Dấu hiệu bị hóc xương có thể từ đơn giản đến phức tạp, dễ dàng nhận ra với bản thân người bị hóc. Thế nhưng, nhận biết hóc xương với người khác thì đôi khi lại không đơn giản, nhất là với trẻ nhỏ. Thêm nữa, nếu xương hóc trở thành dị vật để quên thì những vấn đề nguy cơ lâu dài rất khó đoán. Do đó, cần nắm rõ những triệu chứng này để nhận biết và điều trị sớm tình trạng hóc xương.
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết nguyên nhân tình huống hóc và dấu hiệu bị hóc xương
1.1. Hóc xương do nhiều nguyên nhân
Hóc xương là vấn đề khá phổ biến trong đời sống và có thể diễn ra với mọi đối tượng, nhưng trong đó, trẻ em và người già thường là những đối tượng thường xảy ra vấn đề này hơn cả. Đây là tình trạng xương trong quá trình ăn uống không được lọc bỏ hoàn toàn, bị nuốt xuống cùng nước hoặc các thức ăn khác nhưng do hình dạng, cấu tạo đặc biệt, bị giữ lại khu vực hầu họng.
Hóc xương thường do tâm lý chủ quan không chú ý trong ăn uống, hoặc do không nhai trước khi nuốt (với người già không còn răng và trẻ nhỏ chưa có đủ răng) hình thành. Hóc xương thường xảy ra trong các tình huống như:
– Ăn vội vàng, qua loa.
– Vừa ăn vừa nói chuyện cười đùa, xe, ti vi, điện thoại
– Uống rượu say.
– Vừa ăn vừa uống rượu, bia, nước,…
– Không nhai hoặc nhai không kỹ trước khi nuốt
– Hẹp thực quản.
– Bệnh tâm thần.
– Bệnh nhân mới trải qua gây mê.
Đây cũng là những vấn đề mà chúng ta cần tránh để ngăn ngừa việc hóc xương xảy đến với mình.
1.2. Nhận biết các dấu hiệu khi bị hóc xương
Nhận biết tình huống hóc không quá khó khăn. Các triệu chứng hóc thường đến ngay sau khi người bệnh bị hóc. Đó là tình trạng đang nuốt đột nhiên cảm thấy đau, vướng ở vùng cổ họng. Phản ứng thông thường lúc này là tình trạng ho hoặc nôn trớ (với trẻ em) nhằm đẩy dị vật xương ra khỏi khu vực cổ. Rất nhiều trẻ trong tình huống này có thể ho dữ dội, mặt mày đỏ ửng hoặc nôn trớ không ngừng nhưng không nôn ra bất cứ thứ gì. Kèm theo tình trạng này thường là việc nuốt vướng và dễ nghẹn.
Sau khi bị hóc, người bệnh thường có phản ứng như cho tay vào móc họng, đấm ngực, cố nuốt,… Với trẻ em, các hành động còn chưa rõ ràng, các bé thường quờ quạng đưa tay lên khu vực họng nên cha mẹ hãy chú ý vấn đề này. Với trẻ đã lớn cũng như người trưởng thành, hành động này có thể làm cho niêm mạc họng trầy xước phù nề. Nhiều khi, hành động này cũng có nguy cơ khiến xương bị hóc cắm sâu vào các mô/niêm mạc, khiến việc lấy dị vật xương sau này khó khăn hơn.
Trong trường hợp xương không được loại bỏ sẽ để lại vấn đề viêm nhiễm, khiến miệng có thể có mùi kèm theo tình trang đau họng, không ăn uống được,…
1.3. Phân biệt một số hiện tượng
– Hóc giả: Đây là trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng cơ bản như đau khi nuốt, nuốt vướng nhưng không sốt,… Trong trường hợp này, khi chụp phim sẽ không thấy hình ảnh dị vật hay dày phần mềm trước cột sống cổ.
