Viêm thần kinh thị giác (viêm thị thần kinh) là bệnh lý về mắt liên quan đến tổn thương dây thần kinh thị giác. Bệnh không chỉ khiến người bệnh khó chịu, đau đớn mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực và cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng nghiêm trọng như mất thị lực hoàn toàn. Nắm rõ các biểu hiện viêm thần kinh thị giác là bước đầu giúp bạn phát hiện ra bệnh sớm và chủ động thăm khám, điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm thần kinh thị giác là như thế nào?
Viêm thị thần kinh hay viêm thần kinh thị giác là những cái tên phổ biến dùng để gọi bệnh lý liên quan đến dây thần kinh thị giác, gây ảnh hưởng đến thị lực người mắc bệnh.
Dây thần kinh thị giác có vai trò dẫn truyền tín hiệu hình ảnh đến não, từ đó não sẽ phân tích và đưa ra các tín hiệu để truyền lại cho các cơ quan trong cơ thể. Bệnh viêm thần kinh thị giác xảy ra khi dây thần kinh thị giác này bị tổn thương và sưng viêm, làm ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền hình ảnh vốn có, gây nên nhiều hiện tượng bất thường cho thị lực. Bệnh lý này có sự liên quan đến bệnh đa xơ cứng, được biết đến là bệnh gây viêm và tổn thương các dây thần kinh não và tủy sống. Bên cạnh đó, viêm thần kinh thị giác có thể là hệ quả kéo theo của bệnh lý miễn dịch hoặc nhiễm trùng nào đó.
Dựa theo những bất thường thấy được khi soi đáy mắt và chụp mạch huỳnh quang, bệnh viêm thị thần kinh được chia ra thành 2 hình thái gồm:
– Viêm thần kinh thị giác hậu nhãn cầu: kiểm tra gai thị, võng mạc hầu như đều chưa có sự thay đổi.
– Viêm gai thị: kiểm tra thấy rõ gai thị phù nề, có thể có hiện tương xuất huyết nông quanh gai thị. Chụp mạch huỳnh quang thấy có giãn mao mạch, vi phình mạch, thì muộn tăng huỳnh quang và tồn tại cố định ở gai thị.
2. Biểu hiện viêm thần kinh thị giác thường gặp
Thông thường bệnh chỉ gặp ở một bên dây thần kinh mắt cụ thể nên biểu hiện viêm thần kinh thị giác cũng chỉ xuất hiện ở bên mắt tương ứng đó. Tuy nhiên cũng có 1 số ít trường hợp cả 2 mắt đều bị bệnh. Các triệu chứng bị viêm thị thần kinh bao gồm
2.1 Thị lực suy giảm là biểu hiện viêm thần kinh thị giác cơ bản
Biểu hiện viêm thần kinh thị giác cơ bản, phổ biến nhất chính là mắt bị suy giảm thị lực 1 bên. Thông thường bệnh sẽ gây giảm thị lực tạm thời ở bên mắt có dây thần kinh thị giác bị tổn thương, tùy theo từng giai đoạn bệnh mà mức độ thị lực bị ảnh hưởng sẽ khác nhau. Ở giai đoạn sai viêm từ vài giờ đến vài ngày, thị lực người bệnh sẽ giảm rõ rệt.
Khi bệnh được cải thiện, tức là tổn thương viêm khu trú thì thị lực người bệnh sẽ dần dần phục hồi. Song cũng có trường hợp thị lực không thể phục hồi mà suy giảm đến mức mất hoàn toàn.
1.2. Đau nhức một bên mắt cũng là biểu hiện viêm thần kinh thị giác
Hầu hết bệnh nhân mắc viêm thị thần kinh đều sẽ có triệu chứng bị đau nhức một bên mắt từ mức độ trung bình đến nặng. Thường cơn đau sẽ diễn ra nghiêm trọng và dữ dội nhất ở giai đoạn bệnh tiến triển.
Đặc biệt chỉ cần cử động mắt hoặc mắt bị kích thích bởi ánh sáng, cơn đau sẽ tăng lên rõ rệt.
1.3. Mất khả năng nhận biết màu sắc
Dây thần kinh thị giác bị viêm khiến độ nhạy của tế bào thần kinh tại võng mạc giảm sút, do đó khả năng nhận biết màu sắc cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, bệnh nhân thường sẽ nhận biết màu sắc kém đi, nhìn thấy hình ảnh sự vật kém sinh động hơn bình thường, nếu tình trạng nặng hơn, người mắc bệnh có thể hoàn toàn không phân biệt được màu sắc.
1.4. Mắt mất thị trường thị giác
Thị trường thị giác của mắt là không gian tối đa có thể quan sát được của một bên mắt, khác với thị lực là khả năng nhìn của mắt. Ở bệnh nhân bị viêm thị thần kinh, thị trường của bên mắt phải chịu ảnh hưởng do tổn thương dây thần kinh thường bị thu hẹp lại hoặc biến mất hoàn toàn.
1.5. Cảm giác nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy
Một số bệnh nhân viêm thị thần kinh có thể sẽ đột ngột nhìn thấy những đốm ánh sáng nhấp nháy không có thực. Tình trạng này tăng lên khi chuyển động nhãn cầu.
Mức độ triệu chứng bệnh càng nặng nghĩa là diễn biến càng nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất, hậu quả người bệnh có thể gặp phải là mất thị lực và đau bên mắt bị ảnh hưởng. Nếu dây thần kinh thị giác tổn thương đi kèm với những tổn thương thần kinh khác, bệnh nhân có thể xuất hiện những dấu hiệu toàn thân như: tê, yếu một chi, rối loạn tri giác… Khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường này, người bệnh nên sớm tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra nguy cơ mất thị lực.
2. Đâu là nguyên nhân gây viêm thị thần kinh?
Dây thần kinh thị giác có cấu tạo là một bó sợi thần kinh. Bó sợi này được bao bọc và bảo vệ trong myelin – một vật liệu cách nhiệt của cơ thể cũng có mặt tại dây thần kinh não và tủy sống. Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên viêm thị thần kinh là các bệnh lý tự miễn, lúc này hệ miễn dịch xác định nhầm và tấn công vỏ bao sợi thần kinh myelin gây tình trạng viêm tại đây – còn được gọi là bệnh đa xơ cứng.
Ngoài ra, bệnh miễn dịch khác như Neuromyelitis Optica cũng là nguyên nhân gây viêm thị thần kinh. Với nguyên nhân này, bệnh có xu hướng nặng hơn và thường khó điều trị hơn so với nguyên nhân do đa xơ cứng.
Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân khác gây viêm thần kinh thị giác bao gồm:
– Nhiễm trùng: Sự nhiễm trùng ở các cơ quan khác có thể lan tới viêm thị thần kinh như do vi khuẩn sốt đầu mèo, giang mai, Lyme,…hoặc do virus viêm gan B, herpes, HIV…
– Bệnh tiểu đường: Nguy cơ phát triển rối loạn thần kinh thị giác, dẫn đến viêm thị thần kinh ở người tiểu đường thường cao hơn bình thường. Do đó người bị tiểu đường cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu, tránh gây tổn thương tới các dây thần kinh.
– Bị viêm động mạch nội sọ: Viêm niêm mạc động mạch nội sọ có ảnh hưởng đến sự lưu thông máu đến mắt và não từ đó tăng nguy cơ viêm dây thần kinh.
– Một số thuốc điều trị hoặc quá trình xạ trị ở vùng đầu.
3. Điều trị bệnh lý viêm thị thần kinh
Hầu hết bệnh lý viêm thị thần kinh sẽ tự cải thiện sau khoảng một vài tuần với sự theo dõi của bác sĩ, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc điều trị có thể nhanh khỏi hơn và giảm triệu chứng đi kèm. Steroid với tác dụng giảm viêm thần kinh thị giác là loại thuốc thường được bác sĩ nhãn khoa kê đơn cho các trường hợp này. Thông thường thuốc sẽ được sử dụng ở các dạng là:
– Thuốc tiêm tĩnh mạch
– Thuốc uống Steroid: thường được chỉ định sau khi bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc tiêm tĩnh mạch Steroid.
Đa số bệnh nhân viêm thị thần kinh đáp ứng tốt với việc điều trị bằng Steroid, tuy nhiên ở các trường hợp nặng hơn, người bệnh bị mất thị lực nghiêm trọng, Steroid không đem lại hiệu quả thì cần can thiệp bằng phương pháp trao đổi huyết tương. Sau khi điều trị, thị lực của bệnh nhân sẽ dần dần hồi phục hoàn toàn và các triệu chứng đau nhức, khó chịu tại mắt cũng biến mất.
Người bệnh cần đi khám nhãn khoa sớm khi có dấu hiệu
Mặc dù bệnh có thể tự cải thiện, tuy nhiên vì biến chứng xảy ra là gây mất thị lực hoàn toàn nên người bệnh không nên chủ quan, coi nhẹ, tránh rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, biểu hiện viêm thần kinh thị giác khá dễ nhầm với một số bệnh lý về mắt khác nên ngay khi thấy biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ mình mắc bệnh, cần sớm thăm khám nhãn khoa để phát hiện bệnh kịp thời và có biện pháp theo dõi, điều trị bệnh để có kết quả hồi phục tối ưu.