Sau tán sỏi niệu quản, cơ thể của người bệnh thường có một số dấu hiệu hậu phẫu do đó cần có chế độ chăm sóc hợp lý để nhanh phục hồi, trở lại sinh hoạt và làm việc như bình thường. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê những điều người bệnh cần lưu ý.
Menu xem nhanh:
1. Điều trị tán sỏi niệu quản
Tùy vào kích thước, vị trí và độ cứng của sỏi mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp trúng đích nhất cho người bệnh sỏi niệu quản. Có 3 phương pháp điều trị sỏi niệu quản phổ biến và hiệu quả nhất bao gồm:
Tán sỏi niệu quản ngoài cơ thể: chỉ định cho sỏi niệu quản ở vị trí 1/3 trên, có kích thước <1.5cm.
Tán sỏi niệu quản ngoài cơ thể là dùng sóng xung kích tác động đến viên sỏi mà không cân thiệp mổ mở.. Sóng tác động qua bề mặt cơ thể, hội tụ tại viên sỏi và tán vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Sỏi sẽ trôi ra ngoài theo đường nước tiểu sau 1-2 tuần. Phương pháp này hoàn toàn không gây đau đớn, không mổ, sau 30-45 phút điều trị người bệnh có thể ngồi dậy ngay. Tình trạng ổn định, người bệnh sẽ về nhà trong ngày và sinh hoạt như bình thường. Đây được coi là phương pháp điều trị không xâm lấn hiệu quả nhất.
Tán sỏi niệu quản nội soi qua da: chỉ định sỏi niệu quản 1/3 trên và >1.5cm.
Tán sỏi niệu quản nội soi qua da(tán sỏi niệu quản qua da đường hầm nhỏ) là kỹ thuật thông qua một đường hầm nhỏ 5mm từ ngoài da đi vào trong thận hoặc vị trí có sỏi. Sau đó bác sĩ dùng khí nén hoặc năng lượng laser phá vỡ sỏi và hút mảnh sỏi vụn ra ngoài. Phương pháp này người bệnh hồi phục chỉ sau 3 ngày lưu viện, hạn chế tối đa xâm lấn và ảnh hưởng đến chức năng các bộ phận trong cơ thể.
Tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser: chỉ định cho các trường hợp sỏi niệu quản ở các vị trí 1/3 giữa, 1/3 dưới, có kích thước từ 0.6cm.
Kỹ thuật này bác sĩ dùng ống nội soi đi từ vùng niệu đạo, qua bàng quang và lên niệu quản để tiếp cận viên sỏi. Sau đó, sử dụng năng lượng laser phá vỡ viên sỏi và hút cac mảnh vỡ ra ngoài. Đây được coi là giải pháp hoàn hảo thay thế mổ mở truyền thống. Tán sỏi nội soi ngược dòng can thiệp hoàn toàn theo đường tự nhiên nên không đau, không để lại sẹo, sau 24h người bệnh có thể xuất viện về nhà. Đồng thời, đây cũng là phương pháp được đánh giá có tỉ lệ sạch sỏi cao.
2. Sau khi điều trị tán sỏi, bệnh nhân cần làm gì?
Dù đã điều trị hết sỏi, tuy nhiên người bệnh không được chủ quan mà phải lưu tâm đến sức khỏe. Một số triệu chứng người bệnh có thể gặp sau khi tán sỏi niệu quản như sau:
– Bị đau: người bệnh có thể bị đau lưng, gần phía thận, cơn đau thường âm ỉ và thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi.
– Một vài trường hợp, do niệu quản bị tổn thương nhẹ dẫn đến đi tiểu ra máu nhạt. Trường hợp này sẽ tự hết sau một vài tuần.
– Tiểu buốt nhẹ do ống thông đặt trong niệu quản.
– Đối với bệnh nhân tán sỏi qua da, có thể có hiện tượng bầm tím nhẹ ở khu vực vết mổ.
