Thoái hóa cột sống là một bệnh lý mạn tính về xương khớp và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Vậy nguyên nhân gây thoái hóa cột sống là gì? Làm sao để ngăn ngừa? Đọc bài viết dưới đây để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp cải thiện nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống là tình trạng hao mòn các sụn khớp và đầu xương đốt sống gây đau nhức và giảm chức năng cột sống. Bệnh lý mạn tính này có thể xảy ra cột sống cổ, lưng và ngực. Trong đó phổ biến nhất là thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa đốt sống lưng.
Khi cột sống bị thoái hóa gây ra tình trạng cứng khớp, tê bì ở vùng bị thoái hóa, từ đó, làm giảm khả năng vận động của người bệnh. Trước đây thoái hóa là bệnh người già nhưng hiện nay tỷ lệ người trên 35 tuổi bị thoái hóa ngày càng cao. Những người có nguy cơ cao bị thoái hóa là: người thừa cân, béo phì, người làm công việc ít vận động và người có tiền sử chấn thương về xương khớp.
2. Nguyên nhân gây thoái hóa
Dưới đây là các nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa ở cột sống:
2.1 Lão hóa là nguyên nhân gây thoái hóa cột sống hàng đầu
Khi cơ thể già đi thì các tế bào sụn trong cơ thể sẽ bị suy giảm chức năng tổng hợp các hoạt chất. Khi đó, các lớp sụn kém đàn hồi, các khớp xương kém linh hoạt xảy ra tình trạng thoái hóa, gai cột sống và thoát vị đĩa đệm.
Đặc biệt, ở độ tuổi từ 30 trở đi tốc độ lão hóa xảy ra nhanh, việc tập luyện thể thao và bổ sung dinh dưỡng cho xương chắc khỏe rất quan trọng đối với cơ thể.
2.2 Thói quen xấu là nguyên nhân gây thoái hóa cột sống
Thói quen xấu trong sinh hoạt là lý do khiến tình trạng thoái hóa ngày càng tăng ở người trẻ tuổi. Dưới đây là những thói quen gây ra tình trạng thoái hóa:
– Không quan tâm đến cân nặng: Cân nặng quá tải sẽ gây áp lực lên cột sống khiến các khớp xương bị thoái hóa nhanh chóng.
– Vận động sai tư thế: Các tư thế đi đứng gù lưng, gập cổ, nằm gối quá cao,… là các yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa ở cột sống.
– Ngồi lâu một tư thế, ít vận động
– Đi giày cao gót: Giày cao gót không tốt cho xương khớp. Chính vì vậy, phụ nữ có nguy cơ mắc thoái hóa và bệnh nặng hơn so với nam giới. Đi giày cao gót thường xuyên có thể làm lệch trọng tâm cơ thể, gây áp lực lên các cơ, dây chằng và khớp. Dần dần, phụ nữ sẽ bị đau cổ chân, bàn chân, đau gối và thoái hóa đốt sống lưng.
– Bẻ khớp, vặn lưng: Nhiều người có thói quen bẻ các khớp và vặn lưng khi mỏi, đây là một thói quen không tốt cho xương khớp. Việc này có thể gây ra giãn dây chằng, đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
– Luyện tập quá sức: Các môn thể thao như đá bóng, bóng chuyền, tennis,… Khi tập luyện với tần suất cao sẽ gây áp lực lên các khớp, ảnh hưởng đến cấu trúc xương và làm tăng nguy cơ thoái hóa.
2.3 Do tính chất công việc
Những người làm công việc ngồi quá lâu một chỗ như nhân viên văn phòng, lái xe đường dài, thợ thủ công, thợ may,… cột sống của họ thường bị thoái hóa sớm vì phải chịu áp lực lớn trong suốt thời gian dài. Ngoài ra, những người làm công việc lao động nặng nhọc cũng có nguy cơ bị thoái hóa cao.
2.4 Do chế độ ăn uống
Dinh dưỡng không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến sự chắc khỏe, dẻo dai của xương khớp. Nếu chế độ dinh dưỡng thiếu chất sẽ khiến hệ xương khớp trở nên suy yếu, nhanh thoái hóa và mắc các bệnh lý.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ Canxi, Magie hoặc Glucosamine sẽ làm cho cột sống chắc khỏe và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp. Một số loại thực phẩm chứa nhiều chất này có thể kể đến như: bơ, chuối, ngũ cốc hạt, rau xanh, các loại hạt, phô mai, sữa chua,…
Ngoài ra, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp,… Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm cột sống bị thoái hóa nhanh hơn. Lạm dụng chất kích thích, rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thoái hóa ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
2.5 Do các chấn thương
Chấn thương cột sống có thể xảy ra trong quá trình vận động, sinh hoạt, chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông. Đây là các tác nhân khiến cho sụn khớp và xương bị tổn thương, dẫn đến thoái hóa.
2.6 Do yếu tố di truyền
Một số bệnh lý di truyền liên quan đến cột sống là hẹp đốt sống, vẹo cột sống,… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cột sống bị thoái hóa.
3. Phòng ngừa thoái hóa cột sống
Thoái hóa là quá trình diễn biến tự nhiên rất khó để ngăn chặn. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm chậm quá trình thoái hóa bằng việc thay đổi các thói quen xấu, bổ sung dinh dưỡng và luyện tập thể thao.
– Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất tốt cho xương khớp như vitamin D, canxi, magie,…
– Các thực phẩm chứa vitamin E, axit béo omega 3 và các chất chống oxy hóa tốt cho đĩa đệm, giúp ngăn ngừa thoái hóa.
– Uống nhiều nước, bạn nên uống tối thiểu là 1,5 đến 2 lít mỗi ngày.
– Hạn chế dùng các chất kích thích cà phê, rượu bia, thuốc lá,…
– Hạn chế vận động mạnh và vận động quá sức. Cố gắng điều chỉnh tư thế chuẩn tránh gây áp lực cho cột sống.
– Nếu làm công việc ngồi một chỗ thì sau một tiếng nên đứng dậy đi lại hoặc vận động nhẹ.
– Kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh tình trạng tăng cân, béo phì.
– Tập luyện thể thao thường xuyên, khởi động kỹ và tập luyện vừa sức, đúng tư thế. Các môn thể thao được khuyến khích là đi bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu, dưỡng sinh,…
– Thực hiện các bài tập tốt cho cột sống, tăng cường độ dẻo dai, linh hoạt cho xương khớp.
– Giữ cho tinh thần luôn thoải mái, hạn chế căng thẳng và áp lực.
– Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng và có biện pháp can thiệp kịp thời thoái hóa cột sống.