấu hiệu bất thường tại hệ tiêu hóa. Ngoài ra, không nên chủ quan với bất cứ triệu chứng đau bụng, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy… cần đi khám chuyên khoa ngay để phát hiện kịp thời, điều trị đúng và hiệu quả.