Bé mọc răng bị sốt là tình trạng không hiếm gặp ở nhiều trẻ nhỏ khi bước vào độ tuổi mọc răng. Vậy nguyên nhân do đâu và ba mẹ cần làm gì để giúp trẻ bớt cảm giác khó chịu?
Menu xem nhanh:
1. Vì sao bé mọc răng bị sốt?
Giai đoạn từ 6 đến 2 tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu mọc răng sữa. Răng đầu tiên sẽ mọc khi trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 – 7 tháng tuổi. Một số trẻ có thể mọc sớm khi vừa được 3 – 4 tháng. Thông thường, thứ tự mọc răng sẽ diễn ra như sau: hai răng cửa dưới, hai răng rửa trên, hai răng cửa bên trên, hai răng cửa bên dưới, răng nanh,… và đa phần có đủ 20 răng sữa trước khi trẻ được 3 tuổi.
Tùy thuộc thể trạng và cấu trúc hàm của từng trẻ mà thời gian mọc giữa các răng sẽ khác nhau và mức độ sốt của từng trẻ cũng khác nhau. Một số trẻ khi mọc răng bị sốt kéo dài vài ngày, ngược lại một số trẻ khi mọc răng hoàn toàn bình thường.
Vậy tại sao khi mọc răng nhiều trẻ thường bị sốt? Trên thực thế, răng sữa khi chưa mọc sẽ được bao bọc trong vùng lợi bởi cấu trúc mô mềm. Khi những chiếc răng này đã sẵn sàng tinh thần để “trồi lên”, mầm răng được nhú cao dần và tác động đẩy trực tiếp mô lợi phía trên. Lợi bị đẩy từ dưới sẽ bị tách ra và tạo nên khe hở cho những chiếc răng sữa tiến lên phía trước.
Quá trình này gây tổn thương và tạo nên vết thương hở trên lợi của trẻ. Vùng lợi có thể bị tấn công bởi các vi khuẩn có trong răng miệng bị sưng và tấy đỏ. Lúc này, các tế bào bạch hầu của hệ thống miễn dịch sẽ tập trung tiêu diệt các tác nhân có hại xâm nhập, gây ra phản ứng tự nhiên là sốt. Tuy nhiên sốt do mọc răng được gây ra bởi một tổn thương tại chỗ không quá nghiêm trọng nên thường là sốt nhẹ không quá 38,5 độ C, thậm chí không gây phản ứng sốt cho trẻ.
2. Cần làm gì để giảm cảm giác khó chịu cho trẻ?
Cần làm gì khi trẻ bị sốt mọc răng để giảm cảm giác khó chịu cho trẻ là điều mà nhiều bố mẹ quan tâm. Đa số khi trẻ sốt mọc răng, cha mẹ đều sẽ phải “vất vả” hơn thường ngày để chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, quá trình này thường sẽ không kéo dài quá lâu, các triệu chứng thường chỉ diễn ra từ 1 – 2 ngày và sẽ giảm đáng kể. Song song với đó, để giảm cảm giác khó chịu ở trẻ, cha mẹ có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau đây:
2.1. Cho trẻ ăn một cách hợp lý
Khi bị sốt mọc răng, bé thường bỏ ăn. Tuy nhiên không vì thế mà ép trẻ ăn nhiều hơn. Thay vào đó, mẹ nên chia nhỏ bữa ăn của trẻ và sử dụng các thức ăn mềm, nguội để bé cảm thấy thoải mái hơn khi ăn.
Một số thực phẩm khuyến khích sử dụng cho trẻ khi mọc răng là: khoai tây nghiền mịn, cháo yến mạch hay lòng đỏ trứng gà,… Bên cạnh đó, mẹ cũng cần tích cực cho trẻ ti sữa. Sữa mẹ ngoài là nguồn dinh dưỡng đầy đủ và sạch nhất dành cho trẻ còn là nguồn cung cấp kháng thể giúp trẻ có đề kháng tốt hơn, giảm sốt ở trẻ. Đặc biệt trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy thì sữa mẹ là một trong những nguồn bù nước chống mất nước hiệu quả cho trẻ.
