Suy dinh dưỡng là vấn đề phát sinh khi trẻ thiếu dinh dưỡng, do không được cung cấp đủ hoặc cơ thể gặp vấn đề về hấp thụ. Tình trạng này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quá trình sống của trẻ. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ một số thông tin về suy dinh dưỡng; trong đó, quan trọng nhất là thông tin về chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng, đừng bỏ lỡ bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Khái quát về suy dinh dưỡng ở trẻ
1.1. Dấu hiệu nhận biết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ
Dấu hiệu nhận biết điển hình nhất của tình trạng suy dinh dưỡng là cân nặng trẻ không tăng theo dự kiến. Dự kiến tăng cân nặng tiêu chuẩn của trẻ là: Trẻ sơ sinh tầm 3kg; trẻ 6 tháng tuổi tăng gấp đôi trọng lượng cơ thể khi vừa chào đời; trẻ 12 tháng tuổi tăng gấp ba trọng lượng cơ thể khi vừa chào đời; sau 1 tuổi, mỗi năm tăng 2kg, trẻ 6 tuổi cần nặng 20kg.
Ngoài cân nặng, chiều cao trẻ không tăng theo dự kiến cũng là một dấu hiệu nhận biết của tình trạng suy dinh dưỡng. Dự kiến tăng chiều cao tiêu chuẩn của trẻ là: Trẻ sơ sinh 50cm; trẻ 6 tháng tuổi 65cm; trẻ 12 tháng tuổi 75cm; trẻ 2 tuổi 85cm; trẻ 3 tuổi 95cm; trẻ 4 tuổi 100cm; sau đó, mỗi năm tăng 5cm, trẻ 8 tuổi cần cao 120cm.
Bên cạnh đó, trẻ suy dinh dưỡng còn chậm lẫy, chậm bò, chậm ngồi, chậm đứng, chậm đi và thường kém linh hoạt trên nhiều khía cạnh.
1.2. Nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng
Như đã chia sẻ phía trên, suy dinh dưỡng là vấn đề phát sinh khi trẻ thiếu dinh dưỡng. Trẻ có thể thiếu dinh dưỡng do một hoặc nhiều nguyên nhân sau:
– Trẻ sơ sinh không bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hoặc bú nhưng không bú đủ.
– Trẻ ăn dặm không tiêu thụ đa dạng các loại thực phẩm.
– Trẻ thường xuyên có các bệnh lý nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, tiêu chảy cấp…, sử dụng thuốc kháng sinh thời gian dài, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả tiêu hóa, dẫn đến hấp thu kém, biếng ăn, thiếu dinh dưỡng.
1.3. Hậu quả trẻ suy dinh dưỡng phải đối diện
Suy dinh dưỡng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quá trình sống của trẻ. Không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể để lại những hậu quả sau:
– Suy giảm miễn dịch: Suy dinh dưỡng do thiếu các vi chất dinh dưỡng (kẽm, sắt…) làm hệ miễn dịch suy giảm, khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng.
– Chậm phát triển thể lực và trí lực: Suy dinh dưỡng thời gian dài khiến khả năng vận động, khả năng tập trung, ghi nhớ… của trẻ giảm, từ đó khiến trẻ yếu ớt, học tập và công tác kém hiệu quả.
2. Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng và hướng dẫn chăm sóc
2.1. Nguyên tắc chung trong xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng
Nguyên tắc chung trong xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng là tăng năng lượng và tăng chất dinh dưỡng. Theo đó, bố mẹ cần:
– Nấu đặc: Bột, cháo của trẻ bố mẹ cần nấu đặc, đơn giản vì bột, cháo loãng cung cấp ít năng lượng hơn bột, cháo đặc. Tuy nhiên, bột, cháo đặc khó ăn hơn bột, cháo loãng. Để khắc phục vấn đề này, bố mẹ có thể nhỏ amylase hoặc neopeptin theo chỉ định của bác sĩ vào bột, cháo đặc để chúng loãng ra, giúp trẻ dễ ăn hơn.
– Tăng chất dinh dưỡng: Bố mẹ cần cho trẻ ăn đa dạng chất dinh dưỡng và ăn cả cái, thay vì chỉ ăn nước. Để trẻ ăn cả cái, khi chế biến, bố mẹ xay nhỏ, nấu mềm và nêm gia vị theo khẩu vị của trẻ. Trước khi ăn, bố mẹ không cho trẻ uống nước trái cây; bởi nước trái cây có đường nên làm trẻ ngang dạ, không muốn ăn. Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên coi nước trái cây như bữa phụ, bởi nước trái cây ít năng lượng, chỉ có vitamin tan trong nước.
– Tăng chất béo: Chất béo cung cấp nhiều năng lượng gấp đôi đạm và tinh bột. Bởi thế, bố mẹ cần tăng chất béo trong chế độ ăn của trẻ suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, để phát huy tác dụng, chất béo phải được tăng đúng cách. Cách đúng để tăng chất béo là bố mẹ thêm một thìa canh dầu hoặc mỡ vào mỗi bát bột, cháo hoặc cơm của trẻ.
– Tăng bữa ăn: Thay vì 3, bố mẹ cần cho trẻ ăn 5 – 6 bữa. Sau mỗi bữa chính, trẻ nên ăn một bữa phụ, với một nửa ly sữa, một nửa cốc sữa chua, một nửa quả chuối… Bữa phụ chỉ cho trẻ ăn vừa sức, không nên ép trẻ ăn khi trẻ đã chán. Vì ép ăn, trẻ có thể sẽ nôn và cảm thấy sợ thức ăn, dẫn đến biếng ăn trong tương lai. Đặc biệt, trong các bữa phụ, nên có một bữa trẻ ăn ngay trước khi ngủ tối.
– Bổ sung vitamin và khoáng chất qua viên uống: Trẻ có thể cần bổ sung viên uống vitamin và khoáng chất. Trẻ nên sử dụng viên uống vitamin và khoáng chất nào, liều lượng ra sao, bố mẹ nên trao đổi với bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.
2.2. Hướng dẫn khác trong chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng
– Vệ sinh ăn uống: Đảm bảo thực phẩm và dụng cụ chế biến sạch. Thực phẩm trẻ ăn phải chín và nước trẻ uống phải sôi. Thực phẩm sau chế biến cần cho trẻ ăn uống ngay.
– Vệ sinh cá nhân: Tắm cho trẻ mỗi ngày vào mùa hè. Tập cho trẻ các thói quen sau: Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đại, tiểu tiện; không mút tay/đồ chơi/các vật dụng sinh hoạt khác; không sờ/chạm tay bẩn lên mắt/mũi/miệng…
– Vệ sinh môi trường sống: Thường xuyên vệ sinh bể/bồn đựng nước uống, nước sinh hoạt và các khu vực khác trong nhà. Đồ đạc sinh hoạt của trẻ và gia đình cũng cần được vệ sinh thường xuyên.
– Chăm sóc tâm lý: Tăng cường giao tiếp và thể hiện tình cảm với trẻ.
– Chăm sóc khi trẻ có vấn đề về sức khỏe thể chất: Khi trẻ có vấn đề về sức khỏe thể chất, đặc biệt là khi trẻ viêm đường hô hấp hoặc tiêu chảy cấp, bố mẹ cần cho trẻ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và chăm sóc trẻ cẩn thận, tạo điều kiện cho trẻ nhanh hồi phục.
Phía trên là các nguyên tắc chung trong xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng. Hy vọng rằng với chúng, bố mẹ có thể cải thiện hiệu quả tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.