Bệnh đau bao tử (đau dạ dày) là vấn đề tiêu hóa phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh diễn ra trong thời gian dài không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nhận biết sớm các dấu hiệu đau bao tử giúp người bệnh chủ động thăm khám, điều trị, giảm thiểu những gánh nặng do bệnh lý này gây nên.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh đau bao tử
1.1 Bệnh đau bao tử đặc trưng bởi các cơn đau vùng thượng vị
Đau thượng vị (phần từ phía trên rốn đến dưới xương ức) thường diễn ra sau khi người bệnh ăn no. Đôi khi, cơn đau cũng xảy ra khi đói, lúc nửa đêm hay khi rạng sáng. Đau có thể khiến người bệnh cảm thấy tức nặng, ấm ách, không ăn được nhiều.
Trong một số trường hợp cơn đau trở nên dữ dội, đau lan lên ngực, nhói ra phía sau lưng… kéo dài vài phút hoặc vài tiếng đồng hồ. Trong giai đoạn bệnh khởi phát, đau thượng vị có thể xuất hiện trong khoảng 7-14 ngày và tái đi tái lại. Bệnh không được kiểm soát có thể khiến người bệnh bị đau triền miên.
1.2 Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng
Xảy ra do các rối loạn tại dạ dày khiến thức ăn không được tiêu hóa hết, dẫn đến tình trạng lên men gây ợ. Khác hiện tượng sinh lý chỉ xảy ra sau khi ta ăn đồ cay nóng, uống rượu bia hay nước có gas… ợ hơi, ợ chua, ợ nóng do bệnh lý có thể xuất hiện bất kỳ thời điểm nào, kèm với cơn đau vùng thượng vị, gây khó chịu, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
Ợ do bệnh lý đau bao tử thường khiến người bệnh cảm thấy chua, đắng trong miệng, có thể gây nóng rát vùng bụng, hầu họng, thậm chí đau tại vùng mũi hoặc sau xương ức.
1.3 Bệnh gây buồn nôn, nôn ói
Đau bao tử do các tổn thương tại dạ dày còn có thể gây triệu chứng buồn nôn, nôn. Sau khi nôn hết thức ăn, cơn đau bụng thường có xu hướng thuyên giảm nhưng cũng có thể trở lại nhanh chóng. Người bệnh nôn nhiều có thể gây mất nước và điện giải, huyết áp thấp, thậm chí trụy mạch…
Sự ma sát taị niêm mạch thực quản sau mỗi lần nôn cũng có thể dẫn đến các hệ lụy như rách niêm mạc thực quản, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
1.4 Chảy máu tại niêm mạc dạ dày
Người bệnh thường có các dấu hiệu như đi ngoài phân đen, phân máu hoặc nôn ra máu tươi, máu đen. Mất máu có thể khiến người bệnh cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, hạ huyết áp, nhợt nhạt…
Chảy máu tiêu hóa là tình trạng cảnh báo bệnh diễn tiến nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
2. Người bệnh bị bệnh đau bao tử do đâu?
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): là tác nhân hàng đầu gây tổn thương viêm loét tại dạ dày. Các tổn thương này khi tiếp xúc với axit dạ dày và thức ăn gây ra các cơn đau bao tử cấp tính.
Sử dụng rượu bia quá độ trong thời gian dài.
Lạm dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm NSAID (thường có trong thuốc điều trị xương khớp)
Ăn uống thiếu khoa học và sinh hoạt không điều độ.
Thường xuyên bị stress, căng thẳng thần kinh
Ngộ độc thực phẩm cũng là nguyên nhân thường thấy gây đau bao tử ở người bệnh.
3. Điều trị bệnh đau bao tử
Trong nhiều trường hợp, cơn đau bao tử có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh thường có xu hướng tái phát, gây nhiều đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Để hạn chế những ảnh hưởng từ các triệu chứng và ngăn bệnh quay trở lại, người bệnh có thể lựa chọn can thiệp bằng các biện pháp sau:
3.1 Điều trị nội khoa bệnh đau bao tử
Sử dụng thuốc là phương pháp tối ưu giúp giảm nhanh các triệu chứng do bệnh đau bao tử gây ra. Người bệnh sau khi được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh như: thuốc ức chế axit dạ dày, thuốc bơm proton, thuốc bọc niêm mạc dạ dày, thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn HP (nếu có)…
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian sử dụng, không tự ý dừng thuốc khi thấy dấu hiệu bệnh thuyên giảm. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cũng cần chủ động tái khám sau khi kết thúc liệu trình thuốc để bác sĩ có thể đánh giá hiệu quả của phác đồ điều trị.
3.2 Kết hợp sử dụng các dược liệu từ tự nhiên
Nghệ và mật ong: “bộ đôi” nổi tiếng với công dụng làm giảm các triệu chứng đau bao tử. Nhờ đặc tính kháng viêm và chống oxy hoá, hỗn hợp nghệ – mật ong đem lại hiệu quả trong việc làm lành tổn thương tại dạ dày, giảm tiết dịch vị từ đó xoa dịu các cơn đau.
Nha đam: được sử dụng trong điều trị đau bao tử bởi thành phần chứa tính kiềm giúp trung hòa axit dạ dày. Phần thịt nha đam với các vitamin và khoáng chất dồi dào còn đem lại hiệu quả giảm viêm và làm lành các tổn thương tại niêm mạc bao tử.
Một số nguyên liệu từ thiên nhiên khác cũng được biết đến với khả năng chữa đau bao tử. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn khi sử dụng, tránh khả năng bệnh tăng nặng, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
3.3 Điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt
Tạo lập thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh có ý nghĩa quan trọng trọng trong hỗ trợ điều trị bệnh đau bao tử. Sau đây là một số lưu ý bạn cần biết đề giúp thuyên giảm các triệu chứng bệnh và ngăn bệnh tái phát.
– Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo bão hoà, thức ăn quá nhiều gia vị, thực phẩm chứa nhiều đường… Thay vào đó, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm tốt cho dạ dày như rau xanh, quả mọng, ngũ cốc, bánh mì, sữa chua…
– Có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để giảm áp lực cho hệ tiêu hoá, không bỏ bữa, không nằm ngay sau khi ăn no.
– Tránh xa thuốc lá, rượu bia, cafe đậm đặc.
– Điều chỉnh tâm trạng, tránh stress, căng thẳng, lo âu. Không thức khuya, ngủ đủ giấc.
– Không sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm như aspirin hay NSAIDs. Trong trường hợp cần thiết, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc thay thế.
– Tăng cường luyện tập thể dục thể thao (ít nhất 30 phút/ ngày, 3 ngày/ tuần) để nâng cao sức đề kháng của cơ thể cũng như hỗ trợ hoạt động tiêu hoá.
Bệnh đau bao tử không phải tình trạng nguy hiểm nhưng có thể gây nhiều phiền toái đối với cuộc sống của người bệnh. Bằng cách nhận biết nhanh các triệu chứng, hy vọng mọi người có thể chủ động trong điều trị bệnh cũng như đạt hiệu quả tốt.