Alzheimer là những bệnh lý về thần kinh mà rất nhiều người còn chưa biết. Bài viết sau đây sẽ cung cấp lời giải đáp cho một số câu hỏi xung quanh bệnh Alzheimer như: Người bệnh Alzheimer sống được bao lâu? Các biến chứng nguy hiểm của bệnh Alzheimer là gì? Bệnh Alzheimer có di truyền không? Phòng tránh bệnh Alzheimer bằng những cách nào?
Menu xem nhanh:
1. Bệnh Alzheimer là gì?
Alzheimer là bệnh lý về thần kinh gây tình trạng mất trí nhớ, mất dần các chức năng nhận thức, hành vi, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.
2. Bệnh Alzheimer gây nguy hiểm gì?
Nếu không được phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị hiệu quả, người bệnh Alzheimer sẽ ngày càng trở nên trầm trọng: trí nhớ mất dần kể cả trí nhớ dài hạn; khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ giao tiếp; rối loạn hành vi; suy giảm nhận thức; khó định hướng được không gian và thời gian. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể rối loạn chức năng nuốt, không kiểm soát được hành vi, nằm trên giường hầu hết hoặc toàn bộ thời gian, phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.
Theo thống kê, bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 6 tại Hoa Kỳ. Có ít nhất 50 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với bệnh Alzheimer hoặc hội chứng sa sút trí tuệ, trong đó theo số liệu năm 2015 có khoảng 1,9 triệu người tử vong vì căn bệnh này.
Alzheimer không gây tử vong trực tiếp, mà đa số người bệnh tử vong do các bệnh lý cơ hội kèm theo Alzheimer dưới đây:
2.1 Viêm phổi
Người bệnh Alzheimer bị rối loạn chức năng nuốt. Chính điều này khiến các chất nhầy từ dịch dạ dày hay thức ăn xâm nhập vào phổi hoặc đường hô hấp, khiến phổi bị phù nề, nhiễm trùng gây tình trạng viêm phổi.
2.2 Nhiễm trùng
Người bệnh Alzheimer thường không tự chủ được quá trình đi tiểu của mình, nên thường phải đặt ống thông tiểu. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, nếu không được xử trí bệnh có thể nặng và đe dọa đến tính mạng.
2.3 Chấn thương
Những người mắc bệnh Alzheimer thường khó định hướng được khoảng cách do đó nguy cơ té ngã, chấn thương khi di chuyển, vận động là có thể xảy ra. Một số trường hợp chấn thương nặng như chấn thương vũng đầu, chấn thương cột sống, gãy xương,… bệnh nhân cần được cần nhập viện ngay.
3. Người bệnh Alzheimer sống được bao lâu?
Nhiều người thắc mắc người mắc bệnh Alzheimer sống được bao lâu? Nhưng câu trả lời còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ và diễn biến bệnh ở mỗi người. Theo nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của người mắc bệnh Alzheimer sau khi được chẩn đoán là khoảng 8-10 năm. Nhưng đây không phải là câu trả lời chính xác cho tất cả người bệnh. Bởi cũng có một số trường hợp tuổi thọ của người bệnh Alzheimer ngắn hơn hoặc kéo dài hơn tuổi thọ trung bình. Theo thống kê, tuổi thọ của mỗi bệnh nhân Alzheimer là khác nhau bởi mỗi người có một tiền sử sức khỏe riêng. Chính điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tuổi thọ của người bệnh.
Do đó, bạn đừng quá lo lắng bị bệnh Alzheimer sẽ sống được bao lâu mà hãy tìm cách làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Điều này cũng tác động một phần nào đó tới việc rút ngắn hay kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
4. Bệnh Alzheimer có di truyền không?
Đây cũng là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm khi bản thân hoặc người thân bị Alzheimer.
Cho đến hiện nay, nguyên nhân gây bệnh Alzheimer và nguyên nhân gây bệnh Parkinson còn là vấn đề “bỏ ngỏ” cần tiếp tục đi tìm kiếm lời giải đáp. Các chuyên gia chưa có kết luận chính xác nguyên nhân gây ra các bệnh trên là gì. Theo nghiên cứu, bệnh Alzheimer có thể di truyền, tỷ lệ chiếm khoảng dưới 10% tổng số người mắc bệnh. Nguyên nhân là do đột biến gen ở một trong ba gen:
– Protein tiền thân amyloid trên nhiễm sắc thể số 21
– Presenilin 1 trên nhiễm sắc thể số 14
– Presenilin 2 trên nhiễm sắc thể số 1
Các đột biến gen này dẫn tới việc sản xuất bất thường protein, hình thành mảng amyloid được xem là một dấu hiệu của Alzheimer.
Nếu do di truyền, bệnh thường khởi phát sớm ở độ tuổi 30 và giữa 60. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, người mắc hội chứng Down có nguy cơ cao về già phát triển bệnh Alzheimer cao hơn những người bình thường.
5. Phòng tránh bệnh Alzheimer bằng cách nào?
Hiện nay chưa có biện pháp điều trị và phòng ngừa có khả năng ngăn chặn hay đảo ngược diễn tiến của bệnh. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể tạm thời cải thiện triệu chứng, phòng ngừa bệnh đến sớm và kiểm soát biến chứng nguy hiểm.
Một số biện pháp phòng tránh bệnh Alzheimer đó là:
– Phòng ngừa các bệnh lý tim mạch
– Tránh các chấn thương đặc biệt là vùng đầu
– Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày
– Ăn uống khoa học
– Ngủ đúng giờ, đủ giấc, giấc ngủ có chất lượng.
Hi vọng những kiến thức trong bài đã giúp bạn giải đáp câu hỏi người bệnh Alzheimer sống được bao lâu và cung cấp thêm một số thông tin về căn bệnh này. Các thông tin này chỉ mang tính tham khảo, khi có các triệu chứng cảnh báo, người bệnh nên chủ động thăm khám nội thần kinh để kiểm tra tình trạng của mình và được tư vấn đều trị đúng hướng.