Theo Tiến sĩ, Bác sĩ CKI Trịnh Thị Khanh thì có khoảng 80% các ca bệnh đột quỵ (hay còn gọi là bệnh tai biến mạch máu não) có thể phòng ngừa được nếu như người bệnh thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Vậy cùng tìm hiểu các cách phòng ngừa đột quỵ được chuyên gia khuyến cáo dưới đây để ngăn chặn căn bệnh vô cùng nguy hiểm này.
Menu xem nhanh:
1. Các cách phòng ngừa đột quỵ
1.1 Duy trì tuần hoàn não tốt
Thiểu năng tuần hoàn não hay thiếu máu não, thiếu máu não thoáng qua (TIA) thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là người lao động trí óc và người cao tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới đột quỵ nhồi máu não.
Bạn cần kiểm soát tốt tuần hoàn não bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để máu lưu thông lên não tốt hơn. Bạn nên bớt lo lắng căng thẳng, thăm khám với bác sĩ ngay khi nghi ngờ bị thiếu máu lên não (hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, ngủ kém), sử dụng thực phẩm chức năng giúp tăng tuần hoàn máu não (cần thăm khám với bác sĩ và tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh).
1.2 Điều trị và kiểm soát tốt bệnh lý tim mạch
Bệnh lý về tim mạch là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn tới đột quỵ não, điển hình như: rối loạn nhịp tim (bệnh rung nhĩ), nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh lý van tim, bệnh mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, …
Cần điều trị và kiểm soát hiệu quả các bệnh lý tim mạch kể trên, để ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não dẫn tới đột quỵ.
1.3 Điều trị tăng huyết áp là một trong các cách phòng ngừa đột quỵ
Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp (hoặc người bị huyết áp cao) đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới đột quỵ.
Huyết áp cao dễ làm hỏng các mạch máu, khiến mạch máu bị thu hẹp, rò rỉ hoặc vỡ. Nếu không kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, các cục máu đông khi hình thành rất dễ theo dòng mạch máu di chuyển lên não gây tắc mạch máu não và dẫn tới đột quỵ thiếu máu não, ngoài ra người bị huyết áp cao cũng dễ bị đột quỵ xuất huyết não (đột quỵ chảy máu não) do áp lực bơm máu đột ngột kèm cục máu đông làm vỡ mạch máu não.
Thường xuyên theo dõi và kiểm soát tốt chỉ số huyết áp là việc làm vô cùng cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ (nhồi máu não, xuất huyết não) xảy ra.
1.4 Quản lý bệnh tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị đột quỵ cao hơn so với những người khác. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao khi ở thời gian dài sẽ dễ làm tổn thương các mạch máu, khiến máu dễ bị vón cục (hình thành cục máu đông), cục máu đông này sẽ di chuyển lên não gây bít tắc mạch máu não và dẫn tới đột quỵ.
Do đó, người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của chuyên gia để kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, ngăn ngừa đột quỵ.
1.5 Ăn uống lành mạnh là một trong các cách phòng ngừa đột quỵ
Thói quen ăn uống không lành mạnh có thể khiến bạn dễ mắc phải nhiều bệnh, trong đó có cả bệnh đột quỵ. Điển hình như việc hấp thụ quá nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn mặn,… dễ gây tăng huyết áp, mỡ máu, xơ vữa động mạch, béo phì, gout,… các bệnh lý này làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Chính vì vậy, bạn cần đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh nên tăng cường ăn nhiều trái cây tươi và rau củ. Cân bằng thực phẩm ít natri (muối), chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, tăng cường chất xơ sẽ giúp giảm mức cholesterol và huyết áp cao – hai yếu chính làm tăng nguy cơ đột quỵ.
1.6 Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể dục thể thao thường xuyên không chỉ giúp cơ thể bạn kiểm soát tốt cân nặng và vóc dáng, mà thể dục thể thao điều độ còn giúp: điều hòa nhịp tim, huyết áp, giúp đào thải các chất độc tích tụ trong cơ thể ra bên ngoài, giảm lượng cholesterol, giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra tốt hơn, dễ lưu thông khí huyết, tinh thần thoải mái và minh mẫn hơn,… đẩy lùi nguy cơ đột quỵ.
1.7 Nói không với hút thuốc là một trong các cách phòng ngừa đột quỵ
Thuốc lá (kể cả thuốc lào) không chỉ là kẻ thù của hệ hô hấp (phổi), tim mạch mà còn làm tăng nguy cơ đông máu (làm đặc máu), dẫn tới dễ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Bỏ hút thuốc lá sẽ giúp bạn giảm được nguy cơ đột quỵ xảy ra.
2. Vì sao cần phải phòng ngừa đột quỵ?
Đột quỵ khi đã xảy ra thì nguy cơ tử vong thường rơi vào khoảng 50%, số còn lại sống sót thường phải gánh chịu các di chứng nặng nề, có thể đeo bám đến suốt đời như: liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn đại tiểu tiện, suy giảm trí nhớ,…
Thậm chí, có người đã may mắn vượt qua cơn đột quỵ nhưng nguy cơ tái lại (đột quỵ tái phát) cao hơn người chưa bị, nên nếu bị đột quỵ lần 2 thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Do đó, việc tìm hiểu các cách phòng ngừa đột quỵ dù là chưa xảy ra hay dự phòng đột quỵ tái phát ở người đã từng bị đột quỵ là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.
“Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh” là câu nói hoàn toàn đúng, đặc biệt là với những căn bệnh vô cùng nguy hiểm như đột quỵ.
3. Những dấu hiệu nhận biết ai đó bị đột quỵ
Nếu bạn thấy ai đó có biểu hiện dưới đây, hãy nghĩ ngay đến nguy cơ đột quỵ. Cần đưa họ đến cơ sở y tế có sơ cấp cứu bệnh nhân đột quỵ để người bệnh được xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm:
– Yếu, liệt mặt (mặt đơ cứng, mất cân đối giữa 2 bên)
– Tê, yếu cánh tay (cử động khó khăn, khó dơ cả 2 tay lên khi được yêu cầu)
– Nói khó (ú ớ, không rõ câu chữ và câu không rõ nghĩa).