Menu xem nhanh:
Hiểu như thế nào về viêm tai giữa ở trẻ?
Viêm tai giữa đặc biệt dễ mắc ở trẻ nhỏ. Nhiều số liệu thống kê cho biết có đến khoảng 17 – 18% trẻ lên 3 tuổi bị viêm tai giữa; với trẻ 3 – 5 tuổi tỷ lệ này là khoảng 9%… Bệnh được chia thành 2 thể là viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa mạn tính. Viêm tai giữa cấp tính là tình trạng viêm nhiễm trong khoang tai giữa, thời gian kéo dài dưới 3 tháng. Tình trạng viêm nhiễm này có thể lan đến xương chũm, các tế bào quanh mê đạo và đỉnh xương đá. Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm nhiễm mạn tính không chỉ giới hạn trong khoang tai giữa mà còn lan đến sào bào, thượng nhĩ, xương chũm, tai bị chảy mủ trong thời gian dài, khảng trên 3 tháng…
Bé bị viêm tai giữa thường có biểu hiện đau nhức trong tai, tai có cảm giác nóng, sưng và có chảy dịch, toàn thân sốt…. Trẻ cũng chán ăn, quấy khóc nhiều hơn nên những lưu tâm của cha mẹ đến con trẻ trong thời gian bệnh là rất cần thiết.
Bé bị viêm tai giữa cha mẹ phải làm sao?
Cho con điều trị thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
Điều trị đúng phác đồ theo chỉ định của bác sĩ là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo điều trị bệnh đạt hiệu quả. Qua thăm khám, tùy từng tình trạng bệnh cụ thể, màng nhĩ ở trẻ có bị thủng hay không mà hướng điều trị bệnh cụ thể sẽ khác nhau. Trường hợp trẻ viêm cấp tính màng nhĩ trẻ chưa thủng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc tại chỗ, chích rạch màng nhĩ; trường hợp màng nhĩ thủng cần làm thuốc tai hàng ngày. Điều trị toàn thân bao gồm các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm corticoid, kháng viêm dạng men, thuốc hạ sốt, giảm đau…
Có không ít cha mẹ có xu hướng “xót con” khi con phải dùng thuốc dài ngày điều trị viêm tai giữa nên ngay khi thấy chứng bệnh của con đỡ là giảm liều dùng, dừng thuốc… Đây là việc làm không nên, khiến vi khuẩn gây bệnh không được diệt tận gốc, rất dễ trở lại gây bệnh.
Không tự ý bắt bệnh, mua thuốc điều trị viêm tai giữa cho con
Viêm tai giữa có rất nhiều nguyên nhân, có thể bắt nguồn từ tai hoặc do biến chứng viêm VA, viêm xoang… Vì vậy, việc cha mẹ tự bắt bệnh mua thuốc điều trị triệu chứng cho con rất nguy hiểm. Điều trị không đúng nguyên nhân không những khiến bệnh lâu khỏi mà còn dễ gây biến chứng phức tạp hơn.
Chỉ dùng thuốc nhỏ tai khi có chỉ định của bác sĩ
Các bậc phụ huynh nên lưu ý rằng có rất nhiều loại thuốc nhỏ tai khác nhau và thành phần của chúng cũng khác nhau. Nếu suy nghĩ rằng thuốc nhỏ tai không uống, không gây hại thì đó là hiểu lầm lớn. Thuốc nhỏ tai cũng phải dùng đúng chỉ định, tránh làm bong lớp biểu bì bảo vệ trên da ống tai , làm chậm quá trình lành vết thương.
Chú ý đến chế độ sinh hoạt, học tập của con
Do tác dụng phụ của thuốc cũng như các triệu chứng viêm, sốt do bệnh gây ra mà khi bệnh trẻ thường mệt mỏi, trẻ nhỏ thì hay quấy khóc. Lúc này cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến chế độ ngủ nghỉ, vui chơi, học tập hợp lý cho con để đảm bảo sức khỏe.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên để ý hơn đến chế độ ăn của con, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có tác dụng chống viêm, giảm sưng điển hình là các loại hoa quả tươi, quả mọng như cam, dâu tây, kiwi… trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc có chuyên khoa Tai Mũi Họng với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi, nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp thăm khám và điều trị. Bệnh viện có môi trường khám bệnh thân thiện, chi phí khám chữa bệnh hợp lý, có áp dụng thanh toán bảo hiểm theo quy định…
Trên đây là một số thông tin tham khảo về một số điều cần lưu ý cho cha mẹ khi bé bị viêm tai giữa. Để đặt lịch khám hoặc nhận thêm thông tin chi tiết, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 55 88 92.