Menu xem nhanh:
Cơn sốt chỉ thực sự bắt đầu khi nhiệt độ cơ thể trẻ từ 38 độ C
Không ít cha mẹ vì muốn tìm cách hạ sốt nhanh chóng cho bé mà cuống cuồng cho con uống hạ sốt trong khi nhiệt độ cơ thể con mới chỉ ở mức 37,5 độ C. Trên thực tế, khi cơ thể của trẻ ở nhiệt độ này chưa thực sự được coi là sốt. Nhiệt độ cơ thể trẻ, bao gồm cả trẻ sơ sinh có thể dao động khoảng 37 độ C đến 37,8 độ C, vì thế mới nói thân nhiệt của trẻ thường cao hơn so với thân nhiệt của người lớn.
Trẻ chỉ thực sự bị sốt nếu nhiệt độ đo ở nách hoặc trong hậu môn của con từ 38 độ C trở lên, nhiệt độ đo ở miệng cao hơn 37,8 độ C.
Sốt là phản ứng của cơ thể khỏe mạnh
Sốt không hoàn toàn là xấu, sốt có thể là phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân có hại ngoài môi trường nhưu virus, vi khuẩn,… Khi đó hệ miễn dịch của bé sẽ phát tín hiệu lên não, điều chỉnh tăng nhiệt độ cơ thể để chống lại những kẻ xâm lược này. Vì vậy nếu trẻ sốt không cao chưa đến mức phải uống thuốc hạ sốt thì ba mẹ cũng không nên quá lo lắng và tuyệt đối không cho con uống thuốc hạ sốt tùy tiện.
Bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào hành vi của trẻ
Các cơn sốt có thể kéo dài từ 2-3 ngày. Một điều các mẹ cần lưu ý là mức độ nặng hay nhẹ của sốt phụ thuộc vào hành vi của trẻ. Nếu trẻ sốt nhưng vẫn linh hoạt, có thể ăn uống và vận động nhẹ nhàng được thì cha mẹ không cần quá lo lắng.
Sốt chỉ thực sự nguy hiểm khi trẻ có các dấu hiệu mệt mỏi, quấy khóc, li bì,… Hành vi của trẻ là biểu hiện rõ nhất những tổn thương của sốt.
Không phải trẻ cứ sốt cao là bị co giật, đối với những trẻ có cơ địa co giật hay tiền sử co giật thì ngay cả khi con sốt ở nhiệt độ 38, 5 độ C bé cũng có thể co giật. Vì vậy mẹ đừng lo trẻ bị sốt cao gây co giật nên vội cho con uống hạ sốt nhằm ngăn chặn trẻ bị co giật là không đúng.
Vậy hạ sốt đúng cách như thế nào?
Chắc hẳn đến đây mẹ sẽ thắc mắc: Vậy thì khi nào mới cho con uống hạ sốt? Câu trả lời là nếu nhiệt độ cơ thể bé từ 38,5 độ C (mẹ nên đo nhiệt độ ở nách để có kết quả chính xác nhất) thì ba mẹ có thể tiến hành cho trẻ uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc hạ sốt thường dùng là paracetamol với liều lượng từ 10-15 mg/kg cân nặng của trẻ.
Bên cạnh đó mẹ cần phối hợp các biện pháp giúp trẻ hạ sốt như lau người bằng nước ấm cho bé, đặc biệt là lau ở các vị trí như nách, bẹn, cổ, lòng bàn chân,… cởi bỏ bớt quần áo cho con, cho bé mặc quần áo thoáng mát, cho trẻ uống bổ sung nhiều nước vì sốt sẽ khiến cơ thể bé mất nước, nếu là trẻ sơ sinh mẹ hãy cho bé bú nhiều hơn để bù lại lượng nước mà con bị mất đi khi bị sốt.
Tuyệt đối mẹ không nên tự ý cho trẻ uống loại thuốc nào có tác dụng hạ sốt nhanh, không nên dán miếng dán hạ sốt. Và hãy theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên nếu bé vẫn không dứt cơn sốt hãy đưa con đi thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt.
trẻ bị sốt khi nào cần đến viện ngay?
Khi thấy một trong số những dấu hiệu dưới đây, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức
- Trẻ dưới 2 tuổi bị sốt trên 38 độ C, trẻ lừ đừ, ngủ li bì khó đánh thức
- Trẻ nôn trớ, co giật hoặc sốt kèm tay chân lạnh
- Trẻ bú kém, bỏ bú hoặc bỏ ăn, không uống được bất cứ thứ gì
- Trẻ có dấu hiệu xuất huyết, nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu lợi…
Nếu ba mẹ còn thắc mắc gì về cách hạ sốt cho trẻ hay muốn đăng kí thăm khám cho con với các bác sĩ Nhi khoa tại Thu Cúc, xin vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ.