Ăn uống chung…dễ lây bệnh dạ dày

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Trịnh Văn Dương

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Nguyên nhân gây bệnh dạ dày là do nhiễm vi khuẩn HP. Khuẩn này có nhiều trong nước bọt, cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền sang người lành chủ yếu qua đường ăn uống.

Thống kê của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam (VNAGE) cho thấy, trên 80% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).

Theo các chuyên gia y tế, vi khuẩn HP rất dễ lây thông qua đường tiêu hóa. Uớc tính, có hơn nửa dân số trên thế giới đã bị nhiễm khuẩn này, nhiều nhất là ở các nước đang phát triển do điều kiện vệ sinh kém, nước và thức ăn nhiễm khuẩn. HP gây ra khá nhiều bệnh của dạ dày – tá tràng như rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, trong đó có ung thư dạ dày.

Ăn uống chung…dễ lây bệnh dạ dày

80% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) – đây là vi khuẩn gây các bệnh về dạ dày

Tuy nhiên, không phải trường hợp nhiễm khuẩn HP nào cũng gây ra ung thư dạ dày, nhưng trong tổn thương ung thư dạ dày thường có sự xuất hiện của vi khuẩn HP. Sự tồn tại của HP trong cơ thể, nếu không phát hiện sớm, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại Việt Nam, tỷ lệ viêm loét dạ dày – tá tràng ngày càng tăng, đứng đầu trong các bệnh ở đường tiêu hóa. Thủ phạm chính gây bệnh là vi khuẩn HP. Vi khuẩn này được xếp vào nhóm đứng đầu gây ung thư dạ dày. Hiện nay, ung thư dạ dày đứng hàng thứ hai trong 10 loại ung thư nguy hiểm thường gặp nhất ở nước ta.

Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra, HP có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền qua người lành chủ yếu thông qua đường ăn uống. Chính thói quen ăn uống “chung đụng” đã làm tăng nguy cơ mắc bệnh dạ dày.

Thói quen ăn uống này tưởng như thân tình nhưng nó là con đường để vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất. Bên cạnh đó, sở thích ăn uống ở hàng quán vỉa hè kém vệ sinh càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn HP, thậm chí viêm gan siêu vi A.

Ăn uống chung…dễ lây bệnh dạ dày

Thói quen ăn uống chung, ăn uống ngoài vỉa hè, đường phố không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân nhiễm vi khuẩn HP

Để hạn chế nhiễm khuẩn HP trong cộng đồng, các chuyên gia y tế khuyên rằng: Mọi người nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân và tránh chung đụng trong ăn uống. Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không liếm nước bọt khi đếm tiền, lật giấy…

Vi khuẩn HP có thể phát hiện dễ dàng qua quá trình thăm khám sức khỏe định kỳ. Phương pháp kiểm tra HP đơn giản nhất là xét nghiệm máu. Phương pháp này cho biết bạn đã từng tiếp xúc với vi khuẩn HP chưa (trong vòng 6 tháng) thông qua việc tìm kháng thể. Đối với người có yếu tố nguy cơ và tuổi tác, bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày để phát hiện ung thư dạ dày hay không, đồng thời chẩn đoán xác định chính xác về tình trạng nhiễm khuẩn HP.

Theo các chuyên gia y tế, cần tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, tránh bị stress để ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ cho vi khuẩn HP tồn tại và gây bệnh. Trong gia đình có người thân (cha mẹ, anh chị em ruột, con cái) bị bệnh ung thư dạ dày, bạn có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày. Khi đó cần tiến hành tầm soát định kỳ để sớm phát hiện HP. Một khi đã bị nhiễm, cần điều trị tận gốc nhằm ngăn ngừa biến chứng ung thư dạ dày.

Theo Vnexpress

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital