Bệnh trái rạ (hay còn gọi là thủy đậu) là căn bệnh truyền nhiễm trẻ em dưới 10 tuổi rất dễ mắc. Các triệu chứng sốt, đau họng, nổi mụn ngứa khiến trẻ rất khó chịu, mệt mỏi, chán ăn. Để giúp trẻ mau hồi phục, bên cạnh việc điều trị triệu chứng theo chỉ định, bố mẹ nên tìm hiểu vấn đề “trẻ bị bệnh trái rạ nên ăn gì, kiêng gì” và xây dựng chế độ ăn khoa học giúp trẻ nhanh khỏe hơn.
Menu xem nhanh:
1. Chuyên gia giải đáp trẻ bị bệnh trái rạ ăn gì để cải thiện triệu chứng?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ tăng đề kháng, chống lại virus gây bệnh trái rạ. Trẻ bị bệnh trái rạ nên ăn gì – một số loại thực phẩm còn có tác dụng ngừa viêm, giảm ngứa, hỗ trợ làm lành da, rất tốt cho trẻ trong giai đoạn phục hồi bệnh. Bố mẹ có thể tham khảo danh sách các nhóm chất, thực phẩm giúp có tác dụng giảm triệu chứng bệnh sau đây.
1.1. Nhóm chất tăng đề kháng
Trẻ bị bệnh trái rạ nên ăn gì để loại trừ virus? Trái rạ là bệnh do virus gây nên, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc tăng cường hệ miễn dịch sẽ giúp cơ thể chống lại virus hiệu quả hơn. Vitamin C, kẽm, Vitamin A chính là nhóm chất có tác dụng giúp trẻ tăng đề kháng. Để bổ sung những chất này, bố mẹ nên cho trẻ ăn các loại quả như cam, quýt, ớt chuông, bưởi, đu đủ chín, dâu tây, đậu hà lan, hạt điều, thịt bò nạc…
Với cam, quýt, bưởi, bố mẹ nên cho con ăn cả tép để tận dụng lớp màng trắng (giàu Vitamin C, chất xơ). Tuy nhiên, không nên cho trẻ ăn liền một lúc quá nhiều trái cây chua vì nó có thể làm kích ứng dạ dày.
1.2. Nhóm chất hỗ trợ làm giảm triệu chứng bệnh trái rạ
Bệnh trái rạ khiến trẻ bị sốt cao, đau họng, ngứa, tổn thương da… Một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm triệu chứng này.
– Sốt: Cho trẻ uống nhiều nước (nước lọc, nước điện giải, nước ép…), hoa quả tươi và canh rau. Những thức ăn này giúp bù nước và hỗ trợ hạ sốt cho trẻ.
– Ngứa, tổn thương da: Các thực phẩm giàu vitamin C sẽ giúp trẻ giảm cảm giác ngứa.
– Đau họng: Nên chế biến những thực phẩm tốt cho người bệnh thành các dạng lỏng, súp, cháo mềm để trẻ dễ nuốt.
1.3. Nhóm chất hỗ trợ phục hồi da
Ở giai đoạn phục hồi, bố mẹ nên bổ sung những loại thực phẩm chứa chất có tác dụng chống viêm, hỗ trợ làm lành da, tái tạo da nhanh chóng. Vitamin C, A, E chính là nhóm chất nên sử dụng lúc này. Nó có trong hầu hết các loại trái cây và rau xanh như cam, xoài, cải bó xôi, ớt chuông, cà rốt, hạnh nhân, dầu ô liu…
Bên cạnh đó, cần bổ sung thực phẩm giàu protein như trứng, sữa, thịt gia cầm, các loại đậu để giúp xây dựng và phục hồi các tế bào trong cơ thể. Hàm lượng protein trẻ cần khi hồi phục sức khỏe sau nhiễm thủy đậu cao hơn bình thường. Bố mẹ nên kết hợp cho trẻ dùng thuốc hỗ trợ điều trị, sát trùng da để ngừa biến chứng.
