“Bị rối loạn nội tiết tố nữ phải làm sao?” có lẽ là thắc mắc của rất nhiều chị em phụ nữ nhất là trong giai đoạn dậy thì hoặc tiền mãn kinh. Thực tế việc cân bằng lai nội tiết tố khá đơn giản, đôi khi chỉ từ việc thay đổi một số thói quen sinh hoạt thường ngày.
Menu xem nhanh:
1. Rối loạn nội tiết tố nữ là gì?
Để cơ thể người phụ nữ hoạt động khỏe mạnh thì nội tiết tố (hormone) đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ của hormone là phát tín hiệu hoạt động để điều hòa nhịp tim, thân nhiệt, chu kỳ của giấc ngủ, sự phát triển của cơ thể, mức độ căng thẳng, cảm giác thèm ăn và chu trình chuyển hóa, chức năng tình dục và chu kỳ sinh sản. Khi hormone này ít hơn hoặc nhiều hơn mức bình thường sẽ gây rối loạn nội tiết tố nữ.
2. Nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố nữ
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố nữ, nguyên nhân thường gặp nhất có thể kể đến như:
2.1 Thói quen ăn uống không lành mạnh
Nội tiết tố nẽ estrogen tăng lên bất bình thường có thể do chị em ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, ăn quá nhiều đồ ngọt. Bên cạnh đó, những phụ nữ ăn kiêng quá mức, không hợp lý và khoa học, nạp không đủ các loại dinh dưỡng cho cơ thể cũng có thể dẫn đến suy giảm hormone.
2.2 Bị căng thẳng kéo dài
Tinh thần không thoải mái, căng thẳng kéo dài, tâm lý không ổn định được xếp vào một trong số những nguyên nhân khiến cho nội tiết tố bị rối loạn , thậm chí còn gây nên bệnh lý nghiêm trọng hơn như rối loạn buồng trứng, tuyến yên hay trục não bộ.
2.3 Quá lạm dụng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai hoạt động với cơ chế đưa một lượng hormone nhất định vào ngăn chặn quá trình rụng trứng và việc thụ thai diễn ra. Việc biến đổi hormone này sẽ có tác dụng phụ làm rối loạn nội tiết tố nữ.
2.4 Tác hại của mỹ phẩm và thực phẩm chức năng
Theo các chuyên gia, trong một số mỹ phẩm có chứa các chất độc hại như phthalates, parabens, hoá chất có đuôi anime, có đuôi phenol,…hay một số thực phẩm chức năng chưa được kiểm định không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ gây nên hiện tượng rối loạn nội tiết ở phụ nữ.
3. Biểu hiện của rối loạn nội tiết tố nữ
3.1 Xuất hiện mụn trên da
Nổi mụn là một trong những biểu hiện rõ ràng của tình trạng rối loạn nội tiết, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì.
3.2 Xuất hiện tình trạng đau đầu
Nếu không tính việc bị căng thẳng hay mệt mỏi thì tình trạng đau đầu thường gặp ở chị em chủ yếu là do lượng estrogen trong cơ thể quá thấp. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì đó là biểu hiện của việc hệ thống nội tiết bị rối loạn.
3.3 Mất ngủ thường xuyên
Khi bạn mất ngủ thì chứng tỏ cơ thể bạn đang có nồng độ progesterone rất thấp vì hormone này có nhiệm vụ khiến bạn cảm thấy thoải mái, bình tĩnh và duy trì giấc ngủ ổn định.
3.4 Cơ thể tiết ra mồ hôi nhiều hơn
Dấu hiệu này thường gặp nhiều ở phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh. Việc tiết ra mồ hôi nhiều hơn bình thường chính là phản ứng của cơ thể thể hiện việc hormone kiểm soát nhiệt độ đang mất cân bằng.
3.5 Cảm thấy mệt mỏi
Nếu việc mệt mỏi diễn ra hàng ngày và bạn luôn trong trạng thái thiếu sức sống, không muốn làm gì thì đây chính là dấu hiệu của việc mất cân bằng nội tiết tố và chị em không nên chủ quan bỏ qua dấu hiệu này.
3.6 Hệ tiêu hoá có vấn đề
Khi gặp căng thẳng trong thời gian dài sẽ khiến cho dạ dày trở nên khó chịu, đây là một trong số những biểu hiện của rối loạn nội tiết tố nữ. Bên cạnh đó, khi nồng độ estrogen tăng cao sẽ khiến cho vi sinh vật trong ruột cũng bị ảnh hưởng, kéo theo các vấn đề về hệ tiêu hoá.
3.7 Cân nặng có sự thay đổi
Việc rối loạn nội tiết sẽ khiến cho người phụ nữ rất dễ tăng cân, dù đang trong giai đoạn ăn kiêng. Tình trạng này xảy ra là do thiếu hụt hoặc dư thừa một số hormone làm cho cơ thể tích trữ mỡ cũng như khiến các khối cơ bị phá vỡ.
3.8 Khả năng tập trung kém
Đa phần những phụ nữ gặp tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ đều chia sẻ triệu chứng chung họ gặp phải đó là luôn trong trong trạng thái quên quên nhớ nhớ, không thể tập trung để làm gì. Hiện tượng này xảy ra chính là do lượng estrogen cũng như cortisol ở mức thấp.
4. Khi bị rối loạn nội tiết tố nữ cần làm gì?
Rối loạn nội tiết tố nữ có thể được cải thiện hiệu quả bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, có chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
4.1 Tránh căng thẳng kéo dài, ngủ đủ giấc
Giấc ngủ có vai trò vô cùng đặc biệt đối với vai trò điều hòa nội tiết tố. Chính vì vậy nếu cơ thể thiếu ngủ, nghỉ ngơi không đủ, thường xuyên căng thẳng sẽ khiến cho các hormone estrogen, prolactin, catecholamine, hormone tăng trưởng thay đổi bất bình thường. Trung bình mỗi người nên ngủ đủ 8 tiếng/ngày và hãy thiết lập thói quen ngủ trước 10 giờ đêm cho bản thân.
4.2 Không quên tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục không chỉ giúp cân bằng nội tiết tố mà còn tăng cường được sức khỏe tổng thể. Theo các bác sĩ, việc tập luyện này sẽ giúp tăng lượng testosterone, endorphins, hormone tăng trưởng. Cơ thể sẽ tự điều tiết sản xuất và sử dụng những hormone này một cách hiệu quả.
4.3 Cân bằng lượng Omega 3 và Omega 6 trong cơ thể
Theo một báo cáo từ nghiên cứu của đại học bang Pennsylvania, nếu lượng Omega 6/3 chênh lệch từ 10:1 – 20:1 thì hiện tượng rối loạn nội tiết tố sẽ xảy ra.
Tỷ lệ lý tưởng nhất cho 2 loại Omega này là 4:1 đến 2:1 (Omega 6 : Omega 3). Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cách tốt nhất để đảm bảo nạp đủ lượng Omega cần thiết cũng như có được tỷ lệ đẹp đó là tiêu thụ 2 phần cá 1 tuần, bổ sung thêm các loại hạt có dầu (hạt bí đỏ, hạt mè, hạt hướng dương, hạt chia…), trứng và thịt những loài động vật ăn cỏ.
Một cách khác đó là hạn chế sử dụng dầu thực vật tinh luyện (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu vừng….), hạn chế ăn các thực phẩm đã chế biến sẵn bày bán trong siêu thị như nước trộn salad, thực phẩm đông lạnh, đồ sấy, thịt đóng gói, mayonnaise.
4.4 Hạn chế dùng thuốc tránh thai
Như đã nói ở trên, việc lạm dụng thuốc tránh thai, nhất là thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ gây ra rất nhiều hậu quả có mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người phụ nữ như xuất huyết âm đạo bất thường, tăng cân không kiểm soát, huyết áp tăng, mất cân bằng nội tiết tố, nguy cơ ung thư vú tăng cao, tử cung chảy máu….
4.5 Thiết lập cho bản thân chế độ ăn uống lành mạnh.
Những thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch đảm bảo an toàn sẽ giúp cho nội tiết trong cơ thể được cân bằng. Ngoài ra, hãy cố gắng nấu những bữa cơm gia đình để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh sử dụng đồ chế biến sẵn, ăn uống ở hàng quán bên ngoài.
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp câu hỏi: “Bị rối loạn nội tiết tố nữ phải làm sao?”. Nếu thấy bản thân có những biểu hiện của rối loạn nội tiết, chị em hãy cố gắng thay đổi những thói quen hàng ngày để cải thiện tình trạng này. Bên cạnh đó, đừng quên đi khám phụ khoa 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các bệnh lý và điều trị sớm nhé.