Trên thực tế, khám sàng lọc trước hôn nhân (khám tiền hôn nhân) vẫn còn là vấn đề khiến không ít người e ngại do sợ nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng tới tình cảm hạnh phúc lứa đôi. Tuy nhiên, hoạt động này lại là yếu tố vô cùng cần thiết và quan trọng nhằm đảm bảo một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quát về khám sàng lọc trước hôn nhân
1.1. Thế nào là khám sàng lọc trước hôn nhân?
Lúc còn trẻ, nhiều người trong chúng ta chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ sức khỏe, bởi họ chưa thấy sự tàn phá đáng sợ của bệnh tật. Chỉ đến khi thực sự gặp vấn đề về sức khỏe thì lúc đó họ mới quan tâm và điều trị.
Nhưng với hôn nhân, không phải cứ phát hiện ra bệnh là có thể điều trị được. Bởi đôi khi, hệ lụy đó có thể dẫn tới cả cho thế hệ con cháu sau này, là những căn bệnh di truyền không thể điều trị được. Do đó, với những cặp đôi đang có kế hoạch chuẩn bị bước cuộc hôn nhân thì cần tiến hành thăm khám sức khỏe tổng quát.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc biết trước và hiểu rõ về sức khỏe đối phương trước khi kết hôn cũng sẽ giúp cho các cặp vợ chồng trẻ vững vàng tâm lý cho cuộc sống mới và trước những biến cố bất ngờ có thể xảy ra. Việc biết trước các vấn đề sức khoẻ cũng giúp cả hai có thể chọn lựa những lối đi khác để thoải mái hơn. Cụ thể:
– Khám tiền hôn nhân mang đến tâm lý thoải mái cho các cặp vợ chồng sau kết hôn. Đây là một việc làm văn minh, đúng nghĩa với giá trị của hôn nhân.
– Việc phát hiện kịp thời các bệnh về sinh sản sẽ giúp bạn có phương án điều trị sớm, hiệu quả. Mặt khác, khám tiền hôn nhân là sự chuẩn bị về tinh thần mà các cặp vợ chồng dành cho nhau trong trường hợp xấu có thể xảy ra. Điều này tránh để người còn lại bị rơi vào trạng thái “sốc” và có quyết định đúng đắn trước khi chính thức bước vào hôn nhân.
– Giúp nắm rõ về tình trạng sức khỏe của cả hai để chủ động lên kế hoạch mang thai cũng như phòng tránh thai an toàn.
1.2. Ai cần quan tâm đến khám sàng lọc trước hôn nhân?
Tiền hôn nhân được xem là khoảng thời gian từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản cho đến khi kết hôn, bao gồm cả đối tượng trẻ vị thành niên khi đã bắt đầu có khả năng sinh sản, cho đến người lớn tuổi hơn (thậm chí từ 30 – 40 tuổi) mà chưa từng kết hôn. Đây là những đối tượng cần quan tâm đặc biệt đến những vấn đề thuộc nội dung chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân.
Thực tế hiện nay, các cặp đôi thường chỉ đi thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân khi chuẩn bị kết hôn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đi thăm khám sớm hơn để tiến hành sàng lọc các vấn đề sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế, tốt nhất là các cặp đôi nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu là 3 – 6 tháng trước khi kết hôn để có thêm nhiều thời gian chuẩn bị hơn.
2. Khám tiền hôn nhân có thể tầm soát được bệnh lý nào?
Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các cặp đôi khám sức khỏe tổng quát, phát hiện những bệnh lý có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân và bạn đời. Từ đó, các cặp đôi sẽ có kế hoạch điều trị sớm như các bệnh lý: viêm gan B, bệnh tim mạch, tình trạng huyết thống, các bệnh di truyền, HIV,….
Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp phát hiện những bất thường về cấu tạo của cơ quan sinh dục để các cặp đôi có thể chuẩn bị thời gian, tâm lý, chi phí thực hiện các thủ thuật hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, hoạt động khám tiền hôn nhân còn giúp phát hiện một số bệnh lý gây ảnh hưởng tới hôn nhân và khả năng sinh sản như: bệnh tâm thần phân liệt, các bệnh xã hội, HIV-AIDS, bệnh lý ác tính ở gan, tim, thận, các dị tật liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể (Down, Edwards, Patau,…), hoặc các bệnh lý di truyền.
3. Khám tiền hôn nhân bao gồm những danh mục gì?
Thực chất, việc khám tiền hôn nhân thuờng bao gồm khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe sinh sản. Cụ thể như sau:
Khám sức khỏe tổng quát
– Khám tổng quát : đo huyết áp, cân nặng, xét nghiệm máu và nước tiểu, siêu âm, chụp X-quang…
– Khám các bệnh lây qua đường tình dục như: bệnh HIV, giang mai, lậu, viêm gan B…
– Bác sĩ xem xét tiền sử vợ và chồng từng mắc bệnh chưa, từng phẫu thuật chưa, môi trường làm việc có độc hại không… đồng thời xem xét đến bệnh sử gia đình hai bên.
Khám sức khỏe sinh sản cho nam và nữ
– Kiểm tra cả nam và nữ về những bất thường nhóm máu, tiến hành khám sàng lọc di truyền, bất thường gen và những kiểm tra khác nếu cặp đôi có nhu cầu. Kiểm tra những bệnh có khả năng ảnh hưởng đến việc sinh sản như: bệnh béo phì, tiểu đường, huyết áp cao…
– Khám cho nữ giới bao gồm: kiểm tra hormone sinh dục, kiểm tra buồng trứng, soi tử cung, soi tươi dịch âm đạo,…
– Khám cho nam giới bao gồm: các vấn đề tinh hoàn, xét nghiệm tinh dịch đồ, rối loạn xuất tinh, nội tiết tố sinh dục…
Khám sức khỏe tiền hôn nhân được xem là hình thức sàng lọc để giúp nâng cao chất lượng của dân số. Bởi vậy, trước khi kết hôn khoảng 3-6 tháng, các cặp đôi nên tiến hành khám tiền hôn nhân để có thời gian điều trị bệnh kịp thời (nếu có). Nếu hai bạn có ý định mang thai ngay sau kết hôn, người phụ nữ cũng nên tiến hành tiêm ngừa một số bệnh trước 6 tháng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.