Ngày nay, mặc dù kinh tế đã phát triển hơn rất nhiều, vấn đề chăm sóc trẻ em cũng được xã hội chú ý song tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn xảy ra. Vậy nguyên nhân tại sao trẻ bị suy dinh dưỡng và cha mẹ cần làm gì, hãy tìm hiểu thông qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em
Suy dinh dưỡng thực chất là tình trạng trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến cơ thể phát triển không cân bằng và toàn diện. Suy dinh dưỡng ở trẻ có 3 thể là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng thể gầy còm:
– SDD thể nhẹ cân: Do tình trạng thiếu dinh dưỡng dẫn đến cân nặng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới, được xác định khi cân nặng thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới (dưới -2SD). Thể nhẹ cân phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài cũng như tình trạng thiếu dinh dưỡng tại thời điểm đánh giá.
– SDD thể thấp còi: Do tình trạng chậm tăng trưởng kéo dài dẫn đến trẻ không đạt được chiều cao cần có của một đứa trẻ cùng tuổi ở quần thể tham khảo, được xác định khi chiều cao thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới (dưới -2SD).
– SDD thể gầy còm: Khi chỉ tiêu cân nặng theo chiều cao của trẻ tụt xuống thấp đáng kể so với trị số nên có ở quần thể tham khảo, được xác định khi cân nặng theo chiều cao thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới (dưới -2SD).
Trẻ bụ bẫm không có nghĩa là trẻ không bị suy dinh dưỡng. Ngày nay, nhiều gia đình chăm sóc trẻ kỹ lưỡng nhưng không chú trọng vào thành phần dinh dưỡng và thói quen chơi trong nhà khiến nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì.
Trẻ suy dinh dưỡng thể béo phì thừa năng lượng, thừa cân nhưng thiếu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu (sắt, kẽm, canxi, vitamin D, vitamin A,…) do chế độ ăn không đảm bảo dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng ở những trẻ này thường dẫn đến các vấn đề sức khỏe liên quan như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đường máu cao, đái tháo đường,…
2. Phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ
Dù là suy dinh dưỡng ở thể nào thì đối với trẻ em cũng đều ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của trẻ và gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Chính vì thế việc cha mẹ chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ là biện pháp tốt nhất giúp phát hiện sớm những dấu hiệu của suy dinh dưỡng.
2.1. Theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ
Chiều cao và cân nặng là thước đo phản ảnh tương đối chính xác trẻ có phát triển bình thường hay không. Dựa vào bảng chiều cao cân nặng chuẩn đối với bé trai và bé gái theo từng độ tuổi, giới tính được đưa ra bởi WHO, cha mẹ có thể đánh giá một cách tương đối sức khỏe của con mình.
2.2. Các dấu hiệu bất thường trên cơ thể
Ngoài cân nặng, một số biểu hiện sau đây cũng cảnh báo nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ:
– Trẻ sụt cân hoặc ngừng tăng cân
– Trẻ biếng ăn, thường xuyên bỏ bữa.
– Chậm phát triển chiều cao hơn các bạn đồng lứa.
– Trẻ thường kém hoạt động do khi vận động mạnh thường nhanh mệt và dễ mất sức.
– Nước da xanh xao hoặc vàng.
– Mắt không được tinh anh.
– Da khô, xỉn màu. Tóc mỏng, dễ rụng, men răng kém,..
– Bị đau mỏi tay chân, chuột rút
– Do hệ miễn dịch suy giảm, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy.
3. Điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ
Điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ cần cả một quá trình kiên trì, đặc biệt với các trường hợp suy dinh dưỡng nặng thì thời gian điều trị khá kéo dài. Chính vì vậy khi nghi ngờ bất cứ dấu hiệu nào, cha mẹ nên đưa trẻ tới thăm khám kịp thời. Thông qua việc khám dinh dưỡng, thực hiện xét nghiệm, phân tích vi chất và thăm khám lâm sàng,… bác sĩ sẽ kết luận chính xác nguyên nhân suy dinh dưỡng.
– Trường hợp trẻ mắc bệnh lý: nhiễm giun sán, mắc bệnh tiêu hóa, chứng kém hấp thụ,… thì việc điều trị khắc phục bệnh lý là quan trọng trước khi tập trung vào chế độ ăn uống.
– Chế độ ăn của trẻ: cần cân bằng và bổ sung đúng, đủ lượng chất cơ thể trẻ đang thiếu hụt, đa dạng hóa thực phẩm có lợi cho sức khỏe để trẻ không thiếu hụt các vitamin và khoáng chất quan trọng cho sự phát triển chiều cao là vitamin nhóm B, vitamin A, canxi, sắt và kẽm.
– Đảm bảo đủ lượng và chất: Ăn đủ các thực phẩm giàu đạm động vật như trứng, thịt, cá, tôm, không cho ăn nước không. Thêm đủ lượng dầu mỡ từ 2,5-5ml/bữa khi trẻ mới tập ăn, sau tăng lượng dầu mỡ 8-10ml/bữa. Đây là thành phần quan trọng giúp đảm bảo năng lượng và khả năng hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin D, A, K. Bên cạnh đó, ăn vừa đủ lượng rau củ quả để đủ chất xơ tiêu hóa và cung cấp vitamin, khoáng chất.
– Chế độ vận động: khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng và tăng dần cường độ vận động ngoài trời. Vận động giúp cơ thể được tiêu thụ và chuyển hóa thức ăn một cách dễ dàng.
– Chế độ nghỉ ngơi: Cho trẻ ngủ sớm từ 9-10 giờ tối, ngủ đều đặn cùng một giờ mỗi ngày, ngủ đủ giấc. Trẻ ngủ kém sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển.
4. Phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ
Phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ em là biện pháp duy nhất để đẩy lùi hoàn toàn tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Để trẻ được phát triển toàn diện và đầy đủ nhất, các chuyên gia khuyến cáo:
– Trẻ em nên được thăm khám dinh dưỡng định kỳ để được định hướng về dinh dưỡng và vận động chuẩn nhất theo nhu cầu của cơ thể.
– Chế độ ăn nên cân đối và đa dạng các loại thực phẩm
– Cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất, tiếp xúc nhiều với ánh nắng buổi sáng để kích thích sản sinh vitamin D, hạn chế những hậu quả do ở nhà quá nhiều và thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử.
Suy dinh dưỡng cho trẻ hoàn toàn có thể đẩy lùi khi cha mẹ đồng hành cùng con cái, thực sự quan tâm và chăm sóc trẻ đúng cách. Hi vọng những thông tin trên đây phần nào sẽ giúp cha mẹ có cái nhìn chính xác và chủ động hơn về suy dinh dưỡng ở trẻ, đồng thời có định hướng chăm sóc tốt nhất cho con em của mình.