Suy tim cấp độ 3 là giai đoạn gần cuối của bệnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Quá trình điều trị bệnh cần sự kiên trì, giữ tinh thần lạc quan, kết hợp nhiều phương pháp thì mới có thể cải thiện được bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Suy tim độ 3 là gì, có triệu chứng như thế nào?
Suy tim là tình trạng chức năng tim suy giảm, không thể bơm đủ máu đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Theo hệ thống phân loại suy tim của Hiệp hội tim mạch New York, bệnh nhân suy tim độ 3 bị hạn chế nhiều vận động, các triệu chứng rõ ràng hơn. Cụ thể bệnh nhân sẽ gặp các dấu hiệu sau:
– Mệt mỏi: do thiếu máu nên gây ra mệt mỏi và uể oải, đặc biệt khi dùng nhiều sức.
Khi triệu chứng mệt mỏi nghiêm trọng hơn thì chứng tỏ bệnh đã tiến triển nặng nên tim không bơm đủ máu và cơ thể thiếu oxy.
– Phù: do sự tích tụ chất lỏng nên gây ra hiện tượng này. Có thể phù ở phổi, ở tứ chi đặc biệt bàn chân, mắt cá chân, chân và vùng bụng.
– Rối loạn nhịp tim: tim đập nhanh, mạnh khiến người bệnh dễ mệt hơn. Cũng có lúc tim đập chậm bất thường cảm giác như ngừng đập.
– Chán ăn: người bệnh thường xuyên bị đầy bụng và buồn nôn do đó không thèm ăn và cảm giác ăn không ngon miệng. Tình trạng này rất nguy hiểm vì có thể gây kiệt sức do thiếu hụt dinh dưỡng. Ăn uống không đầy đủ cũng khiến bệnh nhanh chóng tiến triển nặng hơn.
– Khó thở và ho khan: bệnh nhân suy tim cấp độ 3 thường xuyên bị khó thở kèm ho khan, đặc biệt là khi nằm..
– Suy giảm trí nhớ: tim hoạt động không hiệu quả làm cho nồng độ natri trong máu cũng thay đổi. Từ đó dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người bệnh.
2. Bệnh nhân suy tim cấp độ 3 có thể sống trong bao lâu?
2.1. Lưu ý các biến chứng của suy tim cấp độ 3
Bệnh nhân ở giai đoạn 3 nếu không điều trị tích cực có thể nhanh chóng tiến triển sang giai đoạn 4. Ở giai đoạn cuối của bệnh, bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng và nguy cơ tử vong cao.
Một số biến chứng của bệnh suy tim độ 3 là:
– Thiếu máu: khiến cơ thể mệt mỏi, xanh xao, không đủ sức làm việc mỗi ngày. Đồng thời cũng tăng áp lực cho tim.
– Phù phổi: biến chứng này đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
– Tổn thương gan: lâu dần gây ra sẹo gan và các bệnh gan nguy hiểm khác.
– Suy thận: dấu hiệu là mệt mỏi, chán ăn, giảm lượng nước tiểu, …
– Rối loạn nhịp tim: khiến bệnh nhân ngất xỉu, gây đánh trống ngực, làm bệnh nặng hơn và tăng nguy cơ tai biến.
– Hẹp hoặc hở van tim: khiến bệnh suy tim nặng hơn, khó điều trị.
– Đột quỵ: đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nếu được cấp cứu cũng để lại nhiều di chứng như mất nhận thức, liệt vận động.
2.2. Khả năng điều trị và hồi phục của bệnh suy tim cấp độ 3 như thế nào?
Theo chuyên gia tim mạch, suy tim giai đoạn 3 là giai đoạn nặng của bệnh. Mục tiêu điều trị ở giai đoạn này là giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống đồng thời ngăn bệnh tiến triển.
Khả năng điều trị bệnh suy tim độ 3 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có thời gian phát bệnh, cấp độ bệnh, các bệnh nền kèm theo, khả năng đáp ứng điều trị, lối sống hàng ngày, tiền sử gia đình…
Nếu được phát hiện sớm và tích cực tuân thủ phác đồ, người bệnh có thể sống thêm được 15 – 20 năm. Ngược lại, nếu không được điều trị sớm, suy tim giai đoạn 3 có thể tiến triển nặng trong thời gian ngắn, trở thành suy tim độ 3 và gây ra nhiều biến chứng. Nhiều trường hợp bệnh nhân có kết quả điều trị khả quan nhờ can thiệp, phẫu thuật kịp thời.
Điều đó cho thấy kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào phương pháp và thái độ của người bệnh. Thay vì lo lắng, người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, thực hiện nghiêm túc một lối sống khoa học để chung sống hòa bình với nó.
3. Các lưu ý trong quá trình điều trị bệnh suy tim độ 3
3.1. Thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt riêng biệt cho bệnh nhân suy tim mức độ 3
Thay đổi lối sống theo hướng tích cực cũng là cách để kết quả điều trị khả quan hơn. Người bệnh có thể áp dụng một số điều sau đây:
– Chế độ ăn cho bệnh nhân cần giảm muối để tránh cơ thể bị tích nước và làm giảm triệu chứng khó thở. Giảm muối cũng giúp hạn chế biến chứng phù nề.
– Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol như mỡ, nội tạng động vật, thịt màu đỏ đậm như thịt bò … Nên bổ sung nhiều các nhóm thực phẩm giàu chất xơ và vitamin như rau xanh, hoa quả và tăng cường bổ sung chất đạm từ thực vật, từ cá, thịt gia cầm bỏ da. Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và tránh ăn quá no vào một bữa.
– Thực đơn dành cho bệnh nhân suy tim cần tuân thủ một số nguyên tắc như sau
Bổ sung chất béo tốt như quả bơ, dầu olive, các loại hạt …
Nên chọn thực phẩm hữu cơ để tránh dư lượng thuốc trừ sâu và nên chọn thực phẩm tươi theo mùa.
– Không hút thuốc, uống rượu bia và tránh xa chất kích thích. Đồng thời kiểm soát tốt cân nặng, đường máu, mỡ máu và huyết áp.
– Cần vận động thường xuyên với các bài tập vừa sức như đi bộ, yoga, … Tập luyện giúp máu lưu thông và tránh cục máu đông do thường xuyên nằm và ngồi. Tuy nhiên bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi luyện tập để đảm bảo sức khỏe.
3.2. Luôn dùng thuốc theo đơn từ bác sĩ Tim mạch
Một số thuốc dành cho bệnh nhân suy tim giai đoạn 3 để giảm nhẹ triệu chứng như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn canxi, thuốc ức chế men chuyển, thuốc giãn mạch… Nếu bệnh nhân đang bị tiểu đường, mỡ máu cao thì sẽ phải dùng thêm một số thuốc khác.
Tất cả loại thuốc điều trị suy tim phải theo chỉ định từ bác sĩ. Việc sử dụng đúng thuốc và liều lượng rất quan trọng để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Nếu sử dụng sai thuốc, bệnh sẽ rất nhanh chóng tiến triển sang độ 4, lúc đó việc điều trị lại càng bị hạn chế.