Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân ung thư tinh hoàn
Nguyên nhân ung thư tinh hoàn đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng có mối liên hệ giữa bướu tinh hoàn và các dị tật tinh hoàn:
- Tinh hoàn ẩn có nguy cơ hóa ác gấp 3-5 lần so với tinh hoàn trong bìu. Gần 7-10% bướu tinh hoàn phát hiện trên tinh hoàn ẩn, thường là seminoma.
- Teo tinh hoàn và tinh hoàn loạn sản
- Mẹ dùng estrogen trong lúc mang thai
- Chấn thương và nhiễm trùng tinh hoàn
2. Các giai đoạn của ung thư tinh hoàn
Giai đoạn 0:
Trong giai đoạn 0 ung thư tinh hoàn, các tế bào ung thư nằm trong tinh hoàn, không lan ra ngoài tinh hoàn.
Giai đoạn I:
Giai đoạn IA: Khối u có thể phát triển qua lớp mô xung quanh tinh hoàn, nhưng không lan ra lớp bên ngoài, và không lan đến máu hoặc bạch huyết.
Giai đoạn IB: Các khối u ở giai đoạn này có thể lan tới máu hoặc bạch huyết hoặc có thể đã xâm chiếm lớp ngoài bao quanh tinh hoàn, dây thần kinh hoặc bìu.
Giai đoạn IC: Các loại ung thư này xâm lấn đến các mô lân cận.
Giai đoạn II:
Giai đoạn II ung thư tinh hoàn bao gồm:
Giai đoạn IIA: Khối u ở giai đoạn này đã lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết, kích thước nhỏ hơn 2 cm.
Giai đoạn IIB: Khối u ở giai đoạn này đã lan đến ít nhất một hạch bạch huyết, có kích thước từ 2 cm đến 5 cm.
Giai đoạn IIC: Những khối u này đã lan đến ít nhất một hạch bạch huyết, kích thước lớn hơn 5 cm.
Giai đoạn III:
Giai đoạn IIIA: Những ung thư này đã lan đến một hạch bạch huyết xa hoặc phổi. Mức protein của khối u là bình thường hoặc tăng nhẹ.
Giai đoạn IIIB: Ở giai đoạn này của ung thư tinh hoàn, bệnh nhân có nồng độ protein marker khối u tăng cao – và bệnh lan truyền sang các hạch bạch huyết ở gần hoặc xa xa.
Giai đoạn IIIC: ung thư xâm lấn đến phổi, gan hoặc não hoặc các cơ quan khác.
3. Điều trị ung thư tinh hoàn thế nào?
Mục tiêu của điều trị ung thư tinh hoàn là để loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư trong cơ thể. Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào độ tuổi, loại ung thư, giai đoạn ung thư, sức khỏe nói chung của người bệnh.
- Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bị ung thư (mà không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay khả năng quan hệ tình dục). Sau khi cắt tinh hoàn, nên đặt tinh hoàn giả cho bệnh nhân với mục đích ổn định tâm lý cho người bệnh.
- Nếu là khối u tinh hoàn khu trú, tùy theo dạng tế bào có thể đặt ra việc chiếu tia xạ ổ bụng, dùng hóa chất hoặc nạo vét hạch sau phúc mạc, hay thậm chí chỉ cần theo dõi thông thường.
- Hóa trị: được sử dụng bổ trợ cho phẫu thuật hoặc áp dụng cho ung thư tinh hoàn giai đoạn tiến triển
- Xạ trị ít được sử dụng hơn, nhưng có thể dùng cho những người bị u tinh (seminomas) hoặc tùy theo dạng tế bào, vị trí khối u mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị.