3 Điều cần biết khi dị ứng vắc xin uốn ván và cách xử lý

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Để bảo vệ sức khỏe, việc tiêm phòng uốn ván hiện nay là điều thật sự cần thiết, đặc biệt đối với mẹ bầu và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vắc xin uốn ván cũng có những phản ứng dị ứng sau khi tiêm phòng. Vậy trong một số trường hợp hi hữu, nếu chẳng may gặp phải trường hợp dị ứng với vắc xin thì cần có cách xử trí như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có những hiểu biết cần thiết khi dị ứng vắc xin uốn ván và có cách xử lý kịp thời.

1. Hiểu rõ về phản ứng dị ứng vắc xin uốn ván

1.1. Dị ứng vắc xin uốn ván là gì?

Dị ứng là một phản ứng thông thường của hệ thống miễn dịch đối với một chất lạ xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, tương tự khi tiêm vắc xin uốn ván, cơ thể sẽ có một số phản ứng dị ứng với lượng kháng nguyên được tiêm vào. Tóm lại, dị ứng sau khi tiêm phòng uốn ván thực chất chỉ là một trong những phản ứng phòng vệ thông thường của cơ thể.

Những phản ứng dị ứng này có thể xuất hiện từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với vắc xin và gây ra các triệu chứng lâm sàng khác nhau ở nhiều mức độ. Thông thường, các phản ứng dị ứng sau khi tiêm vắc xin đều ở mức độ nhẹ, vậy nên không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, không phải vì điều này mà mọi người lơ là, vẫn phải luôn theo dõi tình trạng sức khỏe sau tiêm để có những phương án xử lý kịp thời.

Dị ứng vắc xin uốn ván là gì?

Dị ứng sau khi tiêm phòng uốn ván thực chất chỉ là một trong những phản ứng phòng vệ thông thường của cơ thể khi tiếp với kháng thể

1.2. Các mức độ dị ứng vắc xin uốn ván

Phản ứng phòng vệ của cơ thể hay còn gọi là phản ứng dị ứng được chia thành 3 cấp độ. Cụ thể bao gồm các cấp độ như sau:

1.2.1 Phản ứng phòng vệ độ 1 – Mức độ nhẹ

Các phản ứng phòng vệ ở mức độ nhẹ thường có các biểu hiện như sốt nhẹ và cảm giác đau sưng tại vị trí tiêm. Ngoài ra, có thể xuất hiện các triệu chứng ở da và niêm mạc ở vị trí tiêm như mề đay, ngứa, phù mạch. Đây là một trong số những phản ứng phụ phổ biến nhất sau khi tiêm phòng vắc xin uốn ván. Tuy nhiên, các tình trạng này sẽ giảm đi trong vòng vài ngày.

1.2.2 Phản ứng phòng vệ độ 2 – Mức độ nặng

Các phản ứng phòng vệ ở mức độ 2 có thể ảnh hưởng toàn thân như xuất hiện sốt cao có thể đi kèm với co giật, nổi mề đay, phù mạch nhanh, khó thở, tức ngực, đau bụng, buồn nôn, ỉa chảy, huyết áp tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp,… Đây là các triệu chứng nguy hiểm và người tiêm cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị, tránh nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn.

Mức độ dị ứng nặng sau khi tiêm vắc xin uốn ván

Nếu có các triệu chứng như khó thở, tim đập nhanh, tức ngực, đau bụng, buồn nôn, ỉa chảy,… người tiêm cần được đưa đi cấp cứu ngay để bác sĩ theo dõi và điều trị

1.2.3 Phản ứng phòng vệ độ 3 – Mức độ nguy hiểm

Ở mức độ phản ứng phòng vệ 3, người tiêm thậm chí có thể ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn, ý thức như xuất hiện tiếng rít thanh quản, phù thanh quản, thở nhanh, khò khè, tím tái, co giật, rối loạn nhịp thở, rối loạn ý thức, hôn mê, rối loạn cơ tròn, tụt huyết áp,… Và nặng nhất là nguy cơ ngừng tuần hoàn, hô hấp và dẫn đến tử vong. Đây chỉ là trường hợp hi hữu xảy ra và có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Vì vậy, để đảm bảo an toàn nhất sau khi tiêm vắc xin, mọi người nên theo dõi và điều trị ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường có diễn biến kéo dài và chuyển nặng.

2. Cách xử lý khi gặp các trường hợp dị ứng vắc xin tiêm phòng uốn ván

2.1. Với mức độ nhẹ

Với những triệu chứng ở mức độ nhẹ, mọi người có thể tham khảo một số cách như sau:

– Tình trạng đau sưng ở vết tiêm là triệu chứng thường gặp và có thể hết ngay sau vài ngày. Trường hợp tình trạng đau hoặc sưng khiến người tiêm cảm thấy khó chịu, có thể sử dụng các loại uống giảm đau không kê đơn như paracetamol.

– Với tình trạng sốt nhẹ, có thể dùng các loại thuốc hạ sốt không kê đơn để giúp giải quyết các triệu chứng hiện tại.

Cách xử lý khi gặp các trường hợp dị ứng vắc xin tiêm phòng uốn ván

Với tình trạng sưng đau ở vết tiêm, người tiêm có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol để làm dịu bớt cảm giác khó chịu

2.2. Với mức độ nặng và nguy hiểm

Với các trường hợp người tiêm đã có các triệu chứng nặng và nguy hiểm, cần nhập viện ngay để các bác sĩ có thể theo dõi và điều trị kịp thời. Tránh để các triệu chứng này kéo dài và chuyển nặng, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm thậm chí là tử vong.

Nhìn chung, để đảm bảo an toàn sau khi tiêm phòng vắc xin uốn ván, mọi người nên theo dõi kỹ càng các phản ứng của cơ thể và có các biện pháp xử lý kịp thời. Bạn cũng cần chú ý:

– Theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân tối thiểu 30 phút sau khi tiêm. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường như thở nhanh, sốc phản vệ, tụt huyết áp, có cảm giác buồn nôn… thì phải báo ngay cho nhân viên y tế tại cơ sở tiêm chủng để được hỗ trợ điều trị kịp thời.

– Sau khi tiêm xong, tiếp tục theo dõi các biểu hiện của cơ thể khi ở nhà. Nếu xuất hiện các phản ứng phụ nghiêm trọng cần đưa đi cấp cứu ngay.

3. Dị ứng khi tiêm phòng vắc xin uốn ván có nguy hiểm không?

Như đã trình bày ở trên, tùy vào từng mức độ triệu chứng mà có thể gây nguy hiểm cho cơ thể của người tiêm hay không. Thông thường, các phản ứng dị ứng xảy ra chỉ ở mức độ nhẹ và không đe dọa đến tính mạng của người tiêm. Các tình trạng này có thể sẽ kéo dài trong vài giờ đến vài ngày rồi biến mất, nên không cần quá lo lắng. Rất hiếm khi các trường hợp sau khi tiêm phòng vắc xin uốn ván gặp các triệu chứng nặng đến nguy hiểm. Do vậy, để khắc phục và hạn chế tình trạng này, mọi người cần lưu ý một số cách xử lý và phòng ngừa ở trên.

Trên đây là lời giải đáp cho vấn đề dị ứng khi tiêm vắc xin uốn ván và các cách xử lý nếu chẳng may gặp phải các phản ứng phụ kể trên. Mong rằng những thông tin này đã đem đến cho mọi người những kiến thức cần thiết để đảm bảo an toàn khi tiêm phòng vắc xin uốn ván. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác, mọi người có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital