Những triệu chứng của ung thư đại tràng thường không xảy ra ở giai đoạn đầu. Khi các triệu chứng xuất hiện, chúng có thể xảy ra khác nhau ở mỗi bệnh nhân phụ thuộc vào kích thước của khối u, vị trí của khối u trong đại tràng, mức độ xâm lấn của khối u đến các cơ quan khác…
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ung thư đại tràng và yếu tố thúc đẩy hình thành bệnh
1.1 Ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng xuất phát từ ruột già, một ống dài giúp vận chuyển thức ăn đã được tiêu hóa đến trực tràng và ra khỏi cơ thể.
Ung thư đại tràng thường phát triển từ một số polyp hoặc khối u ở lớp lót bên trong của đại tràng. Polyp không phải là ung thư như một số có thể tiến triển thành ung thư đại tràng theo thời gian. Nếu không được phát hiện và/ hoặc không được điều trị, ung thư đại tràng sẽ xâm lấn qua lớp mô, lớp cơ và lớp ngoài cùng của đại tràng và cuối cùng là di căn đến các cơ quan khác của cơ thể thông qua hệ thống hạch bạch huyết hoặc máu của bạn.
1.2 Các điều kiện, yếu tố tăng nguy cơ ung thư đại tràng
Lối sống chưa khoa học là yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư đại tràng
– Hút thuốc: Sử dụng các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử
– Sử dụng rượu quá mức.
– Sử dụng chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn.
– Mắc bệnh thừa cân, béo phì.
– Không tập luyện thể dục, không tham gia bất kỳ loại hoạt động thể chất nào.
Yếu tố bệnh lý làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng
– Bệnh viêm đại tràng mạn tính, bệnh Crohn, hội chứng Lynch, đa polyp tuyến gia đình.
– Tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng, có polyp…
2. Các giai đoạn biến chuyển của ung thư đại tràng
– Giai đoạn 0 được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ, các tế bào bất thường chỉ có ở lớp lót bên trong thành đại tràng.
– Giai đoạn 1 là khi ung thư đã thâm nhập vào lớp lót hoặc niêm mạc của đại tràng và có thể đã phát triển đến lớp cơ. Tuy nhiên ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận và các cơ quan khác trên cơ thể.
– Giai đoạn 2 là khi khối u đã phát triển xâm lấn đến lớp ngoài cùng của đại tràng, hoặc xuyên qua lớp ngoài cùng đến các mô lân cận, nhưng chưa ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết.
– Giai đoạn 3 là khi tế bào ung thư đại tràng đã lan đến các hạch bạch huyết nhưng chưa di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể.
– Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối cùng của ung thư đại tràng khi khối u phát triển ở bất kỳ kích thước, bất kỳ số lượng hạch bạch huyết và đã di căn đến một hoặc nhiều cơ quan xa trên cơ thể.
3. Các triệu chứng theo giai đoạn của ung thư đại tràng
3.1 Triệu chứng giai đoạn 0 đến 2 của ung thư đại tràng
Người bệnh có thể không gặp các triệu chứng khi mắc ung thư đại tràng giai đoạn đầu. Thông thường các triệu chứng lúc này thường mờ nhạt và có thể nhầm lẫn sang các bệnh lý đường tiêu hóa. Nếu bạn gặp các triệu chứng ở giai đoạn 9 đến 3 chúng thường bao gồm:
– Táo bón, tiêu chảy
– Thay đổi màu sắc phân, thay đổi hình dạng phân (phân bị thu hẹp)
– Lẫn máu trong phân
– Bụng đầy hơi
– Đau bụng, cơn đau co thắt.
3.2 Triệu chứng giai đoạn 3 và 4 của ung thư đại tràng
Các triệu chứng của ung thư đại tràng dễ nhận thấy rõ ràng hơn ở giai đoạn 3 và 4. Bên cạnh các triệu chứng kể trên, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng bao gồm:
– Mệt mỏi quá mức, mệt mỏi không rõ nguyên nhân
– Giảm cân ngoài ý muốn
– Những thay đổi trong phân của bạn kéo dài hơn 1 tháng
– Cảm giác ruột không hoàn toàn trống hoặc rỗng kể cả sau khi đi vệ sinh
– Nôn mửa, nôn ói…
Nếu ung thư đại tràng đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng như: Vàng da, vàng mắt, sưng tay hoặc chân, khó thở, đau đầu kinh niên, mờ mắt, xương dễ gãy…
4. Phòng tránh ung thư đại tràng bằng cách nào?
Không thể ngăn chặn hoàn toàn ung thư đại tràng, nhưng có thể làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh bằng cách kiểm soát các yếu tố rủi ro:
– Không sử dụng thuốc lá, sử dụng điều độ đồ uống có cồn
– Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả, cắt giảm thực phẩm chế biến từ thịt đỏ, thực phẩm giàu chất béo…
– Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh với tập thể dục thể thao hàng ngày.
– Theo dõi tiền sử bệnh lý của gia đình, theo dõi và điều trị triệt để các bệnh lý tại đường ruột.
– Thực hiện tầm soát ung thư đại tràng định kỳ: Khuyến cáo những người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng nên cân nhắc bắt đầu sàng lọc ung thư vào khoảng 45 tuổi. Tuy nhiên nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng cơ nguy cơ cao bao gồm mắc hội chứng ruột kích thích, tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng thì nên xem xét bắt đầu sàng lọc ung thư sớm hơn.
Trên đây là các thông tin về triệu chứng của ung thư đại tràng theo các giai đoạn. Trong trường hợp chưa phát hiện bệnh nhưng nhận thấy các triệu chứng bất thường kể trên kéo dài hơn 1 hoặc 2 tuần, bạn nên đi thăm khám sớm nhất có thể.
Phát hiện và điều trị ung thư đại trực tràng ở giai đoạn càng sớm, người bệnh càng có cơ hội sống cao. Cụ thể là khi được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng ở giai đoạn 0 và 1 – ung thư chưa lan ra khỏi đại tràng, tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm là khoảng 91%.