Bệnh sởi là một trong những bệnh lý truyền nhiễm thường gặp ở trẻ và lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Trẻ mắc bệnh sởi cần được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Menu xem nhanh:
1. Triệu chứng mắc bệnh sởi
Khi trẻ xuất hiện triệu chứng sau phụ huynh cần đặc biệt lưu ý vì rất có thể trẻ đã nhiễm bệnh sởi:
– Thời kỳ ủ bệnh: Trẻ có triệu chứng sốt nhẹ.
– Thời kỳ khởi phát: Đây là thời kỳ dễ lây lan nhất, kéo dài từ 3 đến 5 ngày với các biểu hiện phổ biến như: Sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5 độ đến 40 độ, kèm theo đó người bệnh có thể co giật, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp. Ngoài ra, còn có triệu chứng chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ, sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng, hắt hơi, sổ mũi, khàn giọng, ho có đờm. Có thể gây viêm thanh quản co rút, nếu có triệu chứng viêm long ở đường tiêu hóa sẽ gây tiêu chảy.
– Thời kỳ phát ban: Các nốt ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, dần dần lan lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong 24 giờ. Trong 24 giờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay, cuối cùng là 2 chân trong từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh. Ban sởi có màu hồng nhạt, ấn vào thì mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp bệnh nhẹ, ban mọc thưa thớt hơn. Ngược lại với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết đường tiêu hóa.
– Thời kỳ phục hồi: Ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da.
2. Cách chăm sóc trẻ nhiễm bệnh sởi tại nhà đúng
– Trẻ mắc bệnh sởi cần được nằm cách ly, tránh gió lạnh. Khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
– Xây dựng chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất cần thiết để nâng cao sức đề kháng cho trẻ, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, tránh ăn thức ăn cứng làm tổn thương đường tiêu hóa.
– Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, cần cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành để tránh lây lan. Người chăm sóc trẻ bệnh phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bệnh, rồi mới được chăm sóc trẻ lành.
– Cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ tránh để bệnh nặng hơn.
– Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.
– Trong trường hợp đã có tiếp xúc nguồn lây bệnh, việc sử dụng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nặng của sởi. Mặc dù vậy, đây là phương thức phòng ngừa đắt tiền và ít phổ biến.
Lưu ý: Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, ban sởi lặn hết mà vẫn sốt, có dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt… … thì cần đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm.