Bị sỏi mật chắc hẳn không còn quá xa lạ với nhiều người khi loại bệnh lý này đang ngày một trở nên phổ biến tại Việt Nam. Sỏi mật có nguy hiểm không? Bị sỏi mật có phải cắt túi mật không? Các trường hợp nào phải cắt?,.. là những câu hỏi mà đông đảo người bệnh chú ý, quan tâm.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là những tinh thể rắn, cứng được kết tinh lại từ các thành phần có trong dịch mật. Sỏi mật thường có xu hướng diễn tiến âm thầm, bệnh chỉ được tình cờ phát hiện khi người bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ hoặc thăm khám các bệnh tiêu hóa khác.
Sỏi mật được chia thành 2 loại chính, bao gồm:
– Sỏi cholesterol: Hình thành khi dịch mật chứa quá nhiều cholesterol.
– Sỏi sắc tố: Hình thành khi dịch mật chứa quá nhiều bilirubin.
2. Bị sỏi mật có nguy hiểm không?
Khi sỏi mật không gây ra triệu chứng, không gây đau đớn thì hầu như sẽ không nguy hiểm với người bệnh. Tuy nhiên, không ít các trường hợp sỏi mật phát triển gây tắc và cản trở quá trình lưu thông dịch mật sẽ dẫn đến những triệu chứng mà điển hình nhất là những cơn đau quặn mật và các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa.
Tình trạng này kéo dài còn có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh cùng nguy cơ cao xảy ra các biến chứng nguy hiểm sau đây:
2.1. Viêm túi mật cấp và mạn tính
Viêm túi mật cấp là biến chứng phổ biến nhất ở người bệnh bị sỏi mật. Nguyên nhân của tình trạng này là do sỏi mật di chuyển và lọt vào ống túi mật, gây ứ tắc dịch mật trong túi mật dẫn tới nhiễm trùng và viêm túi mật cấp.
Những triệu chứng điển hình của viêm túi mật cấp:
– Đau dữ dội ở vùng bụng trên bên phải, cơn đau có thể kéo dài tới vài tiếng đồng hồ.
– Sốt từ 38 độ C và ớn lạnh
– Tim đập nhanh
– Chán ăn, buồn nôn, nôn
– Vàng da (Ước tính cứ 7 người thì 1 người bị vàng da)
Viêm túi mật cấp là một dạng cấp cứu khá nghiêm trọng cần được xử lý nhanh chóng để tránh những rủi ro nghiêm trọng. Viêm túi mật cấp tái phát nhiều lần sẽ khiến thành túi mật dày lên và mất dần khả năng cô đặc và lưu trữ dịch mật. Đây là tình trạng viêm túi mật mạn tính.
2.2. Bị sỏi mật có thể dẫn tới nhiễm trùng đường mật
Sỏi làm tắc nghẽn ống dẫn mật sẽ dễ gây ra nhiễm trùng và viêm đường mật cấp. Trường hợp không xử lý kịp thời và dứt điểm biến chứng này, tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan nhanh chóng và đe dọa tới tính mạng người bệnh.
Các triệu chứng nhận biết viêm đường mật cấp:
– Đau ở vùng bụng trên bên phải, cơn đau có thể lan ra sau vai.
– Sốt cao, ớn lạnh
– Vàng da
– Ngứa da
– Mệt mỏi
Trường hợp viêm đường mật sẽ được ưu tiên điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh trước. Sau khi sức khỏe người bệnh ổn định, tùy vào tình trạng cụ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp xử lý lấy sỏi bằng các biện pháp phù hợp.
2.3. Viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là biến chứng xảy ra khi sỏi túi mật di chuyển và lọt vào ngã ba mật tụy gây ứ tắc dịch tụy.
Triệu chứng phổ biến thường gặp ở viêm tụy cấp:
– Đau bụng dữ dội, cơn đau kéo dài liên tục.
– Cơn đau có thể lan từ bụng ra sau lưng và thường trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn.
– Mệt mỏi
– Tiêu chảy
– Ăn không ngon miệng
– Nôn ói
– Sốt cao trên 38 độ C
– Co cứng vùng bụng trên rốn,…
Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu với viêm tụy cấp. Việc điều trị chủ yếu là tập trung hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho đến khi tụy hết viêm, sau đó sẽ tiến hành xử lý lấy sỏi (thường bằng phương pháp nội soi).
2.4. Bị sỏi mật có thể gây tắc ruột
Tắc ruột là loại biến chứng do sỏi mật gây ra khá hiếm gặp nhưng có mức độ nguy hiểm rất cao. Đây là một dạng cấp cứu cần được xử lý ngay lập tức, nếu không sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Dấu hiệu nhận biết tắc ruột thường bắt đầu từ những cơn đau bụng đột ngột dữ dội trong vòng 2 – 3 phút và lặp lại nhiều lần. Bên cạnh đó là cảm giác buồn nôn, nôn, bí trung tiện, bụng căng, gõ vang,… Khi bắt gặp 1 trong các dấu hiệu này, tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời.
2.5. Ung thư túi mật
Ung thư túi mật là loại biến chứng hiếm gặp hơn cả nhưng lại vô cùng nghiêm trọng. Ước tính cứ 5 người ung thư túi mật thì có đến 4 người mắc hoặc đã từng mắc sỏi túi mật.
Trường hợp ung thư túi mật thường có nguy cơ cao từ những viên sỏi túi mật kích thước lớn (thường là lớn hơn 25mm), hoặc các trường hợp có đồng thời cả sỏi mật và polyp túi mật.
3. Bị sỏi mật có phải cắt túi mật không?
Không phải trường hợp có sỏi túi mật nào cũng cần phải thực hiện cắt túi mật. Các trường hợp sỏi túi mật không triệu chứng, thậm chí sỏi phát triển lớn tới 1-2cm vẫn chưa cần can thiệp điều trị. Nhưng với sỏi túi mật nguy cơ biến chứng cao thì yêu cầu cắt túi mật chắc chắn sẽ cần phải thực hiện để tránh nguy hiểm tới người bệnh.
Trên hết, người bệnh cần thực hiện thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để đánh giá chính xác tình trạng sỏi mật. Từ đó mới có thể kết luận rằng có cần thực hiện phẫu thuật hay không?
Thông thường, các trường hợp bị sỏi túi mật cần thực hiện cắt túi mật bao gồm:
– Sỏi túi mật kích thước lớn (> 25mm) gây ra tắc nghẽn dịch mật.
– Trường hợp túi mật có quá nhiều sỏi (thể tích sỏi chiếm hơn ⅔ thể tích của túi mật).
– Sỏi túi mật kèm triệu chứng là những cơn đau quặn mật kéo dài, triệu chứng rối loạn tiêu hóa cùng nguy cơ biến chứng cao.
– Sỏi túi mật đồng thời kèm theo polyp túi mật kích thước lớn hơn 10mm.
Với những thông tin phân tích nêu trên, người bệnh bị sỏi mật đã phần nào hiểu đúng và rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như chủ động cảnh giác với các biến chứng có thể xảy ra. Trên hết, người bệnh sỏi mật cần thực hiện thăm khám định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh để kiểm soát tình trạng bệnh một cách tốt nhất.