Chụp X quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, tia X là những chùm phóng xạ ngắn không thể nhìn thấy bằng mắt thường, bởi vậy, nhiều mẹ bầu luôn băn khoăn rằng chụp X quang khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không.
Menu xem nhanh:
1. Chụp X – quang là gì?
Chụp X-quang là một phương pháp được dùng để chẩn đoán rất phổ biến hiện nay, với lợi thế là chi phí hợp lý, kết quả nhanh chóng, chính xác và bác sĩ có thể thực hiện được dễ dàng. Chụp X-quang sẽ giúp ghi lại những hình ảnh của các bộ phận phía trong cơ thể mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Tia X là một loại tia bức xạ, dễ dàng đi xuyên qua các tế bào mô mềm, chất lỏng, nhưng sẽ bị cản lại bới các mô đặc như là xương. Những mô đặc mà tia X bị cản lại như xương, sụn, khớp sẽ cho ra nền trắng và những mô mềm có thể đi xuyên qua như tim, phổi, mạch máu sẽ cho ra nền đen trên phim. Mức độ màu sắc đen, trắng ghi nhận được sẽ cần phải phụ thuộc vào tia X đi xuyên qua mô ở bộ phận đó nhiều hay ít.
Chụp X – quang mang lại nhiều lợi ích như là:
– Đối với xương khớp: Kiểm tra và theo dõi tình trạng loãng xương, phát hiện kịp thời các nguy cơ thể dấu hiệu ung thư xương,…
– Đối với phổi: giúp theo dõi tình trạng viêm phổi cũng như phát hiện kịp thời các khối u phổi.
– Đối với tim: có thể kiểm tra hình trạng và kích thước của tim, phát hiện sớm các trường hợp tim bị biến dạng và hỗ trợ điều trị các triệu chứng hở van tim.
– Đối với mạch máu: phát hiện các chất và hợp chất gây hại đến mạch máu, van tim như là canxi, các hợp chất của canxi, hỗ trợ điều trị trường hợp tắc mạch máu.
2. Chụp X quang khi mang thai ảnh hưởng đến em bé như thế nào?
Nguy cơ gây hại từ tia X đối với thai nhi sẽ phụ thuộc vào tuổi thai và mức độ phơi nhiễm phóng xạ. Thai nhi tiếp xúc với tia X càng sớm thì khả năng để lại những hậu quả sẽ càng cao, đặc biệt khi mẹ tiến hành chụp X – quang cho các bộ phận thân dưới và vùng bụng.
– Nếu mẹ tiếp xúc với bức xạ liều cực cao trong hai tuần đầu sau khi thụ thai thì có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai.
– Nếu mẹ tiếp xúc với bức xạ liều cao từ tuần thứ 2 – 8 sau khi thụ thai có thể làm hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi hoặc gây ra dị tật bẩm sinh.
– Phơi nhiễm bức xạ từ giữa tuần thứ 8 – 16 có thể làm tăng nguy cơ bị thiểu năng trí tuệ.
Thai nhi vô cùng nhạy cảm với những yếu tố như phóng xạ, một số loại thuốc, rượu hay nhiễm trùng. Khi các tế bào của thai nhi đang phân chia nhanh chóng, phát triển thành các tế bào hoàn chỉnh và mô chuyên biệt thì nếu các bức xạ hoặc các tác nhân khác gây ra thay đổi trong các tế bào này sẽ làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh hay bệnh bạch cầu.
Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay vẫn đang còn tồn tại nhiều bất đồng về mặt khoa học của việc liệu một lượng nhỏ phóng xạ được sử dụng để chụp X quang khi mang thai có thực sự gây hại cho em bé hay không. Vì vậy, trước khi quyết định chụp X quang, bạn cần phải nói rõ với bác sĩ việc bạn đang hoặc có thể mang thai để bác sĩ trì hoãn việc sử dụng tia X hoặc giảm lượng phóng xạ xuống mức an toàn.
