Bệnh viêm phúc mạc là tình trạng viêm lớp mô mỏng bao phủ mặt trong bụng và hầu hết các cơ quan ở bụng. Nguyên nhân thường do nhiễm trùng xuất phát từ vi khuẩn, nấm hoặc một số nguyên nhân khác. Hầu hết các bệnh nhân đều cần được điều trị khẩn cấp. Tình trạng viêm có thể lây lan nhanh chóng trong ổ bụng và đe dọa tính mạng.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan
1.1 Phúc mạc ổ bụng và chức năng
- Phúc mạc ổ bụng có 2 lá. Các cơ quan trong ổ bụng, chẳng hạn như dạ dày và gan, được bao bọc bởi một lớp màng mỏng. Lớp màng đó gọi là lá phúc mạc tạng. Vùng thành bụng được lót bởi một lớp màng khác gọi là lá phúc mạc thành. Có một lớp chất béo (mỡ) bảo vệ, nằm giữa các cơ quan và thành bụng. Lớp này cho phép các lớp màng trượt trơn tru trên nhau.
- Chức năng chính của phúc mạc là bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng, đồng thời giữ các tạng trở nên vững chắc hơn.
1.2 Bệnh viêm phúc mạc là gì?
Viêm phúc mạc là tình trạng các lá phúc mạc bị nhiễm trùng khu trú tại một vùng hoặc toàn bộ phúc mạc. Tình trạng viêm thường là kết quả của nhiễm trùng vi khuẩn hoặc nấm hoặc hóa chất. Nhiễm trùng có thể lây lan và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
1.3 Phân loại và nguyên nhân
Có hai loại viêm phúc mạc.
Viêm phúc mạc nguyên phát (SBP)
- SBP là kết quả của tình trạng nhiễm trùng dịch ổ bụng trong khoang phúc mạc. Và không có nguồn gốc can thiệp phẫu thuật hoặc ổ nhiễm trùng khác trước đó. Bệnh thường tiến triển âm thầm, mạn tính.
- SBP có thể xảy ra ở những bệnh nhân bị bệnh gan nặng, bệnh tim hoặc bệnh thận. Thông thường những bệnh này gây ra sự tích tụ chất lỏng (dịch) trong khoang bụng. Đây được gọi là tình trạng cổ trướng. Sự hiện diện của cổ trướng, cùng với khả năng đề kháng thấp của người bệnh thường dẫn đến nhiễm trùng.
- Ba nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao mắc viêm phúc mạc nguyên phát bao gồm:
(1) bệnh nhân xơ gan xuất huyết tiêu hóa cấp tính
(2) bệnh nhân có hàm lượng protein toàn phần thấp (<1 g / dL) trong dịch cổ chướng
(3) bệnh nhân có tiền sử viêm phúc mạc trước đó (điều trị dự phòng thứ phát).
- Những người đang thẩm phân phúc mạc cũng có nguy cơ bị viêm phúc mạc.
Viêm phúc mạc thứ phát
Nguyên nhân chính của bệnh viêm phúc mạc thứ phát là do ổ nhiễm trùng từ cơ quan ổ bụng lây lan bao gồm:
Nguyên nhân từ đường tiêu hóa
- Loét – một vết loét nặng, không được điều trị đôi khi có thể gây thủng thành dạ dày hoặc tá tràng. Lỗ thủng làm cho dịch tiêu hóa và thức ăn rò rỉ vào khoang bụng.
- Thủng ruột – ruột có thể bị tổn thương và thủng. Lỗ thủng làm cho dịch tiêu hóa và thức ăn rò rỉ vào khoang bụng. Nguyên nhân bao gồm: viêm túi thừa và các bệnh viêm nhiễm như bệnh Crohn.
- Viêm ruột thừa. Thức ăn hoặc phân đôi khi có thể đọng lại bên trong ruột thừa và làm ruột thừa nhiễm vi khuẩn.
- Thủng túi mật. Nhiễm trùng nặng (viêm túi mật) có thể làm vỡ túi mật.
- Viêm tụy – tuyến tụy bị viêm có thể trực tiếp gây viêm trong ổ bụng. Hai nguyên nhân chính gây ra viêm tụy là nghiện rượu và sỏi mật.
Các nguyên nhân khác
- Chửa ngoài tử cung (trứng đã thụ tinh nằm lại và phát triển bên ngoài tử cung: Các vị trí có thể gồm: ống dẫn trứng, buồng trứng, ổ bụng … Ống dẫn trứng bị vỡ chiếm khoảng 1/5 trường hợp.
- Salpingitis – viêm ống dẫn trứng: Ống bị căng phồng tăng áp lực kèm theo dịch viêm cho đến khi vỡ ra.
- Phẫu thuật ổ bụng: Nhiễm trùng là một biến chứng của bất kỳ loại phẫu thuật lớn nào.
- Nhiễm trùng máu
- Lọc máu: Vi khuẩn trên thiết bị lọc màng bụng có thể xâm nhập vào khoang bụng gây viêm phúc mạc.
- Vết thương do dao đâm: vi khuẩn từ dao hoặc vật sắc nhọn khác xâm nhập vào khoang bụng.
- Mở thông dạ dày – ruột cũng là một nguyên nhân gây bệnh.
2. Một số thuật ngữ mô tả bệnh viêm phúc mạc
- Viêm phúc mạc do vi khuẩn: bất kỳ loại viêm phúc mạc nào kể cả viêm phúc mạc tự phát do vi khuẩn gây ra.
- Viêm phúc mạc ruột thừa: viêm phúc mạc do rò rỉ các chất trong ruột từ ruột thừa.
- Viêm phúc mạc cấp: các triệu chứng viêm phúc mạc khởi phát nhanh ban đầu.
- Viêm phúc mạc do phân su: phân của thai nhi thoát ra từ ruột của thai nhi trước khi sinh do bị vỡ và dẫn đến viêm phúc mạc vô trùng.
- Viêm phúc mạc mật: rò rỉ dịch mật vào phúc mạc.
- Viêm phúc mạc nhiễm trùng: nhiễm trùng máu gây viêm phúc mạc
- Viêm phúc mạc xơ cứng: viêm các bề mặt nội tạng và ổ bụng của ổ bụng được đặc trưng bởi sự dày lên của lớp xơ của phúc mạc.
- Viêm phúc mạc vùng chậu: tình trạng viêm liên quan đến phúc mạc bao quanh tử cung và ống dẫn trứng.
- Viêm phúc mạc do lao: viêm phúc mạc do vi khuẩn Mycobacterium.
- Viêm phúc mạc cổ trướng : nhiễm trùng dịch cổ trướng gây viêm phúc mạc.
3.Triệu chứng
Các triệu chứng của viêm phúc mạc sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản khiến bạn bị nhiễm trùng.
3.1 Triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phúc mạc
Các triệu chứng phổ biến của viêm phúc mạc bao gồm:
- Đau bụng: Đau bụng dữ dội hơn khi cử động hoặc chạm vào, thường được mô tả là có phản ứng thành bụng.
- Bụng đầy hơi hoặc trướng.
- Buồn nôn và nôn.
- Tiêu chảy hoặc táo bón hoặc không đánh hơi được (bí trung tiện).
- Mệt mỏi, chán ăn.
- Có thể có sốt và ớn lạnh, rét run.
3.2 Triệu chứng nguy hiểm của bệnh viêm phúc mạc
Nếu có những triệu chứng dưới đây có thể người bệnh đã đến giai đoạn nguy hiểm:
- Tiểu ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường), thiểu niệu là nhỏ hơn 400ml/24 giờ. Hoặc có cảm giác khát nước.
- Bụng cứng như khúc gỗ.
- Nếu bệnh nhân đang thẩm phân phúc mạc, dịch thẩm tách có thể có màu đục hoặc có các đốm trắng hoặc vón cục trong đó. Bệnh nhân cũng có thể thấy đỏ hoặc cảm thấy đau vùng xung quanh ống thông của mình.
- Các dấu hiệu của sốc – bao gồm huyết áp thấp, mạch nhanh, da – niêm mạc nhợt. Có thể có chân tay lạnh, ẩm.
Các triệu chứng của viêm phúc mạc nguyên phát thường ít kịch tính hơn so với viêm phúc mạc thứ phát. Bệnh nhân có thể có triệu chứng khi biểu hiện SBP, nhưng các triệu chứng này thường có thể rất mờ nhạt. Các dấu hiệu thường gặp nhất là sốt, đau bụng và tình trạng tâm thần bị thay đổi. Tuy nhiên, khoảng 13% những bệnh nhân này sẽ không có triệu chứng hoặc dấu hiệu nhiễm trùng.
4. Chẩn đoán
Vì viêm phúc mạc có thể đe dọa tính mạng nên việc chẩn đoán sớm là rất quan trọng.
- Bác sĩ cần khám tổng quát tình trạng toàn thân. Họ cũng có thể hỏi chi tiết bệnh sử về lọc máu, cổ trướng và chấn thương vùng bụng. Bệnh nhân có thể hơi khó chịu trong khi bác sĩ khám bụng. Cụ thể đau nhiều hơn khi bác sĩ chạm vào bụng.
- Các xét nghiệm có thể được chỉ định bao gồm công thức máu, cấy máu. Số lượng bạch cầu cao trong công thức máu thường báo hiệu tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng. Cấy máu có thể giúp xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng hoặc viêm.
- Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc chụp CT vùng bụng / khung chậu. Hình ảnh có thể cho thấy dấu hiệu thủng tạng trong ổ bụng.
- Một số bệnh nhân làm thẩm phân phúc mạc sẽ được yêu cầu lấy mẫu dịch thẩm phân để có thể kiểm tra. Nuôi cấy dịch cũng có thể giúp xác định vi khuẩn.
- Ở một số bệnh nhân bị áp xe, xét nghiệm dịch áp xe cần được thực hiện.
5. Điều trị bệnh viêm phúc mạc
Việc điều trị viêm phúc mạc phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Tùy theo các trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.
- Điều trị thường bao gồm thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng và thuốc giảm đau. Việc điều trị kháng sinh cần tùy từng người bệnh và kháng sinh đồ.
- Trong một số trường hợp bệnh nhân cũng có khả năng cần được chăm sóc hỗ trợ như tránh mất nước, tránh nhiễm trùng phổi thứ phát sau viêm phúc mạc và có thể hỗ trợ hệ thống thận (đặc biệt ở bệnh nhân đang lọc máu).
- Giảm phản ứng viêm cũng có thể là một phần của điều trị hỗ trợ.
- Một số bệnh nhân có thể cần được dẫn lưu áp xe qua da để tăng cường liệu pháp kháng khuẩn.
- Nếu có áp xe hoặc viêm ruột thừa, có thể cần phẫu thuật để loại bỏ các ổ nhiễm trùng.
Việc điều trị phải kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng và có thể gây tử vong.
Khoảng 13% bệnh nhân viêm phúc mạc tiên phát sẽ không có triệu chứng hoặc dấu hiệu nhiễm trùng. Do vậy, nếu có các dấu hiệu: sốt, đau bụng và/hoặc thay đổi trạng thái tâm thần ở bệnh nhân xơ gan và cổ trướng, cần đặt ra nghi ngờ về viêm phúc mạc. Có thể bắt đầu dùng kháng sinh theo kinh nghiệm.
6. Các biến chứng của viêm phúc mạc là gì?
Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu, gây sốc và tổn thương các cơ quan khác của bạn. Điều này có thể gây tử vong. Các biến chứng tiềm ẩn của viêm phúc mạc tự phát bao gồm:
- Áp xe trong ổ bụng.
- Dính phúc mạc: xuất hiện những dải xơ liên kết với các cơ quan trong ổ bụng và có thể gây tắc ruột.
- Mất nước và rối loạn điện giải.
- Nhiễm trùng huyết: là một phản ứng nghiêm trọng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu.
- Bệnh não gan – HE: là tình trạng mất chức năng não xảy ra khi suy gan. Tức là khi gan không thể loại bỏ các chất độc hại ra khỏi máu của bạn. HE bao gồm một loạt các biểu hiện thần kinh và tâm thần thoáng qua và có hồi phục. Bệnh thường thấy ở bệnh nhân có bệnh gan mãn tính. Khoảng 50% đến 70% bệnh nhân xơ gan mắc HE.
- Hội chứng gan thận (bệnh gan dẫn đến suy thận nặng lên).
- Suy đa cơ quan.
- Sốc và nặng nhất là tử vong.
7. Tiên lượng cho một người bị viêm phúc mạc là gì?
Tiên lượng cho bệnh nhân bị viêm phúc mạc phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và thời điểm bắt đầu điều trị bệnh. Tiên lượng có thể từ tốt đến xấu. Ví dụ, bệnh nhân được điều trị thích hợp bằng thuốc kháng sinh và bệnh nhân viêm phúc mạc do viêm ruột thừa được phẫu thuật kịp thời thường có kết quả tốt. Tuy nhiên, những người mắc bệnh nền lâu năm như suy gan, suy thận bị viêm phúc mạc thường có tiên lượng xấu.
Kết luận
Viêm phúc mạc là một tình trạng nguy hiểm cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi có các dấu hiệu như: đau bụng dữ dội, bụng cứng, nôn, sốt, …. người bệnh không nên chủ quan và đi khám sớm, đặc biệt là các bệnh nhân có tiền sử xơ gan, cổ trướng.