Bệnh sởi ở trẻ nhỏ có tốc độ lây lan nhanh và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, nhận biết các dấu hiệu sởi ở trẻ từ sớm là điều mà bố mẹ nào cũng cần biết để hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho bé.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây bệnh sởi
Theo thống kê của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, vào năm 2018, Việt Nam ghi nhận gần 1800 ca nhiễm sởi, con số này gấp 8,4 lần so với năm 2017 khi chỉ có 214 ca. Ngoài ra, chỉ tính riêng 3 tuần đầu của tháng 1 năm 2019, đã có tới gần 2500 ca nghi sởi/rubella được ghi nhận tại các địa phương trong cả nước.
Bệnh sởi thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân, khi khí hậu mát mẻ. Sởi là bệnh lý cấp tính, có thể lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người qua dịch tiết đường hô hấp. Bệnh do virus sởi, thuộc họ Paramyxoviridae và chủng Morbillivirus gây ra. Đây là một loại virus có khả năng lây lan và phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong môi trường đông đúc như trường học, bệnh viện, khu dân cư… Môi trường tập trung đông người thường khó kiểm soát sự lây lan nên dễ bùng phát thành dịch.
Trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu là nhóm người có nguy cơ mắc sởi cao nhất. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm phổi, viêm não và có thể gây tử vong… Vì vậy, sởi được xem là một trong những bệnh lý nguy hiểm, cần được phát hiện sớm, điều trị đúng và phòng ngừa hiệu quả.
2. Nhận biết bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Trẻ em là đối tượng dễ mắc sởi nhất và dễ gặp các biến chứng nguy hiểm do bệnh này gây ra. Vì vậy, phụ huynh cần nhận biết sớm các dấu hiệu của sởi ở trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Các chuyên gia cho biết, thời gian ủ bệnh của trẻ thường kéo dài từ 7-21 ngày. Ở giai đoạn khởi phát, cha mẹ có thể nhận biết trẻ mắc bệnh thông qua một số dấu hiệu như sau:
– Sốt cao trên 39°C
– Ho khan
– Sổ mũi
– Phát ban ở mặt, đầu, cổ sau đó lan dần ra khắp toàn thân trẻ.
– Mí mắt sưng nề
– Chảy nước mắt, có gỉ mắt
– Trẻ mệt mỏi, bỏ ăn…
3. Điều trị bệnh sởi ở trẻ
Trẻ nhỏ khi có dấu hiệu mắc bệnh cần được thăm khám và điều trị kịp thời. Nguyên tắc điều trị sởi ở trẻ nhỏ được áp dụng hiện nay chính là:
– Cách ly: Cách ly trẻ mắc bệnh để ngăn ngừa sự lây lan, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
– Điều trị triệu chứng: Hệ miễn dịch ở trẻ có thể loại bỏ virus sởi trong khoảng từ 7-10 ngày. Điều trị bệnh tập trung vào giải quyết các triệu chứng khó chịu mà bệnh gây ra: Cho trẻ uống hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ, bù nước, điện giải, bổ sung vitamin A, vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhỏ mắt… để nhanh chóng đẩy lùi bệnh, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình điều trị.
Phác đồ điều trị bệnh sởi ở trẻ nhỏ như hạ sốt, bù nước… cho trẻ cần có sự chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám kỹ lưỡng. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị sởi cho trẻ bằng thuốc tự mua hoặc điều trị bằng mẹo dân gian vì có thể khiến tình trạng bệnh của trẻ không cải thiện, tiềm ẩn biến chứng nặng nề.
4. Chăm sóc, phòng ngừa
Trong quá trình điều trị, các bậc phụ huynh cần lưu ý tới chế độ chăm sóc trẻ khoa học để nhanh chóng đẩy lùi bệnh, giúp trẻ phục hồi tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ tái nhiễm bệnh.
4.1. Chế độ chăm sóc
Trong khi điều trị, cha mẹ nên hạn chế để trẻ bệnh tiếp xúc với các trẻ khác bằng việc cách ly và chăm sóc, theo dõi trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, cha mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng của trẻ để chủ động thông báo cho bác sĩ và đưa trẻ đi khám kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Khi chăm sóc trẻ đang mắc sởi, cha mẹ cần lưu ý:
– Đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ.
– Cắt móng tay cho trẻ để tránh làm trầy xước da khi trẻ gãi ngứa.
– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất cho trẻ, tăng cường chế biến thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu hóa…
– Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ đầy đủ như bình thường để đảm bảo đủ dinh dưỡng và năng lượng.
– Cho trẻ uống đủ nước để hạn chế tình trạng mất nước, điện giải, có thể tích cực sử dụng các loại nước cái cây tươi cho trẻ.
4.2. Phòng ngừa bệnh
Để bảo vệ trẻ khỏi những biến chứng không mong muốn do sởi gây ra, cha mẹ cần xây dựng lối sống khoa họ và chăm sóc trẻ đúng cách nhằm phòng ngừa mắc bệnh hiệu quả hơn.
– Tiêm chủng: Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa sởi hiệu quả và an toàn nhất cho trẻ. Trẻ cần được tiêm mũi vắc xin đầu tiên khi đạt 9 tháng tuổi, và tiêm mũi thứ hai khi đạt 18 tháng tuổi. Ngoài ra, vẫn có thể tiêm vắc xin phòng muộn nếu cần, mà việc tiêm muộn không ảnh hưởng đến hiệu quả miễn dịch của vắc xin.
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày cho trẻ bằng việc: Rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay hoặc xà phòng sát khuẩn, và hạn chế chạm tay vào mắt và mũi. Ngoài ra, cần vệ sinh miệng, mũi và họng của trẻ bằng nước muối sinh lý hàng ngày… Cha mẹ nên sử dụng các loại dung dịch vệ sinh dành riêng cho trẻ để đảm bảo tính dịu nhẹ, tránh làm tổn thương da hoặc gây kích ứng…
– Giữ vệ sinh không gian sống: Ngoài việc vệ sinh phòng ốc sạch sẽ và thoáng mát, cần thường xuyên vệ sinh các vật dụng trong gia đình và khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn. Điều này giúp đảm bảo không gian sống luôn sạch sẽ, hạn chế các loại vi khuẩn, virus trú ngụ và gây bệnh.
Có thể thấy rằng, bệnh sởi ở trẻ nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường ở trẻ nhỏ để chủ động đưa trẻ đi khám và điều trị đúng phác đồ.