3. Sự ảnh hưởng đến thai nhi theo liều lượng và vị trí chụp X quang
Mức độ ảnh hưởng của thai nhi lên từng vị trí và liều lượng tia X(rad) sẽ như sau:
– Vị trí đầu: Khả năng thai nhi hấp thụ khoảng 0,004 rad/lần chụp, để đạt liều gây ra sự ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ phải tiến hành chụp X quang đến 1.250 lần.
– Vị trí răng: Khả năng thai nhi hấp thụ khoảng 0,0001 rad/lần chụp, để đạt liều gây ra sự ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần tiến hành chụp X quang 50.000 lần.
– Vị trí cột sống cổ: Khả năng thai nhi hấp thụ khoảng 0,002 rad/lần chụp, để đạt liều gây ra sự ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần tiến hành chụp X quang khi mang thai khoảng 2.500 lần.
– Vị trí tay, chân: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,001 rad/lần chụp, để đạt liều gây ra sự ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần chụp X quang 5.000 lần.
– Vị trí ngực: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,00007 rad/lần chụp, để đạt liều gây ra sự ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần chụp X quang 71.429 lần chụp.
– Vị trí vú: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,02 rad/lần chụp, để đạt liều gây ra sự ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần chụp X quang là 250 lần.
– Vị trí bụng: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,245 rad/lần chụp, để đạt liều gây ra sự ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần tiến chụp X quang là 20 lần.
– Vị trí cột sống, thắt lưng: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,359 rad/lần chụp, để đạt liều gây ra sự ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần tiến hành chụp X quang 13 lần.
– Vị trí khung chậu: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,04 rad/lần chụp, để đạt liều gây ra sự ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần tiến hành chụp X quang 125 lần.
4. Làm thế nào để hạn chế rủi ro chụp X quang khi mang thai
Có hai trường hợp sẽ xảy ra có thể để lại tác động xấu đối với thai nhi đó là: Mẹ tiến hành chụp nhưng không biết mình đã mang thai và mẹ chụp X quang khi thai nhi còn quá bé. Vì vậy, để hạn chế được tối đa rủi ro mẹ cần phải làm như sau:
– Thông báo ngay với bác sĩ là mẹ đang có thai, bao nhiêu tuần tuổi hay mẹ đang nghi ngờ là mình có thai. Điều này vô cùng quan trọng bởi vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định điều trị của bác sĩ như là kê đơn thuốc, lượng phóng xạ chụp X quang.
– Trong trường hợp bạn chưa có em bé và được bác sĩ chỉ định chụp X quang thì hãy yêu cầu mặc áo chì bảo hộ để bảo vệ cơ quan sinh sản của bản thân. Việc này có thể giúp bạn ngăn chặn được những ảnh hưởng đến gen có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến em bé sau này.
– Sau tuần thứ 20 của thai kỳ được xem là giai đoạn an toàn để chụp X quang khi mang thai. Bởi vì lúc này thai nhi đã phát triển khá hoàn chỉnh và dường như không còn nguy cơ sảy thai nếu bị tác động bởi tia X.
– Nếu như bạn vẫn còn lo lắng việc cần phải chụp X quang trong thời điểm mang thai thì hãy trao đổi thẳng thắn với bác sĩ để hiểu rõ hơn lý do vì sao bạn cần thực hiện như vậy và nếu như thực hiện thì có khả năng tồn tại những ảnh hưởng xấu đến em bé hay không. Từ đó, sẽ giúp mẹ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.
Mặc dù việc chụp X quang khi mang thai vẫn có khả năng ảnh hưởng đến thai nhi nhưng thực chất thì những ảnh hưởng đó không quá lớn đối với kết quả mà phương pháp chụp này mang lại. Vì vậy, mẹ bầu hãy thực hiện theo những chỉ định mà bác sĩ đưa ra cũng như khám thai định kỳ đều đặn để kiểm soát được những bất thường nếu có.