Chú ý thời gian lây bệnh thủy đậu để phòng tránh hiệu quả

Tham vấn bác sĩ

Xác định thời gian lây bệnh thủy đậu sẽ giúp chúng ta có những đề phòng cần thiết với bệnh lý này. Đặc biệt, với những gia đình có con nhỏ mà con bị thủy đậu, cha mẹ không thể hoàn toàn cách ly trẻ mà vẫn cần tiếp xúc gần, chăm sóc trẻ. Do đó, những bậc cha mẹ nên chú ý thời điểm lây lan của bệnh thủy đậu trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh thủy đậu ở trẻ và các giai đoạn của bệnh thủy đậu

1.1. Bệnh thủy đậu là gì và tầm nguy hiểm của bệnh

Bệnh thủy đậu hay còn được gọi là trái rạ, là bệnh lý có tính lây nhiễm khá dễ gặp ở trẻ em, đặc biệt là với trẻ nhỏ và trong thời tiết đông xuân. Bệnh do virus Varicella Zoster gây ra với khả năng lây lan nhanh chóng và biểu hiện đặc trưng với các nốt mụn phồng rộp khắc cơ thể, thậm chí là trong niêm mạc miệng, lưỡi, đầu,…

thời gian lây bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu không quá khó nhận biết

Bệnh thủy đậu có thể để lại biến chứng nhiễm trùng thứ phát, gây hiện tượng viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm võng mạc, viêm cầu thận,… Virus thủy đậu cũng có thể tồn tại và dễ dàng kích hoạt thành zona thần kinh khi hệ miễn dịch trẻ suy yếu. Một số ít trẻ có thể gặp biến chứng nặng, đó là chứng viêm màng não, viêm não nghiêm trọng.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị dứt điểm cho bệnh thủy đậu. Vì thế, khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu của bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ đến nhờ bác sĩ khám và cho phác đồ điều trị phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của bệnh.

1.2. Tìm hiểu các giai đoạn phát triển của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu được chia khá rõ với 4 giai đoạn: Giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát và giai đoạn phục hồi. Tùy theo mức độ và tình trạng bệnh mà có thể nhận rõ giai đoạn phát triển của bệnh thủy đậu ở trẻ.

1.2.1. Giai đoạn virus Varicella Zoster ủ bệnh

Ở giai đoạn ủ bệnh của bệnh thủy đậu, cha mẹ không phát hiện được bởi lúc này trẻ không có bất cứ biểu hiện bất thường hay đặc biệt nào. Giai đoạn ủ bệnh này thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Trong khoảng thời gian này, virus Varicella Zoster có thể đã xâm nhập vào phổi nhưng vẫn chưa gây những triệu chứng kiểu hình, đồng thời, đã có khả năng lây nhiễm với những người xung quanh tiếp xúc qua đường hô hấp hoặc nước bọt với trẻ.

1.2.2. Giai đoạn virus Varicella Zoster phát bệnh thủy đậu ở trẻ em

Giai đoạn khởi phát của bệnh thủy đậu ở trẻ bắt đầu bằng những triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng như sốt, mệt mỏi, buồn ngủ, chán ăn,… Trong thời gian này cũng bắt đầu xuất hiện những nốt ban đỏ và chỉ sau khoảng 1 ngày, các vết mụn có thể đã lan truyền đến mọi vị trí trên da trẻ, đồng thời, dần hình thành nhân trắng mờ ở giữa mụn theo thời gian.

1.2.3. Giai đoạn toàn phát của bệnh

Triệu chứng bệnh thủy đậu của trẻ ở giai đoạn toàn phát khá rõ ràng với tình trạng nặng của vấn đề viêm nhiễm. Trẻ thường sốt cao, mệt mỏi, đau người, đau cơ, nôn ói/tiêu chảy,… Ở giai đoạn này, các vết mụn khá lớn, nhân trắng giữa vết ban cũng lớn và rõ hơn như các mụn nước kèm theo cảm giác ngứa rát mọc khắp cơ thể. Các vết mụn có thể bị vỡ do trẻ gãi ngứa, hoặc cũng có thể bị vỡ do va quệt với quần áo. Việc các vết mụn bị vỡ khi không vệ sinh sạch sẽ có thể gây nhiễm trùng, lở loét, viêm da. Vì thế, cha mẹ cố gắng để trẻ không tự gãi mụn hay làm vỡ các vết mụn.

thời gian lây bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu có diễn tiến nhanh và dấu hiệu đăc trưng

1.2.4. Giai đoạn trẻ phục hồi sau bệnh thủy đậu

Nếu không có biến chứng, trẻ sẽ ở giai đoạn phục hồi của bệnh sau khoảng chục ngày bệnh. Khi này, các mụn thủy đậu sẽ khô lại, đóng vảy và dần bong ra. Tình trạng sốt ở trẻ không còn, và những vấn đề như đau nhức, mệt mỏi,… ở trẻ cũng giảm đi rất nhiều.

2. Bệnh thủy đậu gây lây nhiễm là vào thời gian nào?

Dù ở giai đoạn ủ bệnh, bệnh thủy đậu chưa biểu hiện triệu chứng gì nhưng lúc này, virus Varicella Zoster đã tồn tại và có thể lây lan sang người khác từ 1 đến 2 ngày trước khi giai đoạn khởi phát bắt đầu. Từ thời điểm này cho đến khi các nốt ban đỏ khô lại, đóng vảy đều là thời gian trẻ có thể lây lan virus thủy đậu cho những người khác.

Tuy nhiên, thời điểm dễ gây lây nhiễm thủy đậu nhất ở trẻ cũng như mọi đối tượng, đó là khi bệnh ở giai đoạn toàn phát. Khi này, virus Varicella Zoster phát triển mạnh mẽ, xâm nhập vào hệ bạch huyết của cơ thể.

Bệnh thủy đậu có thể lây truyền qua hai cách: qua việc tiếp xúc trực tiếp và lây nhiễm qua đường hô hấp do hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc với chất dịch ở các nốt mụn thủy đậu, hoặc qua tiếp xúc gián tiếp khi các đồ chơi, vật dụng có dính dịch nước bọt hoặc dịch từ vết thủy đậu của bé.

3. Phòng tránh bệnh thủy đậu trong gia đình có trẻ bị thủy đậu

Nắm rõ thời gian lây nhiễm bệnh thủy đậu là điều giúp cha mẹ và những người trong gia đình đối phó với bệnh lý này. Trong thời gian trẻ bị bệnh, cần cách ly trẻ với mọi người. Nếu trẻ còn quá nhỏ và trong thời gian còn đang bú sức mẹ, cần cách ly mẹ và bé đúng cách để phòng lây nhiễm.

Bên cạnh đó, gia đình cần tăng cường đề kháng để đối phó với bệnh, phòng tránh lây nhiễm. Ngoài ra, cha mẹ cũng không thể không ghi nhớ việc chăm sóc bệnh thủy đậu tại nhà đúng cách.

thời gian lây bệnh thủy đậu

Đưa trẻ đi khám và chữa thủy đậu đúng cách

4. Cha mẹ cần chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà như thế nào?

Để giúp con cái khỏe mạnh và nhanh chóng bình phục khi không may bị thủy đậu, cha mẹ cần nhớ những điều sau:

– Thực hiện điều trị cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.

– Cha mẹ chú ý cách ly trẻ để tránh lây lan bệnh.

– Cho trẻ bổ sung nhiều nước và hoa quả để tăng đề kháng, nhưng tránh việc bổ sung trực tiếp vitamin C.

– Tránh việc trẻ ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ hay các thực phẩm quá ngậy.

– Vệ sinh, sát khuẩn cho bé cẩn thận, đúng cách, tránh việc tác động làm vỡ các mụn nước ở trẻ.

– Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc chống ngứa, chống sẹo cho trẻ.

Hầu hết thời gian nhận biết, phát hiện bệnh thủy đậu cũng là thời gian lây bệnh thủy đậu ở trẻ. Do đó, ngay khi nhận thấy con có triệu chứng bệnh, cha mẹ cần cách ly con sớm, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương pháp chăm sóc và điều trị cho con đúng cách.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital