Hoạt động khám sức khỏe hôn nhân không chỉ giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản mà còn giúp các cặp đôi chuẩn bị trước tâm lý cho cuộc sống hôn nhân, một sức khỏe tốt cho việc sinh đẻ trong tương lai.
Menu xem nhanh:
1. Thời điểm nên thực hiện khám sức khỏe trước hôn nhân
Kết hôn là một trong những cột mốc quan trọng của mỗi người, do đó mà trước khi kết hôn có rất nhiều việc cần làm và trong số đó có khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Tiền hôn nhân được tính từ thời điểm một người bắt đầu có khả năng sinh sản cho tới khi kết hôn. Bao gồm cả trẻ vị thành niên khi bắt đầu khả năng sinh sản cho tới đối tượng lớn tuổi hơn (thậm chí 30 – 40 tuổi). Trên thực tế, các cặp đôi chỉ đi khám trước khi chuẩn bị kết hôn. Tuy nhiên, nên thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu từ 3 – 6 tháng trước khi kết hôn. Khoảng thời gian này cũng giúp các cặp đôi có nhiều thời gian chuẩn bị hơn và kịp thời sàng lọc cũng như điều trị các vấn đề bất thường.
Đối với nữ giới, nên thực hiện khám tổng quát sau khi kỳ kinh kết thúc tối thiểu 2 ngày, giúp việc kiểm tra phụ khoa có kết quả chính xác nhất.
Đối với nam giới, trước khi khám từ 2 – 3 ngày cần kiêng quan hệ, xuất tinh để đánh giá chính xác số lượng và chất lượng của tinh trùng.
2. Vì sao nên đi khám sức khỏe hôn nhân?
2.1. Rủi ro tiềm ẩn nếu không khám sức khỏe hôn nhân
Nếu như bỏ qua hoạt động khám sức khỏe này, các vấn đề bệnh lý tiềm ẩn sẽ không được phát hiện và điều trị kịp thời. Từ đó các cặp đôi có thể phải đối mặt với một số vấn đề sau kết hôn như:
– Lãng phí thời gian và nhiều tiền bạc cho việc điều trị các tình trạng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
– Tạo sự căng thẳng và lo lắng quá mức cho cả hai hoặc thậm chí là trầm cảm do không có sự chuẩn bị phù hợp.
– Có nguy cơ cao bị biến chứng trong quá trình mang thai như thiếu máu, tiểu đường, rối loạn tuyến giáp, tiền sản giật…
– Tăng nguy cơ biến chứng của thai nhi như suy giảm tăng trưởng, sảy thai hoặc sinh non.
– Nguy cơ trẻ sơ sinh mắc các bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh vì không có kế hoạch phòng ngừa và tầm soát hợp lý.
– Mâu thuẫn, nghi ngờ, rạn nứt tình cảm vì các vấn đề sức khỏe và các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
2.2. Tầm quan trọng mà khám sức khỏe hôn nhân mang lại
Trước đây, mọi người thường e ngại khi đề cập tới vấn đề này vì nghĩ rằng việc này không thực sự cần thiết hoặc sợ rằng đối phương nghĩ rằng mình không tin tưởng. Nhưng thực tế cho thấy nhiều cặp vợ chồng gặp nhiều rắc rối trong vấn đề sức khỏe, bệnh lây truyền, hiếm muộn… Do vậy khám sức khỏe hôn nhân mang tới cho các cặp đôi những kiến thức hữu ích, đời sống tình dục khỏe mạnh và an toàn với những lợi ích như:
– Hạn chế tỷ lệ mắc các bệnh di truyền về sau cho con như ung thư vú, rối loạn bẩm sinh. Phát hiện sớm các bất thường có thể tránh được những hậu quả không mong muốn như con bị dị tật bẩm sinh hoặc có khả năng sống sót thấp.
– Phòng ngừa, phát hiện sớm các bệnh tật trong đó có bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, lậu, mụn rộp sinh dục…). Từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng tới cuộc sống sau hôn nhân và hạn chế lây lan cho con cái
– Tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý liên quan tới vấn đề sinh sản giúp các cặp đôi chữa trị vấn đề bất thường ở cơ quan sinh sản như tắc vòi trứng, tắc ống dẫn tinh, âm đạo có vách ngăn… để tránh rạn nứt tình cảm và cản trở việc có em bé. Bên cạnh đó giúp phát hiện các vấn đề như lạc nội mạc tử cung, đa nang buồng trứng… và có hướng điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.
– Giữ gìn hạnh phúc và có kế hoạch hóa gia đình: Việc chuẩn bị trước kiến thức về đời sống tình dục giúp các cặp đôi khắc phục được đa số những lo lắng, băn khoăn và tránh sự nghi ngờ lẫn nhau. Sự hiểu biết về các biện pháp phòng tránh thai cũng giúp các cặp đôi có kế hoạch sinh rõ ràng, chủ động kiểm soát được số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Đây cũng là cách giúp bảo vệ sức khỏe sinh sản của nữ giới, tránh việc mang thai ngoài ý muốn và dẫn tới nạo phá thai.
3. Khám tiền hôn nhân gồm những danh mục nào?
Khi thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi sẽ được thực hiện theo các danh mục như:
3.1. Khám lâm sàng
Trước khi khám các danh mục chuyên sâu, các cặp đôi cần thực hiện kiểm tra sức khỏe chung như:
– Trao đổi trước với bác sĩ nội về tiền sử bệnh lý và tình trạng sức khỏe hiện tại.
– Đo huyết áp, kiểm tra chỉ số thể lực (chiều cao, cân nặng và BMI).
– Khám phụ khoa (nữ) và khám nam khoa giúp phát hiện một số bệnh lý.
3.2. Lấy mẫu xét nghiệm
– Quá trình lấy mẫu máu xét nghiệm nhằm phát hiện tình trạng thiếu máu, một số bệnh lý về máu, đánh giá một số bệnh về gan – thận – tiết niệu, chức năng tuyến giáp, nội tiết, tuyến sinh dục, tầm soát viêm gan B – C…
– Đối với nữ giới sẽ được thực hiện test nhanh Chlamydia – Một bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến.
– Đối với nam giới sẽ thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ nhằm đánh giá chức năng tinh hoàn và phát hiện các tế bào bất thường.
3.3. Chẩn đoán hình ảnh
– Chụp X-quang ngực thẳng giúp phát hiện các bất thường và bệnh lý ở phổi, trung thất.
– Siêu âm ổ bụng tổng quát giúp phát hiện các bệnh lý vùng ổ bụng như gan, thận, lách, tụy (đối với nam) và gan, thận, lách, tụy, tử cung, buồng trứng (đối với nữ)
– Siêu âm vú (nữ) nhằm đánh giá một số bệnh lý tại đây.
– Siêu âm tuyến giáp góp phần đánh giá một số bệnh lý vùng tuyến giáp ở cả nam và nữ.
– Siêu âm tử cung, siêu âm Doppler tinh hoàn giúp phát hiện và đánh giá những bất thường ở phần phụ.
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp phần nào những thông tin cần thiết về hoạt động khám sức khỏe hôn nhân. Nếu có thắc mắc cần tư vấn hoặc giải đáp thêm, hãy liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI!