Bệnh viêm gan B có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Chính vì vậy, chủ động nhận biết dấu hiệu viêm gan B là điều cần thiết mà bản thân mỗi người cần nắm rõ. Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây để nhận biết dấu hiệu viêm gan B cũng như cách phòng ngừa nhé.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm gan B là gì?
Viêm gan B là tình trạng nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Nếu bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ trở thành mãn tính, dễ gây nhiễm trùng gan, nguy hiểm hơn là ung thư gan.
2. Phân loại viêm gan B
2.1. Bệnh viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính là tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn do virus viêm gan B (HBV), kéo dài trong vòng 6 tháng tính từ lúc người bệnh tiếp xúc với HBV. Thông thường, những trường hợp nhiễm viêm gan B cấp tính thường không có triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nghiêm trọng cần nhập viện để điều trị.
Nhiều người mắc viêm gan B cấp tính ở độ tuổi trưởng thành, có thể tự loại bỏ virus ra khỏi cơ thể bằng hệ miễn dịch và khỏi hoàn toàn sau vài tháng mà không gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch không thể tiêu diệt virus, viêm gan B cấp tính sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn tính.
2.2. Bệnh viêm gan B mạn tính
Những người bị dương tính với HBV hơn 6 tháng kể từ lần xét nghiệm máu đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B mạn tính. Điều này là dấu hiệu cho biết hệ miễn dịch của người bệnh không thể loại bỏ virus viêm gan B và virus vẫn tiếp tục tồn trong cơ thể một thời gian dài và có thể tồn tại trong máu suốt đời người bệnh.
Viêm gan B mạn tính có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng, bao gồm xơ gan và ung thư gan. Tuy không phải ai mắc bệnh viêm gan B mạn tính đều gặp biến chứng nghiêm trọng, nhưng họ có nguy cơ cao hơn so với những người bình thường.
3. Phân loại triệu chứng của bệnh viêm gan B
3.1. Triệu chứng viêm gan B cấp tính là gì?
Hầu hết trẻ em có độ tuổi dưới 5 tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch khi mắc viêm gan B cấp tính đều không có biểu hiện rõ ràng. Những trường hợp còn lại, bao gồm trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người trưởng thành thì có khoảng 30 – 50% sẽ có các dấu hiệu ban đầu, bao gồm:
– Sốt
– Mệt mỏi
– Chán ăn
– Buồn nôn và nôn
– Đau bụng
– Tiểu đậm màu
– Phân nhạt màu
– Đau khớp
– Vàng da
Các triệu chứng xuất hiện khoảng 60 – 150 ngày sau khi tiếp xúc với virus và kéo dài từ vài tuần đến 6 tháng. Các triệu chứng sẽ nặng hơn ở những người bệnh trên 60 tuổi.
3.2. Triệu chứng viêm gan B mãn tính là gì?
Đa phần những người bị viêm gan B mãn tính không có bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Nếu có thì triệu chứng sẽ tương tự như các triệu chứng của viêm gan cấp tính.
Trường hợp người bệnh mắc viêm gan B trong một khoảng thời gian dài mới xuất hiện triệu chứng thì rất dễ đó là triệu chứng của các biến chứng nguy hiểm như xơ gan hoặc ung thư gan.
4. Nguyên nhân do đâu gây bệnh viêm gan B
Viêm gan B nguyên nhân do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Loại virus này có hình cầu, vỏ bao quanh chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg.
5. Viêm gan B lây qua đường nào?
Virus viêm gan B có thể lây truyền qua các đường như đường máu, tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể khác. Điều này có thể xảy ra thông qua việc quan hệ tình dục; sử dụng chung kim tiêm; tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chất dịch trong cơ thể từ người nhiễm bệnh; truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc khi sinh hoặc sử dụng thiết bị y tế chưa được khử trùng, ví dụ như châm cứu, xăm hình hoặc xỏ lỗ tai…
6. Biến chứng viêm gan siêu vi B
Người mắc viêm gan siêu vi B mạn tính có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:
– Gây sẹo gan lan rộng, gọi là xơ gan,làm suy giảm khả năng hoạt động của gan.
– Những người mắc viêm gan B mạn tính có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn.
– Khi gan bị suy yếu, buộc phải thực hiện ghép gan để duy trì sự sống cho người bệnh.
– Những trường hợp bị viêm gan B mạn tính và hệ thống miễn dịch suy yếu dễ tái phát virus viêm gan B ngay cả khi đã điều trị. Khi tái phát, bệnh gây tổn thương gan nghiêm trọng hoặc gây suy gan.
– Những người bị viêm gan B mạn tính cũng có thể mắc các vấn đề về sức khỏe như viêm thận hoặc viêm mạch máu.
7. Cách phòng ngừa viêm gan B
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả, tiết kiệm và đơn giản nhất hiện nay là tiêm phòng vắc xin phòng viêm gan B theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Vắc xin viêm gan B được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ khuyến nghị sử dụng cho tất cả các trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó cũng khuyến nghị rằng người lớn thuộc các nhóm có nguy cơ cao nên tiêm phòng.
Ngoài ra, dựa vào những con đường truyền nhiễm của viêm gan siêu vi B, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo về các biện pháp phòng ngừa kết hợp thực hiện song song với việc tiêm chủng ngừa bệnh như sau:
– Đảm bảo việc quan hệ tình dục luôn an toàn;
– Đảm bảo an toàn tuyệt đối khi tiếp xúc với kim (xăm, xỏ khuyên, châm cứu,…);
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch trong cơ thể của những người khác;
– Tránh sử dụng chung các vật sắc nhọn gây chảy máu như dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng,…
Tóm lại, viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực để ngăn ngừa các biến chứng. Hãy chủ động thăm khám để kiểm tra gan mật định kỳ nhằm sàng lọc sớm và hiệu quả các bất thường có thể xảy ra.