Quai bị là một bệnh truyền nhiễm do virut cấp tính gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 5-14 tuổi. Quai bị ở trẻ thường lây lan chủ yếu qua nước bọt khi nói chuyện, hắt hơi, ho. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị sớm.
Menu xem nhanh:
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh
Quai bị là bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, chủ yếu do tiếp xúc với nước bọt hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh bị văng ra khi người bệnh ho hoặc chảy mũi. Người mắc quai bị có thể lây lan cho người khác 1 tuần trước khi sưng tuyến mang tai và kéo dài 2 tuần sau khi sưng tuyến mang tai. Thời gian lây mạnh nhất vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai.
Virut quai bị có hướng tính gây bệnh với các tuyến ngoại tiết và thần kinh. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ (sốt và sưng, đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt). Ngoài ra, các tuyến nước bọt khác (viêm ở tuyến nước bọt dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm), tinh hoàn, tụy và hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị tổn thương.
Biến chứng nguy hiểm
Mặc dù tỷ lệ tử vong do bệnh rất thấp nhưng quai bị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm:
Viêm não – màng não: Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ em, chiếm tỷ lệ 25%, với các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, ói mửa, đôi khi có co giật, một số trường hợp có biểu hiện liệt giống sốt bại liệt. Tuy nhiên, diễn tiến của viêm não – màng não quai bị thường ít để lại di chứng.
Viêm tinh hoàn: 20 – 30% các trường hợp gặp ở trẻ em trai trong tuổi dậy thì. Viêm tinh hoàn xuất hiện trong khoảng 7 – 10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Phần lớn viêm tinh hoàn chỉ xảy ra ở một bên với biểu hiện sốt cao, lạnh run, nôn ói, đau bụng, tinh hoàn sưng to và đau nhức. Bệnh nhân đau tinh hoàn sắp sưng, sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3 – 4 lần bình thường. Thường thì sưng 1 bên, cũng có thể sưng 2 bên. Tình trạng này kéo dài khoảng 3 – 7 ngày thì giảm bớt. Tỷ lệ teo tinh hoàn do quai bị là 30 – 40%. Nếu bị teo tinh hoàn 2 bên thì khả năng vô sinh rất cao.
Viêm buồng trứng ở em gái dậy thì: Đau bụng, rong kinh và thường khó phát hiện hơn viêm tinh hoàn ở nam, chiếm 7% các trường hợp mắc bệnh ở tuổi sau dậy thì (hiếm khi vô sinh). Nếu nhiễm bệnh ở phụ nữ có thai 3 tháng đầu có khả năng gây dị dạng thai, sảy thai. Nếu mắc bệnh vào 3 tháng cuối có thể tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc đẻ non.
Bệnh quai bị ở trẻ có thể phòng ngừa được không?
Ngoài việc tránh cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân bị quai bị, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vaccin phòng bệnh. Tuy nhiên trên thực tế, việc tiêm phòng chỉ có thể phòng bệnh được khoảng 80%. Chính vì vậy, phòng bệnh và tránh lây lan là việc làm rất cần thiết.
Tránh để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh quai bị. Khi đang có dịch nên cho trẻ ở nhà. Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang.
Thường xuyên rửa tay cho trẻ với xà phòng, đảm bảo vệ sinh cá nhân hằng ngày. Tập cho trẻ thói quen vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
Làm sạch đường hô hấp cho trẻ bằng cách súc miệng với dung dịch nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn đường mũi họng.
Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Hạn chế tới những nơi tập trung đông người, đặc biệt tại các phòng chật hẹp nơi đang có dịch.
Tăng cường sức đề kháng bằng ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục và nghỉ ngơi hợp lý.