Nhiều người tìm cách làm trôi xương cá khi con cái hoặc bản thân mình bị hóc. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng làm xương cá được nuốt trôi. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Cách làm trôi xương cá và lời khuyên
1.1. Làm trôi xương cá
Những cách nhằm làm trôi xương cá hiện nay thường bắt nguồn từ các mẹo được truyền tai hoặc chia sẻ trên mạng. Những mẹo nuốt xương cá này khá đa dạng và dễ thực hiện:
– Ăn cơm nóng hoặc nuốt miếng lớn (chuối, khoai,…) nhằm làm trôi xương cá khi nuốt đồ ăn.
– Sử dụng các loại nước như chanh, dầu ô liu, giấm,…
– Ngậm vỏ cam
– Nhét tỏi vào mũi
Nói về tính hiệu quả của các phương pháp này cũng rất nhiều ý kiến. Nhiều người cho rằng không có tác dụng, người thì bảo rằng xương cá mất sau khi thực hiện, nhưng cũng có những người bị tình trạng nặng vì những cách này.
1.2. Chia sẻ quan điểm về cách làm xương cá tự trôi
Khi đi khám, các bác sĩ sẽ không nói với bạn về việc chữa hóc xương bằng mẹo. Bởi, những hình thức này không có cơ sở khoa học hay nghiên cứu nào khẳng định tính hiệu quả. Bên cạnh đó, rất nhiều hình thức chữa mẹo này kèm theo nguy hiểm. Đây cũng là lý do vì sao nhiều người chữa hóc xương cá bằng mẹo có thể bị nặng hơn, nguy kịch tức thì hoặc bệnh nặng sau một thời gian tự chữa hóc xương cá.
Trên thực tế, nhiều người thường có xu hướng tìm các cách, mẹo để nuốt xương cá bị hóc vào. Thế nhưng, các bác sĩ luôn cảnh báo: dị vật họng có thể trở thành dị vật đường thở hoặc dị vật đường tiêu hóa với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Rất nhiều trường hợp xương cá khi cố nuốt rơi vào khu vực đường thở (thanh quản – phế quản), làm bít tắc lỗ thở hoặc gây áp xe tại các vị trí làm chèn ép lỗ thở, dẫn đến tình trạng khó thở, thậm chí là ngưng thở nguy hiểm đến tính mạng. Một số trường hợp xương cá đâm vào các bộ phận và gây vấn đề hoại tử mô, viêm nhiễm hệ hô hấp như: áp xe thanh phế quản, viêm nhiễm dây thanh, viêm phổi, xẹp phổi,… cũng rất nguy hiểm.
Một số người cố ăn những thứ như cùi bưởi, cơm nóng,… và dù đau vẫn cố nuốt xương cá không lường trước rằng, biến chứng có thể đến ngay sau đó với tình trạng khối xơ gây tắc ruột non, xương cá đâm vào ruột, gây hoại tử, viêm phúc mạc, chảy máu thành ruột,… mà nếu không phẫu thuật cấp cứu gấp, bệnh nhân sẽ dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ cho biết: Những dị vật sắc, nhọn, dài như xương cá thường kèm theo khả năng lớn gây thủng ruột, dạ dày và nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, khi bị hóc xương, bệnh nhân không nên cố gắng nuốt xương. Đây cũng là nguyên nhân khiến những mẹo giúp trôi xương cá khi bị hóc hiện nay trên mạng không nên được học và làm theo.
2. Thực hiện loại bỏ xương cá như thế nào đúng cách?
Khi bị hóc xương cá, tùy theo tình huống và đối tượng mà chúng ta cần thực hiện xử lý theo các cách phù hợp.
2.1. Cách làm trôi xương cá ở mức độ nhẹ
Nếu người bị hóc xương cá chỉ bị hóc ở mức độ nhẹ, sắc mặt hồng hào, tinh thần tỉnh táo, thì có thể thu xếp đến các bệnh viện để được bác sĩ tai mũi họng hỗ trợ gắp xương cá với thiết bị phù hợp và phương pháp an toàn cho bản thân.
Với trẻ em, cha mẹ nên chú ý làm trẻ bình tĩnh để trẻ không khóc, nấc hay cố ho, bởi điều này có thể khiến trẻ bị đau hơn và làm xương cá gây hóc trở nên nguy hiểm hơn. Đặc biệt, cần tránh tình trạng cha mẹ dùng tay mò xương cho con, có thể khiến trẻ bị tổn thương niêm mạc họng hoặc làm xương cá đâm vào thành thực quản của trẻ.
2.2. Cách làm trôi xương cá cho trường hợp có các triệu chứng nguy hiểm
Nếu xương cá gây hóc kèm theo các triệu chứng nguy hiểm như: ngưng thở, thở ngắt quãng, mất ý thức, bất tỉnh, những người xung quanh cần nhanh chóng liên hệ cấp cứu, đồng thời, mau chóng tiến hành sơ cứu cho người bệnh.
2.2.1. Sơ cứu trẻ dưới 1 tuổi
Để sơ cứu trẻ dưới 1 tuổi đang nguy kịch do bị hóc xương cá, hãy dùng phương pháp vỗ lưng – ấn ngực với các thao tác sau đây:
– Cho trẻ nằm lên trên cánh tay trái của người sơ cứu sao cho bàn tay giữ khu vực đầu – cổ trẻ, trẻ nằm dọc theo cánh tay và để trẻ hơi dốc theo hướng bàn tay.
– Xác định vùng lưng giữa hai bả vai trẻ và dùng gót tay phải vỗ cho trẻ. Thực hiện khoảng 5 lần việc vỗ lưng này và sau đó kiểm tra xương cá đã rơi vào khu vực miệng chưa hoặc trẻ đã tỉnh táo, thở bình thường chưa. Nếu chưa, hãy thực hiện theo bước tiếp theo cho trẻ.
– Dùng tay phải đỡ trẻ và lật người trẻ nằm ngửa trên tay phải của người sơ cứu. Sau đó, dùng hai ngón tay trái để ấn vào vùng dưới xương ức theo hướng đẩy lên 5 lần. Khi thực hiện thao tác này, hãy kết hợp kiểm tra tình hình trẻ.
Nếu sau quá trình thực hiện, xương cá vẫn chưa rơi ra hoặc trẻ vẫn chưa thở bình thường, thì người sơ cứu có thể tiếp tục thực hiện điều này trong khi chờ đợi cấp cứu đến. Lưu ý kết hợp hà hơi thổi ngạt nếu trẻ có hiện tượng ngưng thở.
2.2.2. Sơ cứu cho người lớn và trẻ từ 1 tuổi trở lên
Với trẻ từ 1 tuổi trở lên và người lớn, chúng ta có thể áp dụng nghiệm pháp Heimlich. Chú ý rằng, cần thực hiện đúng cách để không xảy ra tình huống chấn thương, gãy xương sườn hoặc tổn thương nội tạng.
Thực hiện nghiệm pháp Heimlich sơ cứu hóc xương cá với các tình huống nguy kịch như sau:
– Để người bị hóc nằm ngửa trên mặt phẳng. Khi đó, người sơ cứu đối diện với người bị hóc, tư thế 2 đầu gối đặt cạnh 2 bên đùi của bệnh nhân.
– Người sơ cứu chồng hai tay lên nhau và đặt dưới cơ hoành của người bị hóc xương cá. Chú ý đặt lòng bàn tay đúng vị trí để tạo lực đẩy cho thao tác hiệu quả.
– Người sơ cứu đẩy mạnh tay vào vùng bụng này theo hướng vào trong và theo hướng lên trên của người bất tỉnh. Thực hiện động tác nhiều lần để đẩy xương cá ra khỏi vị trí bít tắc đường thở của người bị hóc.
Thao tác này cũng được kết hợp với việc hà hơi thổi ngạt nếu người bị hóc xương cá có dấu hiệu ngừng thở.
Như vậy, việc thực hiện các cách làm trôi xương cá là điều cần cẩn trọng khi chữa hóc. Những mẹo này có thể kèm theo những hậu quả không lường trước liên quan đến sức khỏe của chúng ta. Trong những tình huống không nguy hiểm, người bị hóc cần sớm đến các cơ sở y tế có bác sĩ tai mũi họng để được thăm khám và điều trị kịp thời, đúng cách.