Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do vi rút HBV gây ra, và có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về gan. Tiêm vắc xin phòng viêm gan B là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm vi rút và phát triển thành bệnh viêm gan B. Trong bài viết này TCI sẽ cung cấp cho bạn thông tin về lịch tiêm chủng viêm gan B cho người lớn cụ thể như thế nào. Cùng tìm hiểu bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tại sao người lớn nên tiêm phòng viêm gan B
Viêm gan B là một bệnh lý nghiêm trọng, gây viêm và hoại tử tế bào gan cấp tính hoặc mạn tính, do vi rút viêm gan B gây ra. Trên toàn thế giới, ước tính có hơn 2 tỷ người (chiếm 30% dân số) nhiễm vi rút viêm gan B, với hơn 400 triệu người phải đối mặt với tình trạng gan mạn tính. Mỗi năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do các biến chứng như xơ gan và ung thư gan.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B cao.
Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị viêm gan B đặc hiệu, vì vậy, việc tiêm vắc xin được coi là phương pháp bảo vệ sức khỏe khỏi viêm gan B hiệu quả. Tiêm phòng vắc xin viêm gan B đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cá nhân khỏi nguy cơ lây nhiễm và các biến chứng nghiêm trọng từ viêm gan B như xơ gan, suy gan, và ung thư gan. Bên cạnh đó, việc tiêm vắc xin viêm gan B không chỉ bảo vệ bản thân mà còn tạo nên “hiệu ứng bảo vệ cộng đồng”, góp phần giảm nguy cơ truyền nhiễm trong cộng đồng.
Người trưởng thành có nguy cơ cao nhiễm HBV cần được sàng lọc và tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt. Những nhóm có nguy cơ cao và nên chủ động tiêm phòng viêm gan B bao gồm:
– Nam, nữ giới tham gia quan hệ tình dục đồng giới.
– Người mắc bệnh lây qua tình dục.
– Những người có quan hệ tình dục phức tạp, có nhiều hơn 1 bạn tình trong vòng 6 tháng trở lại đây.
– Nhân viên y tế, nhân viên an toàn công cộng, công an, cảnh sát, những người có khả năng tiếp xúc với máu hoặc các dịch cơ thể có khả năng lây nhiễm.
-. Những người đang hoặc gần đây sử dụng chất ma túy không an toàn.
– Những người mắc bệnh đái tháo đường và dưới 60 tuổi (hoặc ≥ 60 tuổi nếu có nguy cơ mắc HBV cao).
– Những người mắc bệnh thận đang ở giai đoạn cuối có chạy thận.
– Người nhiễm HIV.
– Những người làm việc trong các cơ sở cải huấn hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ có người sử dụng chất ma túy.
– Người mắc bệnh gan mạn tính.
– Người mắc bệnh viêm gan C.
– Khách du lịch quốc tế đến các khu vực có tỷ lệ nhiễm HBV cao hoặc trung bình.
– Người bệnh và nhân viên tại các cơ sở dành cho người khuyết tật.
2. Các phác đồ tiêm chủng viêm gan B cho người lớn
Hiện nay trên thị trường đang phổ biến hai loại vắc xin phòng viêm gan B cho trẻ lớn và người lớn là vắc xin Engerix B (Bỉ) tiêm được cho trẻ em từ sơ sinh đến 19 tuổi và vắc xin Heberbiovac (Cu Ba) tiêm cho trẻ từ 10 tuổi và người lớn. Cả hai loại vắc xin có lịch tiêm chủng viêm gan B cho người lớn tương tự nhau.
2.1. Phác đồ 1: 0-1-6
– Phác đồ thông thường.
– Mũi tiêm thứ 2 được tiến hành sau 1 tháng kể từ mũi tiêm đầu tiên.
– Mũi tiêm thứ 3 được tiến hành sau 6 tháng kể từ mũi tiêm đầu tiên.
2.2. Phác đồ 2: 0-1-2-12
– Thường được khuyến cáo trong trường hợp biết hoặc được cho là phơi nhiễm với HBV. Đồng thời cần tiêm Engerix B liều đầu tiên cùng với globulin miễn dịch kháng VGB và tiêm ở vị trí khác nhau.
– Mũi tiêm thứ 2 sau 1 tháng kể từ mũi tiêm đầu tiên.
– Mũi tiêm thứ 3 sau 2 tháng kể từ mũi tiêm đầu tiên.
– Mũi tiêm thứ 4 sau 12 tháng kể từ mũi tiêm đầu tiên.
2.3. Phác đồ 3: Lịch tiêm nhanh
– Thường chỉ định cho những người đến từ vùng dịch cao. Tiêm 3 liều cơ bản vào các ngày 0, 7, 21 ngày và 1 liều nhắc lại sau 12 tháng.
– Mũi tiêm thứ 1 là lần đầu tiêm.
– Mũi tiêm thứ 2 được thực hiện sau 7 ngày từ mũi tiêm đầu tiên.
– Mũi tiêm thứ 3 được thực hiện sau 21 ngày từ mũi tiêm đầu tiên.
– Mũi tiêm thứ 4 được tiến hành vào tháng thứ 12 từ mũi tiêm đầu tiên.
2.4. Liều nhắc lại
Vắc xin viêm gan B mang lại khả năng phòng bệnh cao, lên đến 95%. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng kháng thể trong cơ thể có thể giảm xuống. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tiêm lại 1 liều vắc xin sau mỗi 5 – 8 năm từ lần tiêm trước, để đảm bảo duy trì một lượng kháng thể đủ cao, giúp chống lại sự xâm nhập của vi rút viêm gan B.
Trước khi tiêm mũi nhắc lại, việc kiểm tra nồng độ kháng thể (anti-HBs) là cần thiết. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ anti-HBs dưới mức 10 UI/l, đó là dấu hiệu cơ thể đang giảm khả năng tự bảo vệ chống lại viêm gan B, cần tiêm liều bổ sung.
3. Lưu ý cho người lớn khi tiêm viêm gan B
– Xét nghiệm trước tiêm: Trước khi tiêm vắc xin viêm gan B, cần thực hiện xét nghiệm HBsAg và HBsAb để xác định tình trạng nhiễm viêm gan B và có kháng thể kháng lại vi rút HBV hay chưa. Nếu kết quả HBsAg dương tính, cho thấy bạn đã nhiễm vi rút HBV, việc tiêm phòng không còn hiệu quả. Ngược lại, nếu kết quả âm tính, đó là dấu hiệu của việc chưa mắc bệnh và cần tiêm vắc xin để phòng tránh.
– Nếu đang trong tình trạng sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính, bạn nên tạm hoãn kế hoạch tiêm vắc xin cho đến khi sức khỏe ổn định trở lại.
– Vắc xin viêm gan B không khuyến khích tiêm cho thai phụ, tuy nhiên, nếu có nguy cơ nhiễm vi rút viêm gan B cao, quyết định tiêm cần được thảo luận và đưa ra bởi bác sĩ.
– Thực hiện tiêm vắc xin phòng viêm gan B tại cơ sở uy tín, đảm bảo rằng người thực hiện khám sàng lọc, người tiêm chủng là người có chuyên môn và vắc xin đảm bảo chất lượng.
– Vắc xin viêm gan B là một loại vắc xin an toàn, các phản ứng phụ sau tiêm viêm gan B hầu hết đều nhẹ và không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nếu như bạn cảm thấy mình gặp bất cứ phản ứng nặng nào sau tiêm vắc xin, hãy gọi ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ.
– Tuân thủ lịch tiêm chủng của bản thân để có đầy đủ kháng thể bảo vệ sức khỏe trước vi rút HBV.
Trên đây là những thông tin hữu ích về lịch tiêm vắc xin viêm gan B cho người lớn, để được tư vấn chi tiết hơn về lịch tiêm phòng phù hợp với bản thân và những lưu ý cần biết khi đi tiêm phòng, bạn có thể liên hệ tới Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.