Thoái hóa khớp gối không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt vận động thậm chí có thể gây tàn phế. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm bắt được nguyên nhân thoái hóa khớp gối và cách điều trị hiệu quả nhất.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm thoái hóa khớp gối
1. 1 Tìm hiểu về cấu tạo khớp gối
Là 1 trong những khớp lớn và có cấu tạo phức tạp nhất, khớp gối có vai trò quan trọng với các hoạt động của cơ thể. Khớp gối giúp nối xương đùi với xương ống chân, phần gân kết nối xương đầu gối với cơ giúp cử động nhịp nhàng linh hoạt. Cùng với đó vùng khớp còn có các dây chằng giúp tạo sự ổn định: dây chằng chéo trước, sau, dây chằng chéo giữa và dây chằng bên. Vùng khớp gối cũng bao gồm sụn chêm, bao hoạt dịch (chứa chất lỏng) có công dụng giảm xóc và giúp đầu gối cử động trơn tru.
1.2. Thế nào là thoái hóa khớp gối?
Thoái hóa khớp gối và cách điều trị là mối quan tâm của khá nhiều người. Bởi là hiện tượng khá phổ biến đặc biệt là ở người cao tuổi. Đây là tình trạng các lớp đệm bị mài mòn khiến xương cọ xát với nhau dẫn đến tổn thương, sưng, đau, viêm giảm khả năng vận động và nhiều khi hình thành lên các gai xương ở vùng khớp gối.
Thoái hóa khớp gối nếu không có phương pháp điều trị không chỉ gây đau đớn mà còn có thể gây biến chứng như tăng nguy cơ bị chấn thương do dễ bị vấp, ngã. Người bệnh cũng dễ bị mất xương và thậm chí là tàn phế.
2. Thoái hóa khớp gối do nguyên nhân nào?
Tuổi tác: Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa khớp gối tuy nhiên nguyên nhân chính và phổ biến nhất đó là do tuổi tác. Khi tuổi càng cao các khớp bị lão hóa, chức năng của sụn giảm dần và khả năng tự chữa lành của sụn cũng giảm nên khiến khớp bị thoái hóa.
Thừa cân béo phì: Với cân nặng quá khổ sẽ khiến các khớp xương phải chịu áp lực lớn đặc biệt là vùng khớp gối và dễ bị thoái hóa.
Chấn thương: Khi bị chấn thương vùng gối đặc biệt là chấn thương nhiều lần cũng khiến khớp dễ bị thoái hóa hơn.
Các bệnh xương khớp: Một số bệnh xương khớp như viêm khớp dạng thấp cũng làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
3. Triệu chứng thoái hóa khớp nên lưu ý
Ở giai đoạn đầu, bệnh còn nhẹ thường người bệnh ít nhận thấy các triệu chứng rõ ràng, các cơn đau thỉnh thoảng mới xuất hiện và thường không đáng kể, ít ảnh hưởng tới vận động.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các triệu chứng sẽ xuất hiện nhiều và rõ rệt, người bệnh sẽ có các biểu hiện như sau:
– Cảm giác đau khó chịu đặc biệt là sau khi đi bộ, đứng lâu hoặc khi cúi người… Cơn đau sẽ tăng tỉ lệ thuận với mức độ thoái hóa, với những bệnh nhân thoái hóa nặng cơn đau sẽ vô cùng khó chịu ảnh hưởng lớn tới vận động.
– Tình trạng cứng khớp bắt đầu xuất hiện và làm ảnh hưởng đến vận động đặc biệt là vào buổi sáng khi mới thức dậy hoặc khi ngồi trong thời gian dài. Thoái hóa càng nặng thì tình trạng cứng khớp xuất hiện càng nhiều và trầm trọng hơn.
– Sưng khớp: Nếu liên tục cử động trong thời gian dài, khớp xương bị cọ xát, ngoài cảm giác đau đớn người bệnh cũng sẽ nhận thấy các khớp bị sưng, đỏ hơn bình thường.
– Hạn chế vận động: Tình trạng thoái hóa càng nặng người bệnh sẽ càng khó vận động do cảm giác đau tăng, tình trạng cứng khớp xuất hiện nhiều khiến việc đi lại khó khăn.
Để chẩn đoán tình trạng thoái hóa khớp, ngoài việc hỏi thăm các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định 1 số phương pháp cận lâm sàng như chụp X – quang, chụp cộng hưởng từ… để kiểm tra sụn khớp, xác định các gai xương nếu có từ đó xác định chính xác tình trạng bệnh.
4. Thoái hóa khớp gối và cách điều trị hiệu quả
4.1 Cách điều trị thoái hóa khớp gối
Tùy theo tình trạng bệnh cụ thể của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp với mục đích chính là giảm đau và phục hồi vận động. Một số phương pháp thường được áp dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối như sau:
Sử dụng thuốc: Để điều trị bác sĩ có thể kê cho người bệnh 1 số loại thuốc giảm đau kháng viêm. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm corticosteroid hoặc axit hyaluronic vào vùng gối…
Vật lý trị liệu: Cùng với việc sử dụng thuốc, tùy trường hợp có thể bác sĩ sẽ tư vấn kết hợp 1 số bài tập vật lý trị liệu để cải thiện chức năng vận động, tăng sự linh hoạt cho khớp.
Phẫu thuật: Khi tình trạng thoái hóa khớp quá nghiêm trọng và điều trị nội khoa không hiệu quả bác sĩ có thể cân nhắc việc thực hiện phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật có thể sử dụng như nội soi khớp, thay khớp hoặc tạo hình khớp….
4.2 Phòng thoái hóa khớp như thế nào?
Thoái hóa khớp có thể gây ảnh hưởng lớn đến vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống thậm chí có nguy cơ tàn phế. Dưới đây là 1 số lưu ý để phòng thoái hóa khớp:
– Giữ cân nặng hợp lý: Việc thừa cân béo phì sẽ gây áp lực cho xương khớp khiến khớp quá tải và dễ thoái hóa. Do đó bạn nên kiểm soát cân nặng hợp lý để bảo vệ khớp.
– Luyện tập thể dục thể thao đều đặn, phù hợp: Bạn nên duy trì vận động một cách vừa phải hợp lý để tăng độ linh hoạt cho khớp. Tuy nhiên tránh vận động quá sức hoặc mạnh gây tổn thương khớp gối.
– Tránh vận động quá sức: Việc hoạt động quá sức khiến khớp gối bị quá tải và dễ bị tổn thương. Vì vậy nên hạn chế mang vác nặng, vận động quá mức.
– Kịp thời thăm khám điều trị: Khi thấy các dấu hiệu bất thường nên chủ động đi khám sớm để được điều trị. Việc điều trị ở giai đoạn sớm sẽ đơn giản hơn. Điều trị sớm giúp hạn chế bệnh phát triển nặng và tránh được những biến chứng không mong muốn.
5. Kết luận
Trên đây là những thông tin về thoái hóa khớp gối và cách điều trị. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu được về bệnh thoái hóa khớp gối và cách điều trị. Việc điều trị sớm sẽ giúp tránh được bệnh trở nặng và gây biến chứng ảnh hưởng đến vận động. Vì vậy, nếu có vấn đề bất thường, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm nhất.