– Dị vật đã trôi: Đôi khi xương hóc có thể tự trôi xuống theo đường dạ dày. Tại vị trí xương đã bị mắc hóc có thể trở thành ổ viêm, khiến cho bệnh nhân ăn uống vẫn cảm thấy đau.
– Khối u thực quản cũng gây cảm giác nuốt vướng, nghẹn cùng thể trạng gầy.
2. Xử trí đúng cách khi nhìn thấy các dấu hiệu khi bị hóc xương
2.1. Một số lưu ý
Khi bị hóc xương, người bệnh nên chú ý thực hiện những lưu ý sau:
– Không cố ăn hay nuốt thêm, đồng thời cần tống hết thức ăn đang trong miệng ra ngoài.
– Ngậm một ngụm nước và sau đó thử xem cảm giác nuốt vướng còn không. Nếu vẫn còn hiện tượng này, người bệnh nên chú ý nhờ 1 người khác kiểm tra và gắp xương hóc. Người hỗ trợ dùng đèn pin soi xem xương hóc ở đâu. Nếu có thể nhìn thấy xương bị hóc, người hỗ trợ nhẹ nhàng dùng kẹp y tế để gắp xương ra. Tuyệt đối không dùng tay để móc xương khỏi cổ họng của người bệnh để tránh nguy cơ đẩy xương vào sâu hơn.
2.2. Nhờ bác sĩ xử lý xương gây hóc
Trong trường hợp người hỗ trợ không nhìn thấy xương, hoặc có thấy xương hóc nhưng không tự tin hoặc không đủ dụng cụ để thực hiện việc gắp xương, thì người bị hóc nên sớm đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ đúng cách.
– Nên đến các cơ sở Tai Mũi Họng sớm đẻ thăm khám kỹ, phát hiện xương hóc ở khu vực nào. Cũng có thể việc đau họng không phải do hóc xương mà là do viêm họng, viêm amidan. Khi đó, bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp để điều trị bệnh cho bệnh nhân cũng như dặn dò quan sát.
– Nhiều trường hợp xương hóc ở vị trí đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định chụp phim X-quang để thấy xương.
– Nếu xương ở bị trí sâu không thể gắp được, hoặc với trẻ em thường quấy khóc không hợp tác, bác sĩ có thể gây mê để lấy xương ra. Tuy nhiên, đây là số ít và là phương pháp bác sĩ không khuyến khích dùng đến, vì gây mê đòi hỏi nhiều thủ tục kiểm tra khác và cũng có thể xảy ra một số tai biến (dù rất hiếm).
3. Đề phòng hóc xương
Các món ăn hằng ngày chúng ta sử dụng có liên quan nhiều đến xương. Trong khi đó, hóc xương có thể là nguyên nhân đầu dẫn đến các vấn đề bệnh nhiễm trùng do xương ở lại và gây viêm nhiễm niêm mạc họng. Bên cạnh đó, dị vật họng có nguy cơ trở thành dị vật đường thở, gây ra các vấn đề như áp xe phổi, viêm phế quản, viêm phổi, cùng các hiện tượng như khó thở, thậm chí là ngưng thở nguy hiểm cho tính mạng. Vì thế, cần luôn cẩn trọng để tránh vấn đề xương gây hóc.
Cần chú ý ăn chậm nhai kỹ để không bị hóc. Tránh các tình huống dễ hóc như: cười, nô đùa khi ăn uống, ăn khi say,… Gia đình có trẻ nhỏ cần chú ý lọc xương kỹ trước khi cho trẻ ăn. Đồng thời, nên giáo dục trẻ ý thức về tầm nguy hiểm của vấn đề hóc cũng dạy trẻ cách phòng tránh phù hợp.
Nhìn chung, khi nhận thấy các dấu hiệu bị hóc xương, cần sớm tìm cách giải quyết để tránh bị những vấn đề biến chứng mà hóc có thể đem lại, gắp xương đúng cách, tìm đến các bác sĩ để gắp xương và giải quyết viêm nhiễm phù hợp. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực phòng tránh hóc cho bản thân cũng như các thành viên trong nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ.