Nhồi máu cơ tim là một tình trạng hết sức nguy hiểm có thể gây đe dọa tính mạng của người bệnh ngay tức thì. Vì thế, chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời là mấu chốt để cứu sống các bệnh nhân này và giảm thiểu những biến chứng của bệnh. Bài viết sau đây giúp bạn nắm được các phương pháp chụp chiếu, xét nghiệm nhồi máu cơ tim quan trọng cần thiết trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Các kỹ thuật chụp chiếu, xét nghiệm nhồi máu cơ tim cơ bản
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Dựa vào các triệu chứng và tiền sử bệnh khác nhau mà bệnh nhân sẽ được xem xét thực hiện một hoặc một vài chẩn đoán cận lâm sàng sau:
1.1 Điện tâm đồ
Đây là phương pháp cận lâm sàng có giá trị cao trong phát hiện những bất thường do nhồi máu cơ tim gây ra. Hình ảnh được ghi lại trên điện tâm đồ cho phép xác định loại nhồi máu cơ tim và vùng nhồi máu.
Hình ảnh điện tâm đồ thường thấy nhất trong cơn đau ngực là đoạn ST chênh xuống, T âm nhọn, đảo chiều, ST có thể chênh lên thoáng qua.
Tuy nhiên, có tới 20% bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nhẹ, không có sự thay đổi tức thì trên điện tâm đồ. Do đó phải đo điện tâm đồ nhiều lần và kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác để mang tới kết quả chính xác nhất.
1.2 Siêu âm tim
Cùng với điện tâm đồ, siêu âm tim là kỹ thuật không xâm lấn thường được chỉ định để phát hiện và xác định nhồi máu cơ tim. Hai kỹ thuật này thường được chỉ định kết hợp.
Siêu âm tim giúp đánh giá chức năng thất trái, tìm kiếm rối loạn vận động vùng và các bệnh lý van tim kèm theo. Đồng thời chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý gây đau ngực khác. Bên cạnh đó, siêu âm cũng giúp đánh giá hoạt động của tim và những biến chứng do nhồi máu cơ tim gây ra như: thủng vách tim, đứt dây chằng, hở van tim,…
1.3 Xét nghiệm sinh hóa – Xét nghiệm nhồi máu cơ tim ngày càng được ưa chuộng
Xét nghiệm hóa sinh hay xét nghiệm chất chỉ điểm sinh học đem lại những thông tin hữu ích nên ngày càng được sử dụng nhiều trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh nhồi máu cơ tim.
Thông thường, khi cơ tim bị tổn thương sẽ kích thích giải phóng một số chất ra khỏi tổ chức, khuếch tán vào máu, thải trừ các chất ra khỏi máu. Các xét nghiệm sinh hóa giúp xác định có hay không sự xuất hiện của các chất này trong máu, nếu có thì định lượng là bao nhiêu, từ đó xác định mức độ nhồi máu cơ tim.
Các xét nghiệm hóa sinh cơ bản trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim gồm: Creatine kinase toàn phần, ALT, AST, LDH; Myoglobin, CK-MB; Troponin và các protein đặc trưng của cơ tim. Cụ thể:
– Xét nghiệm Myoglobin
Myoglobin là protein có vai trò gắn O2 để vận chuyển và lưu trữ O2 trong tế bào cơ. Bình thường, nồng độ Myoglobin rất nhỏ nhưng khi có nhồi máu cơ tim, chúng xuất hiện ở huyết thanh sớm hơn và nhiều hơn bình thường. Trong nhồi máu cơ tim cấp, nồng độ Myoglobin tăng sau khoảng 2 giờ, cực đại sau 4 – 12 giờ và trở về bình thường sau khoảng 24 giờ. Một lưu ý quan trọng là cần phân biệt hiện tượng tăng Myoglobin do nhồi máu cơ tim với tăng chỉ số này do tổn thương cơ xương.
– Xét nghiệm enzym CK – MB
Đây là loại enzym đặc hiệu của tim. Nồng độ CK-MB trong huyết tương thường tăng sau khoảng 4 – 5 giờ sau cơn đau thắt ngực do nhồi máu cơ tim. Chỉ số này có thể xác định bằng cách đo khối lượng và đo hoạt độ, trong đó đo khối lượng đặc hiệu hơn và chính xác hơn.
– Xét nghiệm Troponin
Loại protein này có vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa co cơ tim. Troponin gồm 3 loại là Troponin C, T và I. Trong đó Troponin T và I đặc hiệu cho cơ tim.
Troponin sẽ được phóng thích vào máu và tăng sau cơn nhồi máu cơ tim khoảng 3 – 4 giờ. Sau 12 – 24 giờ, nồng độ chất này sẽ đạt giá trị cực đại.
Ngoài ý nghĩa trong việc chẩn đoán nhồi máu cơ tim, xét nghiệm Troponin chứng minh hiệu quả trong chẩn đoán các bệnh tim khác, có thể kể đến như: đau thắt ngực không ổn định, bệnh nhân ghép tim,…
1.4 Chụp CT mạch vành
Chup CT mạch vành là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, không xâm lấn giúp xác định chính xác vùng tắc động mạch gây ra nhồi máu cơ tim, từ đó xem xét các phương pháp điều trị.
2. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim bằng phương pháp lâm sàng như thế nào?
2.1 Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim thường là tình trạng khẩn cấp với các triệu chứng đột ngột, dữ dội như:
– Đau ngực
– Khó thở
– Đổ mồ hôi lạnh
– Buồn nôn, nôn
– Đột ngột choáng váng, chóng mặt
– Nhịp tim nhanh
– Giảm gắng sức đột ngột
2.2 Ý nghĩa của cơn đau ngực trong chỉ định các xét nghiệm nhồi máu cơ tim
Trong đó, đau ngực là một triệu chứng điển hình của cơn nhồi máu cơ tim. Người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng, thậm chí xoắn vặn trong lồng ngực. Đau xương ức hoặc ngực trái với mức độ nặng, có khi đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Hiện tượng này xảy ra cả khi bệnh nhân ngồi nghỉ, kéo dài trên 15 phút. Đặc biệt, đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp, bệnh nhân không có triệu chứng đau ngực, đặc biệt là người lớn tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường. Thay vào đó là một hoặc một vài biểu hiện khác kể trên.
Vì vậy, khi thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào bệnh nhân cũng không nên chủ quan, nhất là khi bản thân đang mắc bệnh mạch vành hoặc các bệnh lý nguy cơ khác.
Khi thăm khám, các triệu chứng này sẽ là cơ sở quan trọng giúp các bác sĩ đưa ra những chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu phù hợp để xác định hoặc loại trừ, từ đó có phương án điều trị thích hợp.
Hi vọng qua những thông tin trên đây, bạn đã hiểu thêm về các phương pháp cận lâm sàng có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Các kỹ thuật chụp chiếu, xét nghiệm nhồi máu cơ tim này cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, có hệ thống thiết bị hiện đại. Vì thế, nếu bản thân hoặc người thân có dấu hiệu nhồi máu thì hãy nhanh chóng tới cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch uy tín để được cấp cứu kịp thời.