2. Bệnh trái rạ kiêng gì?
Bên cạnh việc trả lời câu hỏi “trẻ bị trái rạ nên ăn gì”, bố mẹ cũng cần quan tâm đến những thực phẩm trẻ cần kiêng. Virus gây bệnh trái rạ tấn công khiến cơ thể trẻ bị tổn thương, biểu hiện dễ thấy là nốt phỏng ngoài da. Nó khiến trẻ bị đau, ngứa, kích thích trẻ gãi, làm trầy da. Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, việc kiêng một số thực phẩm sau sẽ góp phần giảm nguy cơ viêm, nhiễm trùng, bội nhiễm.
– Nhóm gia vị có tính nóng, vị cay như ớt, tiêu, tỏi, sa tế, muối ớt, măng ớt.
– Đồ ăn cay như mì cay, kim chi, bim bim cay, hoa quả dầm cay.
– Thức ăn muối chua như cà muối, dưa muối, hành muối, dấm tỏi.
– Nhóm các món ăn chế biến nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, hamburger, pizza và các loại mỡ.
– Kem, bơ.
– Nhóm thực phẩm khó tiêu hóa như thịt đỏ, các loại hạt cứng chỉ nên sử dụng vừa đủ, cần chế biến mềm.
– Hạn chế ăn các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt có ga, nước hương trái cây đóng hộp chứa đường hóa học. Đường hóa học có thể làm giảm khả năng miễn dịch và khiến quá trình phục hồi da chậm lại.
– Đối với trẻ có cơ địa dễ dị ứng, nên thận trọng khi cho ăn các thực phẩm dễ kích ứng da như hải sản, sữa và chế phẩm từ sữa.
3. Lưu ý khi cho trẻ bị trái rạ dùng bữa
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bên cạnh việc chọn thực phẩm tốt cho con, bố mẹ cần chú ý cách cho trẻ ăn như thế nào hiệu quả. Khi bị thủy đậu, trẻ mệt mỏi, đau nhức, khó nuốt, dễ nôn trớ, vì vậy nên:
– Chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn thành nhiều lần để giúp trẻ cung cấp đủ dinh dưỡng trong ngày.
– Làm mềm thức ăn dưới dạng cháo, súp, sinh tố để trẻ dễ nuốt hơn, hạn chế đau rát tại vị trí niêm mạc miệng bị tổn thương.
– Cần giữ vệ sinh an toàn thực phẩm để hạn chế nguy cơ phát bệnh đường ruột. Đối với thực phẩm cần chế biến, nên nấu thật kỹ và tiệt trùng bát đũa trước khi cho trẻ sử dụng. Đối với các loại quả tươi, bố mẹ nên rửa thật sạch với nước muối hoặc nước kiềm, baking soda để loại bỏ hóa chất (nếu có).
– Nếu trẻ ăn quá ít, bạn nên bổ sung thêm vitamin, khoáng chất dạng siro hoặc viên uống để hỗ trợ quá trình phục hồi.
Ngoài ra, bố mẹ nên tạo không khí vui vẻ, thoải mái để khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn. Tránh ép buộc, quát mắng làm trẻ sợ hãi, nôn trớ.
Trên đây là tổng hợp thông tin từ chuyên gia, trả lời câu hỏi “trẻ bị bệnh trái rạ nên ăn gì”. Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ trẻ giảm triệu chứng và hồi phục sức khỏe sau khi mắc bệnh. Bên cạnh việc bổ sung các nhóm chất như Vitamin C, A, E, Kẽm, Protein để cải thiện hệ miễn dịch, giảm sốt, ngứa, đau… bố mẹ cần chú ý kiêng thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ, tránh cho trẻ ăn đồ cay nóng. Đồng thời cần áp dụng nhiều phương pháp hỗ trợ để trẻ vừa ăn đủ chất, vừa thấy ngon miệng. Hãy kết hợp điều trị bệnh bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để trẻ mau khỏe.