Thời điểm cuối thai kỳ là giai đoạn mà thai nhi có sự tăng trưởng lớn về kích thước, tần suất cử động của thai nhi cũng nhiều hơn. Vì vậy hầu hết các bà bầu ở những tuần cuối cùng đều gặp phải tình trạng trằn trọc, mất ngủ về đêm. Tình trạng mất ngủ cuối thai kỳ khiến cho mẹ bầu luôn luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng và dễ cáu gắt.
Vậy nguyên nhân vì sao mẹ bầu cuối thai kỳ lại hay mất ngủ? Làm thế nào để cải thiện được tình trạng thiếu ngủ ở mẹ bầu tháng cuối thai kỳ? Các mẹ hãy đọc hết bài viết sau để tìm ra phương pháp phù hợp cho bản thân nhé!
Menu xem nhanh:
1. Đi tìm nguyên nhân vì sao bà bầu thường mất ngủ cuối thai kỳ?
Bước sang giai đoạn từ tuần 36 trở đi, thai nhi trong bụng mẹ gần như đã hoàn thiện và phát triển lớn hơn rất nhiều, đi cùng với đó là hàng loạt sự thay đổi đến từ cơ thể người mẹ. Tất cả những yếu tố này đã làm ảnh hưởng đến giác ngủ của mẹ, lý do cụ thể như sau:
– Sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể mẹ: Ở những tuần cuối, cơ thể mẹ sẽ có nhiều sự thay đổi để phù hợp và tương thích với sự phát triển của thai nhi, tuy nhiêu điều này cũng vô tình làm cho đồng hồ sinh học của mẹ bầu bị xáo trộn theo. Kết quả dẫn đến là mẹ bị rối loạn giấc ngủ và khó vào giấc trong giai đoạn cuối của thai kỳ.
– Tư thế nằm của mẹ bầu chưa được thoải mái: Thai nhi vào những tháng cuối phát triển rất nhanh chóng về kích thước, bụng của mẹ cũng vì thế mà to và nặng hơn khiến cho việc xoay chuyển tư thế nằm gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, đa phần các mẹ rất ngại trở mình mà thường duy trì lâu một tư thế, khiến cho cột sống hoặc lưng bị mỏi, dẫn đến mất ngủ.
– Do thai nhi phát triển lớn tác động lên các vùng trong cơ thể mẹ: Ở những tuần cuối, hầu hết các mẹ đều gặp phải những triệu chứng như: đi tiểu thường xuyên, ợ chua, ợ nóng….Đây là những biểu hiện bình thường do thai nhi phát triển kích thước lớn và bắt đầu chèn ép lên bàng quang, dạ dày. Ngoài ra ở giai đoạn này, thai nhi bắt đầu thể hiện nhiều hơn những cú đạp, xoay,…Chính những điều này khiến cho mẹ không thể duy trì giấc ngủ sâu vào ban đêm.
– Do ảnh hưởng từ quá trình mang thai: Bên cạnh sự tác động từ thai nhi thì mẹ bầu cũng phải gánh chịu thêm các triệu chứng do ảnh hưởng từ quá trình mang thai như phù chân, chuột rút, đau thắt lưng,…những triệu chứng này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều ở giai đoạn cuối thai kỳ làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của mẹ.
– Tâm lý lo lắng khiến mẹ bầu mất ngủ: Càng gần đến ngày dự sinh, mẹ bầu càng thêm phần lo lắng và hồi hộp, căng thẳng, nhất là đối với những bà bầu lần đầu mang thai. Tâm lý lo lắng thường trực sẽ khiến mà phải suy nghĩ nhiều, khó để đi vào giấc ngủ và có được giấc ngủ trọn vẹn.
– Do mẹ bị đói hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng: Trong thời kỳ cuối của hành trình mang thai, khi mẹ không còn nghén nữa thì nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể sẽ tăng lên nhiều để phù hợp với sự phát triển và nuôi dưỡng thai nhi giai đoạn cuối. Nếu như mẹ không được đảm bảo dung nạp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ dẫn đến sự thiếu hụt về dinh dưỡng. Ngoài ra, nếu mẹ bầu đi ngủ với chiếc bụng đói cũng sẽ khiến hệ tiêu hóa phải chịu thêm áp lực, em bé không được cung cấp bữa ăn đầy đủ cũng sẽ đạp nhiều hơn, khiến cho tình trạng mất ngủ ngày càng trầm trọng hơn.
2. Mất ngủ cuối thai kỳ có ảnh hưởng gì đến thai nhi?
Theo ý kiến của các chuyên gia, giấc ngủ của thai nhi trong bụng hoàn toàn độc lập và không liên quan đến giấc ngủ của mẹ. Có nghĩa là khi mẹ bầu bị mất ngủ thì thai nhi vẫn có thể có giấc ngủ như bình thường mà không chịu sự tác động từ mẹ. Tuy nhiên, tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ khiến cho cơ thể và tinh thần của thai phụ giảm sút, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi.
2.1 Mất ngủ cuối thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não em bé
Khi mẹ bầu thức khuya và không được ngủ đủ giấc, hormone thùy trước tuyến yên trong cơ thể mẹ sẽ gia tăng, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Sau khi sinh, trẻ có thể sẽ có cân nặng nhẹ hơn so với các bé bình thường, chậm phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, sau 23h là thời điểm “vàng” để quá trình sản sinh máu cho thai nhi hoạt động tốt nhất, nếu mẹ không thể ngủ sau 23h sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình này, nguy cơ thai nhi sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu máu.
2.2 Mất ngủ cuối thai kỳ khiến bé sinh ra hay quấy khóc, quấy đêm
Thói quen sinh hoạt của mẹ bầu có liên quan lớn đến đồng hồ sinh học của trẻ sau khi sinh. Việc mẹ thức khuya từ trong thai kỳ có thể khiến em bé sinh ra cũng hình thành thói quen “ngủ ngày cày đêm”. Đặc biệt, việc khó ngủ về đêm khiến cho tâm trạng mẹ luôn mệt mỏi, dễ cáu gắt thì khi trẻ sinh ra cũng rất dễ sinh quấy khóc, khó dỗ,…
3. Mất ngủ giai đoạn cuối thai kỳ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ
Không chỉ tác động không tốt đến sự phát triển của thai nhi. Tình trạng mất ngủ kéo dài ở những tháng cuối còn gây ra cho mẹ những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như quá trình mang thai như:
– Mẹ bầu bị giảm sút cả về sức khỏe lẫn tinh thần: Khi giấc ngủ của bà bầu không được đảm bảo, cơ thể mẹ sẽ luôn trong tình trạng uể oải, thiếu tỉnh táo và không thể tập trung. Thậm chí nhiều mẹ bầu không thể tập trung vào ban ngày, nhiều trường hợp còn ngủ gật trong khi đang lái xe dẫn đến nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. Đi kèm đó là tâm lý thất thường, hay cáu gắt làm ảnh hưởng đến công việc cũng như sức khỏe tinh thần của mẹ.
– Mẹ phải đối diện với nguy cơ sinh mổ cao hơn: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, bà bầu bị mất ngủ và có thời gian ngủ không quá 6 tiếng/ ngày trong 3 tháng cuối của thai kỳ có nguy cơ cao sẽ phải sinh mổ bởi khi cơ thể thiếu ngủ dẫn đến mệt mỏi và yếu ớt thì mẹ sẽ không còn đủ sức để chuẩn bị cho các bước rặn đẻ hoặc lấy hơi.
Có thể thấy tình trạng mất ngủ ở mẹ bầu giai đoạn cuối thai kỳ không chỉ khiến sức khỏe mẹ bị sa sút mà lâu dài còn ảnh hưởng đến sực phát triển của thai nhi. Vì vậy, ngay khi thấy triệu chứng này, mẹ nên có biện pháp cải thiện chứng mất ngủ, tránh để cho chứng mất ngủ kéo dài.
4. Làm thế nào để cải thiện chứng mất ngủ ở mẹ bầu giai đoạn cuối thai kỳ?
Theo các chuyên gia, mẹ bầu tuyệt đối không được chủ quan với triệu chứng mất ngủ ở những tháng cuối. Tốt nhất, chị em nên thực hiện các phương pháp hỗ trợ, cải thiện triệu chứng mất ngủ càng sớm càng tốt. Các mẹ bầu có thể cải thiện giấc ngủ bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng hoặc thay đổi lối sống sinh hoạt như sau:
– Mẹ nên hạn chế ăn no vào buổi tối khiến cho bụng bị đầy, ấm ách. Mẹ nên kết thúc bữa ăn cuối cùng trước khi đi ngủ cách 2 – 3 tiếng để thức ăn kịp tiêu hóa. Ngoài ra, mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không nên ăn các đồ ăn cay nóng hoặc tẩm ướt nhiều gia vị để phòng tránh tình trạng trào ngược dạ dày, ợ chua, ợ nóng…để giấc ngủ không bị ảnh hưởng
– Vào buổi tối, mẹ không nên sử dụng các loại đồ uống chứa chất kích thích làm mất ngủ như trà mạn, cà phê, socola,…thay vào đó mẹ có thể sử dụng trà sen để ngủ ngon hơn.
– Mẹ nên hạn chế uống nhiều nước trước khi đi ngủ vì việc này sẽ khiến mẹ phải thức dậy nhiều lần để đi tiểu vào ban đêm.
– Mẹ có thể bổ sung vào thực đơn những loại thực phẩm bổ trợ cải thiện giấc ngủ như: hạt sen, ngũ cốc, khoai lang, các loại rau xanh,….
– Ngoài việc thay đổi chế độ dinh dưỡng lành mạnh thì việc cải thiện thói quen sinh hoạt cũng góp vai trò lớn trong việc giúp mẹ ngủ ngon hơn. Ở những tháng cuối mẹ nên sắp xếp lại thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Mỗi ngày mẹ cần đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thời gian đi ngủ ban đêm lý tưởng là từ 22h. Vào buổi trưa, mẹ nên chợp mắt từ 45 phút – 1 giờ để đủ tỉnh táo làm việc vào buổi chiều.
– Bên cạnh đó mẹ nên hướng đến các bài tập yoga hoặc đi bộ nhẹ nhàng để cải thiện tâm trí, giảm căng thẳng, lưu thông khí huyết, giảm triệu chứng chuột rút vào những tháng cuối.
– Mẹ có thể áp dụng phương pháp ngâm chân hoặc mát xa nhẹ nhàng trước khi ngủ, điều này vừa giúp giữ ấm cơ thể, lưu thống máu huyết vừa mang lại giấc ngủ ngon hơn.
– Đặc biệt, các chuyên gia khuyến khích mẹ bầu ở những tuần cuối nên nằm nghiêng bên trái và có thể chuyển mình sang phải để tránh mỏi lưng. Mẹ có thể kê thêm gối hoặc chăn đặt dưới bụng để giảm thiểu những áp lực từ tử cung giúp cơ thể thoải mái hơn vào ban đêm.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các mẹ bầu có thể tìm ra các phương pháp để cải thiện chứng mất ngủ cuối thai kỳ ở bà bầu. Mọi thông tin chi tiết cần tư vấn và giải đáp, quý khách hàng hãy liên hệ tới tổng đài của Thu Cúc TCI để được hỗ trợ!