Ung thư tuyến tụy là một loại ung thư được hình thành từ các tế bào tại tuyến tụy. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết tại sao lại có căn bệnh này, triệu chứng bệnh gây ra bởi khối u ác tính là gì, các giai đoạn phát triển, phương pháp điều trị và cách phòng tránh bệnh ung thư tuyến tụy như thế nào trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về ung thư tuyến tụy – Một bệnh ung thư đường tiêu hóa
1.1 Ung thư tuyến tụy là gì?
Tuyến tụy là phần của hệ tiêu hóa và hệ thống nội tiết của con người có nhiệm vụ tạo enzym tiêu hóa và hormone. Ung thư tuyến tụy (K tuyến tụy) là bệnh lý xảy ra khi tế bào ác tính tăng sinh bất thường, hình thành và phát triển trong tuyến tụy ngoại tiết hoặc nội tiết. Trong đó, hầu hết bệnh nhân mắc K tuyến tụy khởi phát từ phần ngoại tiết, là nơi sản xuất ra các enzyme tiêu hóa. Và phổ biến nhất trong loại ung thư này là do các tế bào ác tính xuất phát từ ống dẫn của tuyến tụy – Phần có nhiệm vụ đưa enzym xuống ruột tiêu hóa thức ăn, do đó có thể xem ung thư tuyến tụy là một dạng bệnh của ung thư đường tiêu hóa.
1.2 Nguyên nhân hình thành nên bệnh là gì?
Nguyên nhân chính xác hình thành nên bệnh K tuyến tụy chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan mật thiết, tăng khả năng mắc bệnh đã được xác định đó là:
– Yếu tố di truyền và tiền sử gia đình có người mắc bệnh
– Yếu tố độc hại từ môi trường như hút thuốc, tiếp xúc nhiều với khói thuốc, tiếp xúc với các chất độc hại như dung môi, xăng dầu, thuốc trừ sâu, benzidine…
– Yếu tố về giới tính, tuổi tác: Nam giới được phát hiện có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Tuổi đời càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh lớn hơn.
– Một số yếu tố khác bao gồm: Mắc các bệnh lý viêm tụy mạn tính, tiểu đường, thừa cân, béo phì…
1.3 Các triệu chứng gây ra bởi khối u ác tính tại tuyến tụy là gì?
Triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tụy ở giai đoạn đầu thường mơ hồ, không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề, bệnh lý tiêu hóa thông thường nên người bệnh có xu hướng bỏ qua. Chính vì vậy mà đa số người bệnh đến bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn không còn sớm.
Một trong những triệu chứng đáng chú ý phải kể đến là đau bụng, cơn đau ban đầu có thể là âm ỉ vùng thượng vị nên người bệnh có thể lầm tưởng là triệu chứng của tình trạng đau dạ dày. Khi bước sang giai đoạn tiến triển của khối u ác tính tại tuyến tụy, cơn đau sẽ lan dần sang hai bên, đau xuyên ra sau lưng, cơn đau tăng dần theo thời gian, hoặc có trường hợp cơn đau xuất hiện đột ngột với mức độ dữ dội.
Bên cạnh đó, các triệu chứng khác gây ra bởi khối u ác tính tại tuyến tụy cũng có đặc điểm giống với các bệnh ung thư đường tiêu hóa đó là:
– Các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa: Chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón
– Buồn nôn, nôn, chán ăn, ăn không cảm thấy ngon miệng
– Vàng da, vàng mắt không kèm đau bụng và sốt, ngứa ngoài da
– Phân lỏng có mùi, phân có màu sậm, phân màu đen hoặc có máu
– Giảm cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân, thường xuyên mệt mỏi…
1.4 Chi tiết các giai đoạn tiến triển của bệnh
Khối u ác tính tính hình thành tại tuyến tụy phát triển thông qua 4 giai đoạn như sau:
– Giai đoạn 1: Khối u được phát hiện ở tuyến tụy kích thước <2cm.
– Giai đoạn 2: Khối u phát triển >2cm, xâm lấn sang các mô lân cận nhưng chưa tác động đến các mạch máu. Hạch bạch huyết xung quanh có thể thấy sự hiện diện của ung thư.
– Giai đoạn 3: Tế bào ung thư di căn đến nhiều hạch huyết và cơ quan lân cận, xâm lấn đến các mạch máu chính.
– Giai đoạn 4: Tế bào ác tính di căn đến nhiều cơ quan xa khác trên cơ thể hình thành nên khối u mới tại đó.
2. Phương pháp điều trị và cách phòng tránh bệnh ung thư tuyến tụy
2.1 Điều trị ung thư tuyến tụy như thế nào?
Phương pháp điều trị được chỉ định sử dụng cho bệnh nhân mắc K tuyến tụy phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, sức khỏe, các bệnh lý liên quan… Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm cũng mang đến hiệu quả cao trong điều trị, giúp người bệnh có kết quả tích cực hơn.
Các phương pháp điều trị có thể lã phẫu thuật cắt bỏ tùy thuộc vào vị trí và kích thước khối u, xạ trị, hóa trị, hóa xạ trị sau phẫu thuật, hóa xạ trị kết hợp…
Bên cạnh các phương pháp can thiệp điều trị thì người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe, tâm lý người bệnh thông qua các chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, luyện tập để giúp cải thiện tác dụng phụ, tinh thần từ đó giúp tăng cường sức khỏe, đủ thể chất để tiến hành điều trị.
2.2 Làm thế nào để phòng tránh mắc bệnh ung thư xảy ra ở tuyến tụy
– Bỏ thuốc lá, không sử dụng thuốc lá là lời khuyên hàng đầu để giúp bản thân và những người xung quanh hít khói thuốc giảm nguy cơ mắc bệnh.
– Hạn chế tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, luôn trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ nếu làm việc trong môi trường cần phải bảo hộ.
– Thay đổi thói quen dinh dưỡng hàng ngày bằng chế độ ăn nhiều rau xanh, củ quả giàu vitamin nhiều khoáng chất, hạn chế sử dụng chất béo, nhiều dầu mỡ.
– Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.
– Đặc biệt cần chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư theo hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.
Ung thư tuyến tụy là một bệnh lý ung thư đường tiêu hóa nguy hiểm có thể gây ra sự chèn ép vào đường mật của gan dẫn đến các tình trạng tắc mật, suy gan, hay thậm chí là những biến chứng nguy hiểm khác. Vậy nên nắm bắt được các thông tin về bệnh K tuyến tụy, hy vọng bạn đọc sẽ chủ động trong việc phòng tránh, có thêm kiến thức về điều trị bệnh.