Mất ngủ xảy ra do nhiều nguyên nhân, yếu tố tác động khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người mà sẽ có cách trị chứng mất ngủ phù hợp. Cùng tham khảo bài viết sau để hiểu hơn về chứng mất ngủ và cách điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Những nguyên nhân gây mất ngủ là gì?
Mất ngủ thường bắt nguồn từ nhiều vấn đề, một số nhóm nguyên nhân phổ biến là:
1.1. Áp lực, căng thẳng kéo dài
Chứng mất ngủ có thể xuất hiện khi cơ thể gặp áp lực trong thời gian dài. Căng thẳng khiến bộ não phải hoạt động liên tục và hệ thần kinh trung ương luôn trong trạng thái hưng phấn nên người bệnh trằn trọc rất lâu, khó đi vào giấc ngủ.
Bên cạnh đó, khi cơ thể ở trạng thái căng thẳng khiến hệ thần kinh tiết ra các nội tiết tố như cortisol, adrenalin,… để cơ thể thích ứng tốt hơn. Nếu tình trạng đó diễn ra trong thời gian dài, cường độ cao sẽ gây ức chế và khiến cơ thể mất ngủ.
1.2. Thay đổi nội tiết tố
Phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc đang mang thai, sau sinh có thể bị mất ngủ đêm. Bởi vì ở giai đoạn này nội tiết tố có sự thay đổi thất thường. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rối loạn nội tiết tố có thể gây ra tình trạng đau khớp, bốc hỏa, căng thẳng, … Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm suy giảm chất lượng giấc ngủ ở phụ nữ.
1.3. Thói quen ngủ không lành mạnh, thất thường
Những thói quen sau đây có thể khiến bạn ngủ không sâu, không ngon:
– Thường xuyên thức khuya, ngủ nhiều vào ban ngày, ngủ không đủ giấc.
– Sử dụng thiết bị điện tử trước giờ ngủ, bao gồm: điện thoại, TV, máy tính, máy tính bảng…
– Vận động quá sức sát giờ ngủ.
– Sử dụng rượu bia, cà phê và trà vào chiều tối muộn hoặc sát giờ đi ngủ.
– Ngủ trong không gian nhiều tiếng ồn, bụi bặm, nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng, quá nhiều ánh sáng…
– Ăn quá no, ăn đồ cay nóng, dầu mỡ, ăn các món khó tiêu trước khi đi ngủ.
1.4. Mất ngủ do bệnh lý
Các bệnh lý gây ra triệu chứng đau, cảm giác khó chịu từ đó ảnh hưởng đến giấc ngủ người bệnh. Một số bệnh lý dễ gây ra tình trạng khó ngủ, mất ngủ là:
– Bệnh tuyến giáp
– Bệnh lý tai mũi họng
– Bệnh viêm khớp
– Bệnh tim mạch
– Bệnh lý về thần kinh
2. Các phương pháp cải thiện, trị chứng mất ngủ
Để trị chứng mất ngủ, người bệnh cần thăm khám để xác định được nguyên nhân sau đó bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Điều quan trọng là cần kiên trì và nghiêm túc thực hiện.
2.1. Trị chứng mất ngủ bằng thuốc
Nếu nguyên nhân mất ngủ là do bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các thuốc điều trị căn bệnh đó. Tùy vào bệnh lý mắc phải mà bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp nhằm giảm triệu chứng và mức độ bệnh, từ đó cải thiện tình trạng mất ngủ.
Một số nhóm thuốc có tác dụng an thần, thư giãn và cải thiện triệu chứng mất ngủ có thể kể đến như:
– Thuốc bình thần: như Bromazepam, Diazepam, Rotunda, Clonazepam,… Nhóm thuốc này có công dụng giúp đi ngủ ngay lập tức, phù hợp với người bệnh mất ngủ ngắn hạn, mất ngủ mức độ nhẹ.
– Thuốc ngủ: Zolpidem. Nhóm thuốc này cũng sử dụng điều trị mất ngủ cấp tính.
– Thuốc kháng histamin: Promethazine, Dimedrol, Clorpheniramin,… Nhóm thuốc này gây ngủ khá mạnh và có tác dụng chống dị ứng. Thuốc phù hợp với người bị mất ngủ do ngứa, gãi nhiều gây mất ngủ.
– Thuốc an thần kinh mới: Olanzapine, Quetiapine, Amisulpride,… Được chỉ định dùng cho nhóm mất ngủ do chán ăn tâm lý, trầm cảm, lo âu lan tỏa…
– Thuốc chống trầm cảm: Clomipramine, Mirtazapine,… Đây là những loại thuốc phổ biến trong nhóm thuốc trầm cảm 3 vòng. Thuốc bắt đầu có tác dụng với cơ thể sau 3-4 tuần.
Tất cả nhóm thuốc trên đều mang tính chất tham khảo và không dành cho tất cả bệnh nhân. Người đang mất ngủ cần đi khám để hiểu về bệnh, xác định đúng nguyên nhân để bác sĩ kê đơn phù hợp. Không tự ý sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần vì sẽ gây ra tác dụng phụ và khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
2.2. Trị chứng mất ngủ không bằng thuốc
Mất ngủ có thể cải thiện bằng việc xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và giữ tinh thần lạc quan.
– Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh làm quá sức. Nên cân đối thời gian để cơ thể được thư giãn, đầu óc thoải mái.
– Hình thành và duy trì thói quen ngủ và thức cùng một khung giờ. Nên điều chỉnh dần dần để cơ thể và não bộ có thể thích nghi.
– Trước khi đi ngủ nên đọc sách, nghe nhạc, ngồi thiền, ngâm chân bằng nước ấm. Thói quen này giúp cơ thể thư giãn vừa tránh việc sử dụng thiết bị điện tử.
– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng chất xơ, bổ sung đủ vitamin, giảm chất béo xấu, giảm gia vị. Nên tăng cường ăn nhiều thực phẩm giúp dễ ngủ như hạt sen, tâm sen, …
– Không nên ăn quá no, ăn món nhiều dầu mỡ, cay nóng vào bữa tối. Những món ăn này khiến đầy bụng, khó tiêu gây khó ngủ.
– Vận động, tập luyện mỗi ngày với môn tập yêu thích. Tập đều đặn giúp sức khỏe dẻo dai, tinh thần thoải mái, máu lưu thông tốt hơn và vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
– Chọn nơi ngủ thoải mái, yên tĩnh, nhiệt độ và ánh sáng phù hợp với cơ thể. Nên vệ sinh phòng, thay chăn ga gối thường xuyên để cải thiện giấc ngủ.
3. Phòng ngừa chứng mất ngủ bằng cách nào?
3.1. Giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh vào buổi tối (đặc biệt trước khi ngủ)
Ánh sáng xanh khiến não bộ nhầm lẫn và cho rằng thời điểm đó là ban ngày. Nó cũng làm giảm hormone như melatonin – loại hormone giúp thư giãn và ngủ sâu. Do đó, trước khi đi ngủ cần hạn chế sử dụng thiết bị điện tử để não bộ được nghỉ ngơi.
3.2. Không sử dụng caffein, đồ uống có cồn vào chiều tối muộn
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tiêu thụ caffeine 6 giờ trước khi ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ đáng kể. Nguyên nhân là do caffeine tăng cao trong máu từ 6 đến 8 giờ. Do đó uống cà phê vào chiều hoặc tối muộn có thể khiến bạn trằn trọc, khó ngủ đặc biệt với những người nhạy cảm với caffein. Nếu muốn uống, bạn nên uống vào buổi sáng để hạn chế ảnh hưởng.
Bên cạnh thức uống chứa caffein, những người mất ngủ cũng nên hạn chế đồ uống có cồn như rượu, bia. Rượu được xem là nguyên nhân làm tăng các triệu chứng ngưng thở khi ngủ, ngáy và các triệu chứng của giấc ngủ gián đoạn. Nó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất melatonin vào đêm khuya, do đó nhịp sinh học của cơ thể cũng bị đảo lộn ít nhiều.
3.3. Giảm thời lượng giấc ngủ trưa, ngủ ngày
Với những người đang gặp chứng mất ngủ thì chỉ nên ngủ trưa từ 30 phút trở xuống. Đồng thời cũng không nên ngủ nhiều vào ban ngày. Ngủ quá nhiều vào ban ngày cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.
Mất ngủ đang có xu hướng trẻ hóa do áp lực công việc, cuộc sống ngày càng nhiều. Để trị chứng mất ngủ, ngoài việc thay đổi lối sống thì thăm khám bác sĩ Nội thần kinh là vô cùng cần thiết. Khi đi khám, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị chính xác, kịp thời, không ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.