2.2. Luôn quan tâm trẻ
Giai đoạn mọc răng là thời điểm trẻ nhạy cảm về mặt tâm lý. Trẻ dễ cáu, dễ khóc và cũng rất dễ tủi thân. Chính vì thế, cha mẹ nên bên cạnh trẻ nhiều hơn trong thời gian này
Mẹ nên quan tâm, vui chơi với trẻ nhiều hơn bằng cách trò chuyện, vỗ về bé nhiều hơn. Cha mẹ có thể thu hút trẻ vào một hoạt động vui chơi khác để giúp trẻ quên đi cơn đau mọc răng đang thường trực.
2.3. Vệ sinh răng miệng cho trẻ
Không phải chỉ khi răng mọc mới cần vệ sinh răng miệng cho trẻ. Hằng ngày, trẻ cũng cần vệ sinh lưỡi, miệng, lợi để tránh các tác nhân gây bệnh răng miệng thường trực. Đặc biệt trong giai đoạn trẻ mọc răng, vết thương hở, lợi sưng tấy đều là những vị trí rất dễ để cho vi khuẩn ẩn náu và sẵn sàng tấn công răng ngay khi răng vừa nhú.
Để vệ sinh răng miệng cho trẻ, mẹ có thể sử dụng chiếc rơ lưỡi mềm để làm sạch vùng lợi, răng cho trẻ một cách nhẹ nhàng.
2.4. Đừng quên theo dõi sát sao những biểu hiện mọc răng của trẻ
Theo dõi biểu hiện mọc răng của trẻ là việc làm cần thiết và không thể bỏ qua, đặc biệt là với vấn đề sốt mọc răng. Thường thì sốt mọc răng sẽ không quá cao và sẽ tự khỏi. Cha mẹ có thể chủ động hạ sốt cho trẻ bằng cách dùng khăn ẩm để vệ sinh người và cho trẻ mặc đồ thoáng mát thấm mồ hôi. Tuy nhiên nếu thấy trẻ có dấu hiệu tăng nhiệt độ trên 38,5 độ C và trẻ có biểu hiện co giật cần nhanh chóng gặp bác sĩ ngay lập tức. Bởi rất có thể ngoài sốt mọc răng, trẻ còn đang gặp vấn đề khác về sức khỏe rất nguy hiểm.
3. Phân biệt sốt do mọc răng và sốt do nguyên nhân khác
Như đã đề cập bên trên, sốt mọc răng không gây nguy hiểm cho trẻ song rất dễ nhầm lẫn với các tình trạng sốt do nguyên nhân khác bởi giai đoạn mọc răng cũng là giai đoạn trẻ rất dễ nhiễm bệnh và bị sốt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy, để dễ dàng phân biệt và nhận biết sốt mọc răng, cha mẹ có thể dựa vào các biểu hiện kèm theo như:
– Sốt dưới 38,5 độ C và kéo dài không quá 3 ngày.
– Bé chảy nước dãi liên tục.
– Trẻ ngứa lợi và thường xuyên có biểu hiện cắn, gặm những đồ cứng.
– Trẻ hay cáu kỉnh, quấy khóc.
– Một số trẻ bỏ bú và thường xuyên tỉnh giấc khi ngủ.
– Một số trẻ có thể bị tiêu chảy.
Hiện tượng sốt là bất thường khi:
– Sốt trên 38,5 độ C và kéo dài liên tục.
– Trẻ bị hắt hơi, nghẹt mũi.
– Trẻ có hiện tượng phát ban,….
Lúc này, hãy đưa trẻ tới trung tâm y tế gần nhất để thăm khám và kiểm tra nguyên nhân.
Bé mọc răng bị sốt là điều thường gặp với trẻ nhỏ. Tuy nhiên không vì thế mà cha mẹ tỏ ra bối rối. Thay vào đó hãy bình tĩnh chăm sóc, và theo dõi trẻ để quá trình mọc răng của trẻ được diễn ra một cách thuận lợi và bớt gây khó chịu cho trẻ.