Mẹ bầu đau mắt đỏ lâu khỏi là tình trạng không hiếm gặp. Dưới đây là 6 sai lầm thường gặp khiến cho tình trạng đau mắt đỏ lâu khỏi diễn ra triền miên, ảnh hưởng đến khả năng nhìn của bạn.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao mẹ bầu dễ bị đau mắt đỏ và trở nặng hơn người bình thường?
Đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc, là một tình trạng viêm nhiễm xảy ra trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng) và kết mạc mi. Bệnh này có thể do virus, vi khuẩn hoặc phản ứng dị ứng gây ra. Dù chỉ gây khó chịu và hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực, đau mắt đỏ có khả năng lây lan, do đó cần được chẩn đoán sớm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Trong trường hợp của phụ nữ mang thai, đau mắt đỏ có thể kéo dài nhiều ngày hơn bình thường. Điều này bởi hệ miễn dịch của bà bầu thường yếu hơn trong thời kỳ mang thai và nội tiết tố nữ thay đổi, làm cho cơ thể dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác.
Đau mắt đỏ trong thời kỳ mang thai có thể gây mệt mỏi và làm cho bà bầu cảm thấy nhạy cảm hơn bình thường. Đồng thời, việc sử dụng thuốc đau mắt đỏ cho bà bầu cần được xem xét và thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
2. 6 Sai lầm khiến mẹ bầu đau mắt đỏ lâu khỏi
2.1. Chủ quan nghĩ rằng bệnh không cần phải chữa
1 trong những nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ bầu bị đau mắt đỏ lâu khỏi phải kể đến yếu tố tâm lý chủ quan của người bệnh.
Đau mắt đỏ thường được coi là một bệnh nhẹ, dẫn đến quan niệm sai rằng không cần điều trị và bệnh sẽ tự khỏi.
Trên thực tế, trong những trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự lành nhưng việc chăm sóc, vệ sinh và điều trị đúng cách có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu cho người bệnh và rút ngắn thời gian bệnh kéo dài. Với những trường hợp nặng, nếu không can thiệp kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc và sẹo kết mạc.
Vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu của đau mắt đỏ, phụ nữ có thai nên đi khám để được tư vấn từ bác sĩ và nhận phác đồ điều trị cũng như hướng dẫn cách chăm sóc phù hợp.
2.2. Tự mua thuốc nhỏ mắt tại nhà
Nhiều người khi gặp tình trạng đau mắt đỏ do quá sốt ruột thường muốn thoát khỏi những triệu chứng khó chịu như ngứa, chảy nước mắt, và gỉ mắt một cách nhanh chóng, vì vậy họ tự ý sử dụng thuốc kê đơn mà không có chỉ định từ bác sĩ. Điều này là một sai lầm mà nhiều người thường mắc phải khi tự điều trị cho tình trạng đau mắt đỏ.
Đau mắt đỏ có nhiều nguyên nhân khác nhau và mỗi giai đoạn của bệnh đều yêu cầu cách điều trị khác nhau. Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt mà không đúng cách có thể làm cho bệnh không chỉ không được cải thiện mà còn kéo dài thời gian bệnh và làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc không đúng cách còn có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí gây mất thị lực.
Do đó, việc sử dụng thuốc đau mắt đỏ chỉ nên được thực hiện sau khi đã được bác sĩ thăm khám và đưa ra chỉ định. Hơn nữa, quan trọng là không nên sử dụng thuốc được kê đơn cho người khác, vì mỗi người có tình trạng sức khỏe và bệnh lý riêng biệt, và phương pháp điều trị cũng sẽ khác nhau.
2.3. Sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh không có chỉ định từ bác sĩ
Một số người có quan niệm rằng kháng sinh là “thần dược” trong việc chữa trị mọi bệnh tật. Do đó, khi gặp các triệu chứng như đau họng, sốt, ho… họ thường tự ý sử dụng kháng sinh. Đau mắt đỏ cũng không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng mẹ bầu đau mắt đỏ lâu khỏi. Bạn cần nắm được thông tin: việc sử dụng kháng sinh cho bất kỳ trường hợp đau mắt đỏ nào không phải do vi khuẩn sẽ không mang lại lợi ích trong việc điều trị bệnh, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của thuốc và kháng thuốc.
Ngoài ra, kháng sinh trong thuốc nhỏ mắt có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi, gây biến chứng thai kì hoặc dị tật không đáng có. Trước khi sử dụng thuốc, bạn cần tham vấn ý kiến của chuyên gia, bác sĩ để được tư vấn chi tiết.
2.4. Thuốc nhỏ mắt có corticoid bên trong thành phần
Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid như dexamethasone, betamethasone… được sử dụng để điều trị các trường hợp viêm kết mạc nặng và chỉ được dùng trong thời gian ngắn.
Nhiều người đã nghe đồn về tác dụng của loại thuốc này và do đó, khi gặp tình trạng đau mắt đỏ, họ tự ý mua thuốc và sử dụng. Tuy nhiên, họ không biết rằng việc sử dụng thuốc một cách không đúng cách hoặc kéo dài có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như mờ mắt, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bộ nhiễm, loét giác mạc do virus, nấm…
2.5. Dùng mẹo dân gian chữa đau mắt chưa có kiểm chứng hiệu quả
Dù đã có những cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, nhưng vẫn còn một số người tiếp tục lan truyền những phương pháp truyền thống để trị đau mắt đỏ, như đắp lá, xông hơi, nhỏ nước lá trầu không, hoặc nhỏ sữa mẹ… Hậu quả của việc này là bệnh không chỉ không được cải thiện mà còn trở nên nặng hơn. Nhiều trường hợp đã phải nhập viện vì bị bỏng giác mạc do xông hơi hoặc mắt bị nhiễm trùng nghiêm trọng.
Nếu mẹ bầu đau mắt đỏ lâu khỏi mà đang có dự định dùng các biện pháp tự nhiên chữa tại nhà thì hãy cân nhắc. Tình trạng mắt của bạn có thể không được cải thiện mà còn đối mặt với nhiều nguy cơ khác.
2.6. Dùng khăn lau mắt
Khi gặp tình trạng đau mắt đỏ, nhiều người thường sử dụng giấy ăn hoặc khăn sạch để lau mắt. Tuy nhiên, việc này có thể làm cho mắt cảm thấy khó chịu hơn và dễ gây kích ứng. Hơn nữa, nước mắt và chất nhầy mắt có thể dính vào khăn lau và dễ lây bệnh cho người khác.
Vì vậy, chúng ta chỉ nên sử dụng gạc y tế hoặc bông y tế để lau nước mắt và chất nhầy mắt vừa đảm bảo vệ sinh vừa an toàn cho đôi mắt.
3. Mẹ bầu đau mắt đỏ lâu khỏi nên làm gì?
Nếu ban đang bị đau mắt đỏ, hãy áp dụng những phương pháp sau để giảm tình trạng bệnh trở nặng và tự phòng ngừa cho bản thân:
– Luôn rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Tránh việc dùng tay dụi mắt để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
– Sử dụng nước nhỏ mắt để dưỡng mắt hàng ngày để duy trì sức khỏe mắt.
– Không chia sẻ khăn mặt và chậu rửa mặt với người khác để tránh lây nhiễm bệnh.
– Hãy giặt sạch khăn mặt thường xuyên và phơi khăn dưới ánh nắng mặt trời để hạn chế sự phát triển vi khuẩn trong khăn.
– Khi có dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm.
– Hạn chế đến những nơi đông người và có nguy cơ tiềm ẩn mầm bệnh, như bệnh viện, trạm xá…
– Tránh sử dụng nguồn nước ô nhiễm để đảm bảo an toàn vệ sinh.
– Hạn chế đi bơi vì nước trong bể bơi có thể là nguồn lây nhiễm bệnh dễ dàng.
Nếu mẹ bầu còn câu hỏi thắc mắc, hãy để lại thông tin để Thu Cúc TCI hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.