Tán sỏi vừa hết là giai đoạn người bệnh cần lưu tâm sức khỏe bởi chế độ chăm sóc cơ thể tốt giúp người bệnh không bị biến chứng và hồi phục nhanh hơn, đồng thời:
– Đưa vụn sỏi thoát ra ngoài.
– Ngăn chặn sỏi tái phát.
– Làm giảm triệu chứng sau tán sỏi.
– Phòng ngừa viêm nhiễm niệu quản.
2.1 Sau tán sỏi niệu quản, bệnh nhân nên ăn gì và kiêng ăn gì?
– Sau tán sỏi người bệnh nên hấp thụ các đồ ăn dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như sữa, cháo…
– Sau khoảng 2-3 ngày, khi tình trạng ổn định, người bệnh có thể hấp thụ thêm các thực phẩm để tăng cường sức đề kháng như thịt, cá, rau xanh…
– Bổ sung thực phẩm chứa canxi: Nhiều người quan niệm sau khi tán sỏi k nên hấp thụ canxi để tránh tái phát, thực tế người bệnh vẫn nên bổ sung canxi để cân bằng dưỡng chất cho cơ thể.
– Uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày, hoặc có thể thay thế bằng nước ép trái cây, nước ép cần tây…
– Bổ sung thực phẩm có khả năng kháng khuẩn như: hành, hẹ, gừng, mật ong…
Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số nhóm thực phẩm nên kiêng:
– Ăn quá nhiều muối, người sau tán sỏi chỉ nên sử dụng tối đa 2,3g muối/ ngày
– Hạn chế sử dụng đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng…
– Tránh đồ ăn khó tiêu, cứng
– Kiêng các loại đồ uống có cồn, cà phê, trà…
2.2 Sau tán sỏi niệu quản, bệnh nhân nên sinh hoạt thế nào?
Để hiệu quả phục hồi tốt và nhanh hơn, người bệnh cần kết hợp với chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, người bệnh cần chú ý những điều sau:
– Nằm nghỉ ngơi 1-2 ngày theo chỉ định của bác sĩ.
– Sau khoảng từ 5-7 ngày người bệnh có thể tập thể dục nhẹ nhàng, người bệnh lúc này cũng có thể sinh hoạt bình thường.
– Tránh bê hoặc lôi kéo vật nặng 4 tuần sau điều trị.
– Không nhảy, vận động quá mạnh, quan hệ tình dục khi mới vừa điều trị tán sỏi niệu quản.
2. Đối với người nhà bệnh nhân sau khi điều trị
Người nhà đóng một vai trò rất lớn trong quá trình hồi phục của bệnh nhân và sự hỗ trợ tích cực của người nhà giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường. Do đó, sau khi điều trị sỏi, người nhà nên lưu ý một số điều sau:
– Hỗ trợ bệnh nhân sinh hoạt thuận tiện nhất
– Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, lành mạnh
– Theo dõi tình trạng của bệnh nhân, nếu thấy có tình trạng bất thường thì cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị
– Sắp xếp cho bệnh nhân nơi nghỉ ngơi yên tĩnh, thoải mái để bệnh nhân nhanh hồi phục
3. Một số lưu ý quan trọng sau khi tán sỏi
Đặc biệt, sau khi tán sỏi niệu quản, người bệnh cần lưu ý những điều quan trọng sau:
– Tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về thuốc, chế độ sinh hoạt, ăn uống để tránh sỏi tái phát
– Khi thấy dấu hiệu bất thường ngoài những triệu chứng đã được bác sĩ cảnh báo như: đau quặn bụng, sốt cao không dứt, đi tiểu ra máu đặc… thì cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để xử lý kịp thời.
– Thăm khám định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng sỏi, tuyệt đối không chủ quan khi thấy sỏi đã hết
– Không sử dụng các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc sau điều trị
Sau khi tán sỏi niệu quản, người bệnh cần lưu ý chăm sóc cơ thể để phục hồi tốt, tránh sỏi tái phát.