Thông thường u hạt hốc mắt là những loại u lành tính không gây nguy hiểm. Nhưng vẫn có một số trường hợp là u ác tính. Chính vì vậy khá nhiều người cảm thấy băn khoăn liệu u hốc mắt liệu có nguy hiểm hay không. Thực tế, nếu không được điều trị đúng cách thì các u này có thể làm tổn thương đến các mạch máu và các dây thần kinh xung quanh vùng mắt khiến cho thị lực bị suy giảm hoặc các biến chứng khác, thậm chí nhiều trường hợp có thể bị mất thị lực nghiêm trọng dẫn đến mù lòa.
Menu xem nhanh:
1.Những thông tin cơ bản về bệnh u hốc mắt
1.1. Bệnh u hạt hốc mắt là gì?
Hốc mắt là vùng xương thụt vào trên vùng xương sọ, do xương sọ và các xương vùng mặt tạo thành. Vùng hốc mắt là cấu trúc khoảng trống xương hình nón với phần đáy bên ngoài còn đỉnh chóp hướng vào bên trong xương sọ mặt. Những tổ chức mềm nằm trong hốc mắt không tiếp xúc với xương mà được bao bọc bởi lớp mô mềm.
Tại vùng hốc mắt có thể xuất hiện những khối u, trong đó u máu thể hang là dạng u lành tính thường xuất hiện nhiều nhất và hay gặp ở những người trẻ tuổi hoặc trung niên. Ngoài ra cũng có thể xuất hiên những u lành tính khác hoặc u ác tính ở vùng hốc mắt này. Đối tượng là trẻ nhỏ cũng có thể xuất hiện những u hốc mắt nhưng đa phần là lành tính. Tuy nhiên, phụ huynh khi phát hiện con em mình có những u ở hốc mắt thì cũng không nên chủ quan mà vẫn cần đưa con đi khám ngay để được điều trị kịp thời, bảo vệ cho đôi mắt của trẻ.
Thông thường có những loại u hốc mắt như sau:
– Hay gặp ở trẻ nhỏ: u mô bào dạng sợi, u cơ vân, u nguyên bào võng mạc.
– Thường thấy ở người lớn như: u thần kinh đệm, u xương, u máu và bạch huyết, u sợi thần kinh, u màng não, u sarcoma được phát triển từ u cơ hoặc mỡ.
Ngoài ra người ta còn chia u hốc mắt thành hai loại là u nguyên phát và u thứ phát. Trong đó u nguyên phát chiếm đến 70% trường hợp u hốc mắt. U hạt nguyên phát hốc mắt là loại u xuất hiện đầu tiên tại vùng hốc mắt trong các tổ chức mô mềm. 30% còn lại là u hốc mắt thứ phát, xuất hiện tại hốc mắt vì bị di căn từ các cơ quan lân cận sang.
1.2. Những dấu hiệu của căn bệnh u hạt hốc mắt
Khi có những dấu hiệu bất thường sau đây, cần cẩn thận vì có thể bạn đang mắc u hốc mắt:
– Mắt bị lồi là dấu hiệu khá đặc trưng của căn bệnh u hốc mắt. Bác sĩ có thể xác định được vị trí cũng như hướng phát triển của khối u dựa vào hướng bị lồi của mắt. Giả sử nhãn cầu bị đẩy xuống và hướng vào trong thì khả năng cao là bị u ở tuyến lệ. Nếu nhãn cầu bị dồn ra phía trước theo chiều dọc hốc mắt thì có thể người bệnh bị u thần kinh thị giác. Trường hợp u lành tính thì tình trạng lồi mắt sẽ xuất hiện từ từ chậm chạp, còn trường hợp u ác tính khối u sẽ phát triển khá nhanh làm cho mắt bị lồi nhanh.
– Bệnh nhân cảm thấy đau ở vùng mắt. Khối u ác tính thường bị di căn nhanh làm cho người bệnh có cảm giác đau hơn, đau nhiều. Trong khi khối u lành tính thường chỉ làm cho bệnh nhân cảm thấy căng tức vùng mắt hoặc đau rất nhẹ.
– Bệnh nhận bị nhìn đôi. Tỉ lệ người bệnh bị nhìn đôi khi mắc u hốc mắt chiếm khoảng 25% các trường hợp. Nguyên nhân là do cơ vận nhãn bị khối u làm cho viêm nhiễm và chiếm diện tích nên khó vận động nên trục nhãn cầu sẽ bị lệch sinh ra hình ảnh đôi.
– Thị lực của người mắc bị giảm khá nhiều. Những khối u nguyên phát như u trục cơ vân nhãn hoặc u màng não có kích thước lớn sẽ chèn lên các dây thần kinh thị giác khiến cho thị lực bị suy giảm đi. Nếu bệnh nhân không được điều trị có thể sẽ gây ra mù vĩnh viễn trong trường hợp này.
– Một số triệu chứng khác như: đỏ mắt, viêm nhiễm vùng mắt, sung huyết mắt, mí mắt sưng to và không mở lên được, đồng tử bị giãn do khối u lớn đè nén.
2.Chẩn đoán và điều trị u hạt hốc mắt
2.1. Chẩn đoán bệnh u hốc mắt như thế nào?
Khi khám để chấn đoán bệnh u hốc mắt, các bác sĩ có thể cần làm những loại chẩn đoán hình ảnh như sau:
– Siêu âm hốc mắt: Đây là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng ban đầu đối với đa số các bệnh nhân. Siêu âm có thể đánh giá được u nhãn cầu hoặc u ở hốc mắt có nang, chứa dịch hoặc những mạch máu bị tổn thương.
– Chụp CT scan: phương pháp này rất hữu ích trong việc chẩn đoán những loại u hốc mắt xuất phát từ xương, đồng thời cũng rất hữu ích trong việc đánh giá vùng xương hốc mắt, quanh hốc mắt để nhận định và tiên lượng hướng điều trị cho bệnh nhân.
– Chụp MRI: đây là phương án ưu việt nhất trong chẩn đoán hình ảnh u ở hốc mắt. Kết quả của phương pháp này sẽ cung cấp chi tiết nhất về mối liên hệ giữa khối u và các cấu trúc mạch máu tinh tế trong vùng hốc mắt.
2.2. Phương pháp điều trị u hốc mắt như thế nào?
U hốc mắt liệu có quá nguy hiểm và buộc phải điều trị gấp hay không? Thông thường, những khối u lành tính kích thước nhỏ và không biểu lộ triệu chứng thì cũng không cần can thiệp quá nhiều vì chúng không mang đến nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi và kiểm tra thường xuyên. Trường hợp khối u bắt đầu phát triển hơn và có những biểu hiện lạ thì cần phải được phẫu thuật để loại bỏ.
Trước đây, phương án phẫu thuật dành cho u hốc mắt thường là mổ mở nắp hộp sọ tại vị trí keyhole hoặc vùng trán. Mổ kiểu này buộc phải rạch vết lớn, tổn thương nhiều, mất nhiều thời gian mổ và nguy cơ tai biến khá cao. Hiện nay, y học đã tiến bộ vượt bật và phát minh ra phương pháp mổ qua đường mũi và được áp dụng tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước. Phương pháp mổ qua đường mũi có rất nhiều ưu điểm vượt trội như: thời gian thực hiện nhanh, không gây sẹo xấu, ít đau, chi phí thấp, giảm rủi ro, biến chứng và thời gian phục hồi nhanh.
Những loại u hốc mắt lành tính, sau khi phẫu thuật có thể khỏi dứt điểm hoàn toàn còn những loại u ác tính cần kết hợp những phương pháp điều trị khác như xạ trị, hóa trị nhằm tiêu diệt hết các tế bào ung thư còn sót lại .
Nhìn chung u hốc mắt nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào loại u là lành tính hay ác tính và mức độ xâm lấn, phát triển của khối u như thế nào. Tuy nhiên, nếu chậm trễ trong việc điều trị có thể gây nên những tổn thương nhất định cho mắt và thị lực của người mắc phải. Do đó, để hạn chế những ảnh hưởng của u hốc mắt, mọi người nên sớm điều trị để bảo vệ đôi mắt của mình.
Trên đây là những thông tin về căn bệnh u hạt hốc mắt và cách điều trị. Hy vọng bạn đọc sẽ cảm thấy hữu ích với những thông tin trong bài viết.